Bảo vệ và phát triển rừng gắn với tăng giá trị kinh tế từ rừng
PV: Xin ông cho biết đâu là điểm khác biệt giữa Kế hoạch về bảo vệ và phát triển rừng và dự án trồng 5 triệu héc-ta rừng?
Ông Hà Công Tuấn: Dự án 661 (trồng 5 triệu héc-ta rừng) trước đây chủ yếu tập trung khôi phục, phát triển rừng. Còn kế hoạch mới này toàn diện hơn, còn bao gồm cả bảo tồn thiên nhiên. Vấn đề cốt lõi nhất, cơ bản nhất của ngành lâm nghiệp ngoài việc bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên mà vấn đề sản xuất, chế biến xuất khẩu lâm sản cũng phải được chú trọng. Ngành lâm nghiệp gắn liền với phát triển kinh tế-xã hội của 25 triệu dân, trong đó có 4,6 triệu dân sống bằng nghề rừng thông qua việc giao đất, giao rừng, nhận khoán bảo vệ rừng. Do vậy, kế hoạch này, ngành lâm nghiệp chỉ có thể thực hiện thành công nếu có sự tham gia của toàn thể xã hội.
PV: Xin ông làm rõ hơn việc tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đối với việc phát triển rừng trong thời gian tới?
Ông Hà Công Tuấn: Tái cơ cấu ngành là lĩnh vực quan trọng nhất để rừng của chúng ta có năng suất, chất lượng cao hơn, chắc chắn phải được triển khai thực hiện kế hoạch lần này... Mục tiêu của tái cơ cấu ngành rất quan trọng, làm tăng giá trị sản phẩm và phi sản phẩm thu từ rừng: Thông qua tổ chức dịch vụ môi trường rừng, tái cơ cấu lĩnh vực sản xuất, chế biến để làm tăng giá trị xuất khẩu.
PV: Diện tích rừng sản xuất trong giai đoạn 2011-2020 có gì khác so với chương trình 5 triệu héc-ta rừng trước đây?
Ông Hà Công Tuấn: Mục tiêu theo Quyết định 57/QĐ-TTg (gọi tắt là QĐ 57) trong 10 năm tới chúng ta sẽ trồng một triệu héc-ta rừng sản xuất, nghĩa là tương đương diện tích rừng trồng của dự án 661 trước đây. Yêu cầu của Nhà nước trong kế hoạch lần này không chỉ để phủ xanh đất trống đồi trọc, vấn đề rất quan trọng là phải tăng năng suất rừng trồng. Đây cũng là giải pháp chúng tôi mong muốn gắn với tái cơ cấu, diện tích rừng đã có và rừng trồng mới cố gắng kéo dài chu kỳ trung bình của rừng để nâng đường kính gỗ 20cm hiện nay lên mức cao hơn, phục vụ chế biến ván ép, đồng thời tăng năng suất gỗ rừng sản xuất từ 70m3/ha/chu kỳ hiện nay lên 100m3/ha/chu kỳ.
PV: Chúng ta cần có thêm cơ chế, chính sách gì để bảo đảm đời sống của người tham gia trồng rừng?
Ông Hà Công Tuấn: Cơ chế chính sách đối với người trồng rừng chúng ta đã có nhiều như Chương trình 30A trong đó phát triển lâm nghiệp, nhiều chính sách rất hấp dẫn đối với người trồng rừng, thế nhưng việc triển khai thực hiện chậm. Năm 2011, Nhà nước đầu tư cho ngành lâm nghiệp 750 tỷ đồng, năm 2012 khoảng 1.210 tỷ đồng đó là cố gắng lớn trong bối cảnh chúng ta đang phải thực hiện Nghị quyết 11 giảm đầu tư công trên mọi lĩnh vực, riêng lâm nghiệp là số ít ngành được tăng đầu tư. Chúng tôi cố gắng đẩy mạnh chính sách giao đất, giao rừng và chính sách để cho dân tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi phù hợp với chu kỳ của rừng…
PV: Chính sách chi trả tiền môi trường rừng mà chúng ta thực hiện thí điểm từ năm 2008 đến nay có thể nhân rộng được không?
Ông Hà Công Tuấn: Dịch vụ môi trường rừng là chính sách mới góp phần giúp tăng thu nhập cho người trồng rừng, chúng ta là một trong những nước đầu tiên trên thế giới áp dụng chính sách mới này. Quyết định 380 của Thủ tướng thực hiện thí điểm tại 2 tỉnh: Sơn La và Lâm Đồng đến hết năm 2011, còn việc thực hiện trên phạm vi toàn quốc theo Nghị định 99 của Chính phủ thì bắt đầu thực hiện từ năm 2011. Trong 3 năm thực hiện việc thí điểm ở Sơn La, Lâm Đồng, tiền dịch vụ môi trường rừng mỗi năm thu khoảng 240 tỷ đồng. Tổng số tiền trong thời gian thực hiện thí điểm là hơn 700 tỷ đồng. Toàn bộ tiền thu không phải là vốn ngân sách, nguyên tắc sẽ trả toàn bộ cho chủ rừng, người nhận khoán bảo vệ rừng trên cơ sở diện tích rừng và chất lượng rừng. Đương nhiên không có nghĩa là 100% số tiền thu được chủ rừng hưởng hết mà còn phải chi phí quản lý. Đối với chủ rừng là một tổ chức (khu rừng đặc dụng khoán cho nhiều hộ) thì tổ chức quản lý khu rừng đặc dụng sẽ được giữ lại 10% chi phí quản lý, phần còn lại trả cho người nhận khoán. Nếu chủ rừng là cá nhân sẽ được nhận toàn bộ.
PV: Hiện nay, một số doanh nghiệp thủy điện còn nợ đọng dịch vụ môi trường rừng, giải pháp về vấn đề này?
Ông Hà Công Tuấn: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện còn nợ 550 tỷ đồng chủ yếu thu dịch vụ cấp nước cho nhà máy thủy điện, mức thu được tính là 20 đồng/KW điện. Năm 2010 và năm 2011, do EVN gặp khó khăn không thanh toán được, họ xin Thủ tướng cho phép nợ. EVN đã đôn đốc yêu cầu các nhà máy thủy điện phải trả nợ. Ước tính của chúng tôi, EVN sẽ phải trả khoảng 700 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng trong năm 2012. Các nhà máy thủy điện của EVN đã cam kết trả theo hằng quý.
PV: Một số địa phương tiền đã có nhưng lại chưa trả cho chủ rừng vì sao?
Ông Hà Công Tuấn: Đúng là tiền đã có trong quỹ ở một số địa phương nhưng chưa trả được vì chưa xác định được cụ thể diện tích của từng chủ rừng. Muốn xác định được và tiến hành đo vẽ thì phải chi phí nhưng theo quy định lại không được lấy tiền từ quỹ này mà Nhà nước phải bỏ tiền tiến hành thực hiện đo vẽ. Chúng tôi đồng ý cách làm ở một số huyện của tỉnh Sơn La là khi chưa xác định diện tích rừng thì áp dụng hình thức trả tiền tạm ứng khoảng 60-70% cho chủ rừng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Kiểm (Qdnd)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn