10 tỉnh có dịch cúm
Theo Chi cục Thú y Hải Phòng, ngày 13.2, địa phương phát hiện đàn vịt 300 con của gia đình ông Trần Văn Loan ở xã Tiên Minh, huyện Tiên Lãng có 180 con với các triệu chứng ủ rũ, bỏ ăn, kém ăn, xanh, phân trắng, đầu và mí mắt sưng, run rẩy, nhiều con có triệu chứng thần kinh đi xoay vòng…
Nguy cơ dịch cúm lây lan từ đàn vịt chạy đồng. Ảnh chụp ở huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. |
Cùng chung cảnh, đàn vịt 300 con của ông Lê Văn Bằng ở cùng thôn cũng bị chết hơn 200 con với các biểu hiện tương tự. Mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với CGC H5N1.
Trao đổi với PV Báo NTNN sáng 14.2, ông Nguyễn Văn Hùng - Chi cục phó Chi cục Thú y Hải Phòng cho biết đang chỉ đạo các địa phương tiêu hủy toàn bộ số gia cầm mắc bệnh và nghi mắc bệnh; tăng cường công tác giám sát thú y tại các kênh trạm thú y xã; thành lập đội xung kích chống dịch gồm: Dân quân tự vệ, thanh niên, công an, thú y, y tế xã... và tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch, bao vây, dập tắt, ngăn chặn dịch lây lan.
Trước đó, từ ngày 28.1 trên đàn vịt 2.550 con của 3 hộ tại thôn Văn Xá (2.550 con vịt) và 1 hộ chăn nuôi gà (87 con) tại thôn Phạm Lý, xã Ngô Quyền, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương có hiện tượng ốm chết rải rác. Tính đến nay, số gia cầm bị mắc bệnh, chết và tiêu hủy lên tới gần 3.000 con.
Tại Sóc Trăng, những ngày qua đã có hàng trăm con gia cầm tại xã Ngọc Tố, Hòa Tú 1 (huyện Mỹ Xuyên); xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú)… chết hàng loạt. Ngành thú y đã lấy 90 mẫu bệnh phẩm gửi về Cục Thú y vùng VII (TP.Cần Thơ) xét nghiệm và có 2 mẫu dương tính với chủng virus H5N1.
Như vậy, theo Cục Thú y (Bộ NNPTNT), tính đến ngày 14.2, dịch CGC đã bùng phát ở 10 tỉnh bao gồm: Thanh Hóa, Quảng Trị, Sóc Trăng, Bắc Giang, Kiên Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Tĩnh.
Lập 7 đoàn chống dịch
Theo ông Phạm Văn Đông - Phó Cục trưởng Cục Thú y, dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạo, có nguy cơ lan rộng. Trong khi đó, việc chưa có vaccin phù hợp để tiêm phòng virus cúm đã biến đổi cùng với diễn biến bất thường của thời tiết, chưa quản lý tốt quá trình vận chuyển gia cầm… khiến cho việc lây lan dịch ngày càng phức tạp.
Trước mắt, để hạn chế dịch lây lan, Cục Thú y chỉ đạo hệ thống thú y địa phương phối hợp với cơ quan y tế, chính quyền cơ sở và các tổ chức đoàn thể tăng cường giám sát đến tận trang trại, hộ chăn nuôi, tổ chức quản lý đàn vịt chạy đồng, lò ấp, cơ sở kinh doanh, chợ buôn bán, giết mổ gia cầm trên địa bàn nhằm phát hiện sớm các trường hợp gia cầm mắc bệnh để kịp thời xử lý.
Dịch LMLM đang tái phát
Cục Thú y cho biết: Hiện có 7 xã thuộc tỉnh Thái Bình xuất hiện dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM) ở lợn, với tổng số lợn bị bệnh là 238 con. Còn tại xã Liên Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) cũng đã xuất hiện ổ dịch LMLM với 39 con lợn nhiễm bệnh.
Hòa Bình
"Các địa phương cần tổ chức ngay việc tiêm phòng bổ sung cho những đàn gia cầm đã hết miễn dịch, đàn nuôi mới trên các địa bàn thuộc chương trình tiêm phòng cúm gia cầm. Các biện pháp phòng và chống dịch cần phải quyết liệt"- ông Đông cho biết thêm. Ông Đông cũng khuyến cáo người chăn nuôi cũng nên chủ động khai báo với cơ quan chức năng khi phát hiện gia cầm biểu hiện nghi mắc bệnh cúm.
Đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, khi phát hiện dịch bệnh, các địa phương cần chủ động và nhanh chóng điện thoại về Cục để kịp thời phối hợp trong công tác chỉ đạo nhằm hạn chế sự lây lân dịch bệnh trong quá trình vận chuyển gia súc, gia cầm mang bệnh.
Trước diễn biến dịch CGC chưa có dấu hiệu dừng lại, Bộ NNPTNT đã quyết định thành lập 7 đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các tỉnh, thành phố. Đồng thời, Bộ cũng có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tiến hành triển khai Tháng Vệ sinh tiêu độc, khử trùng.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn