Theo Bộ KHĐT, cần kết hợp lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình để đảm bảo có đủ vốn cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT), với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về xây dựng, thúc đẩy phát triển cho khu vực nông nghiệp nông thôn, Chính phủ đã dành cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nguồn vốn đầu tư không nhỏ. Cụ thể, trong kế hoạch năm 2012, Chương trình này mới được đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương là 1.700 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển là 1.000 tỷ đồng (tăng 100% so với kế hoạch năm 2011) và vốn sự nghiệp kinh tế là 700 tỷ đồng.
|
Người dân xã Tràng Lương (Đông Triều, Quảng Ninh) làm đường giao thông xây dựng nông thôn mới (Ảnh: quangninh.gov.vn) |
Bộ KHĐT cũng cho biết, hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực nông thôn trong tương lai, để đảm bảo đủ vốn cho Chương trình, nguồn vốn được xác định sẽ bao gồm: ngân sách Trung ương và địa phương, trái phiếu Chính phủ, tín dụng, vốn đầu tư của doanh nghiệp, các khoản đóng góp tự nguyện của nhân dân, vốn huy động từ cộng đồng, các nguồn vốn hợp pháp khác.
Điều này đồng nghĩa với việc để hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, cùng với sự quyết tâm và đầu tư lớn của Nhà nước, rất cần sự chung tay của người dân và toàn xã hội. Vì thế, Bộ KHĐT đã đề nghị các địa phương quan tâm lồng ghép các nguồn vốn trên địa bàn để xây dựng nông thôn mới, đảm bảo hiệu quả đầu tư cao nhất.
Thực tế hiện nay, đồng thời với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương cũng triển khai các chương trình khác, và rất nhiều chương trình có trùng nội dung với Chương trình này.
Cụ thể, năm 2012 có 9/16 Chương trình mục tiêu quốc gia có một số nội dung đầu tư cho khu vực nông thôn, có khả năng lồng ghép với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Tổng vốn đầu tư của 9 chương trình này là 11.987,6 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 3.158 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 8.829,6 tỷ đồng.
Ngoài các chương trình mục tiêu quốc gia, đại diện Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ KHĐT) đã chỉ rõ, các chương trình hỗ trợ có mục tiêu nếu được lồng ghép với Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong việc khai thông nguồn vốn cho Chương trình.
Theo đó, chỉ riêng trong năm 2012 cũng có tới 28 chương trình đầu tư hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương trên địa bàn nông thôn. Các chương trình này tập trung nhiều vào các xã, với tổng số vốn đầu tư phát triển hỗ trợ các địa phương là 13.369 tỷ đồng. Trong đó, tiêu biểu như: chương trình hỗ trợ đầu tư theo Nghị quyết vùng của Bộ Chính trị; chương trình đầu tư các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a. Các chương trình này chủ yếu đầu tư cho các công trình như thủy lợi, trạm y tế xã, trường học, đường giao thông nông thôn...
Ngoài ra, một số nguồn vốn khác cũng được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lồng ghép với mục tiêu tìm kiếm tối đa nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới. Đó là nguồn từ: đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (2.204 tỷ đồng); các dự án trái phiếu chính phủ giao thông, thủy lợi; các dự án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên (2.500 tỷ đồng); kinh phí cấp bù miễn thủy lợi phí (3.519 tỷ đồng); vốn tín dụng không tính lãi suất để thực hiện kiên cố hóa kênh mương và giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng làng nghề (3.000 tỷ đồng); các dự án ODA về giảm nghèo, phát triển nông thôn dựa vào cộng đồng...
Có thể nói việc kết hợp lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình được xem là cách làm cần thiết để đảm bảo có đủ vốn cho mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong bối cảnh vốn đầu tư còn nhiều khó khăn như hiện nay./.
Theo Hà Trần
Theo VOV online