Với chủ đề “Cơ hội và thách thức trong định hình tương lai khu vực Đông Á thông qua Kết nối”, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2012 chính thức khai mạc chiều 31/5 tại thủ đô Bangkok (Thái Lan).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab, Thủ tướng nước chủ nhà Thái Lan Yingluck Shinawatra, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong và Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đồng chủ tọa diễn đàn.
Tham dự diễn đàn còn có Thủ tướng Bahrain Amir Khalifa Bin Salman Al Khalifa, Bộ trưởng, Thứ trưởng của 18 quốc gia trong khu vực và các tổ chức quốc tế.
Với sự tham dự của khoảng 600 đại biểu, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2012 sẽ tập trung vào 3 nội dung chính liên quan đến vai trò các nền kinh tế tăng trưởng cao của ASEAN trong tái cân bằng triển vọng kinh tế toàn cầu và khu vực; vai trò của các Chính phủ và tổ chức trong triển khai các chính sách tài chính hiệu quả nhằm kiểm soát lạm phát, chu chuyển vốn, biến động giá cả hàng hóa và tăng trưởng cân bằng cũng như làm thế nào để tận dụng lợi thế về dân số và công nghệ trong khu vực để phát triển các mô hình tăng trưởng…
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thủ tướng chủ nhà Thái Lan Yingluck Shinawatra nhấn mạnh: “Tương lai Đông Á ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sự liên kết của chúng ta”. Thủ tướng Yingluck Shinawatra cho rằng các nước liên quan cần tập trung vào 3 vấn đề. Thứ nhất là hoàn thiện mạng lưới liên kết hạ tầng. Thứ hai là đưa hành lang hạ tầng giao thông thành hành lang kinh tế thông qua hoàn thiện cơ chế để hàng hóa và người dân di chuyển tự do xuyên biên giới. Thứ ba là liên kết vượt qua khuôn khổ ASEAN và Đông Á, nhất là về thương mại, đầu tư với các khu vực khác, đây chỉ là vấn đề thời gian….
Trong bài phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Hợp tác, kết nối khu vực đang là một trong những xu hướng chủ đạo tại Đông Á với vai trò tích cực của các nước trong khu vực, đặc biệt là các quốc gia thành viên ASEAN.
Các chương trình, sáng kiến và cơ chế hợp tác đã góp phần thúc đẩy đối thoại, hiểu biết và phối hợp chính sách giữa các nước liên quan, tạo môi trường thuận lợi và đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của khu vực, củng cố thêm vai trò của Đông Á trong cấu trúc kinh tế toàn cầu.
Thủ tướng cũng nêu rõ những khó khăn và thách thức trong tiến trình hợp tác, kết nối khu vực như điều kiện sản xuất kinh doanh suy giảm, lạm phát, nợ công gia tăng, giá năng lượng và lương thực thế giới diễn biến phức tạp... và cho rằng các nước Đông Á cần tăng cường hơn nữa quyết tâm chính trị và phối hợp hành động trong tiến trình này.
Theo Thủ tướng, trước hết cần nâng cao "tính đồng bộ" trong triển khai hợp tác phát triển với sự tham gia chủ động, tích cực của tất cả các bên liên quan trong các nội dung, lĩnh vực đã cam kết...
Thủ tướng cũng đề cập đến đòi hỏi tất yếu phải tăng cường "tính thích ứng" của khu vực Đông Á nhằm ngăn ngừa nguy cơ khủng hoảng và hướng tới phát triển bền vững.
Thủ tướng cho rằng: Hợp tác và kết nối khu vực không chỉ ưu tiên tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; tăng cường hợp tác về tài chính - tiền tệ mà cũng cần ưu tiên đối phó với các thách thức đang trực tiếp làm gia tăng khoảng cách phát triển, biến đổi khí hậu gắn với an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh và an toàn hàng hải...
Sau những hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra tại các nước khu vực trong thời gian gần đây, Thủ tướng cho rằng các nước Đông Á cần hợp tác chặt chẽ ở tầm chính sách về quản lý thiên tai… Cần ưu tiên hơn nữa cho các hoạt động hợp tác cụ thể nhằm hỗ trợ các nước ứng phó với lũ lụt, thiên tai, xâm nhập mặn, bảo đảm an ninh lương thực và tìm ra giải pháp lâu dài cho việc sử dụng bền vững nguồn nước của dòng sông.
Ưu tiên trước hết là nghiên cứu đánh giá một cách tổng thể, khách quan, khoa học và hệ thống về các tác động đến môi trường trong việc khai thác, sử dụng nguồn nước trong đó có tác động của việc xây dựng các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong.
Một vấn đề quan trọng nữa Thủ tướng đề cập tại diễn đàn, đó là vấn đề hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải. Đây là một điều kiện tiên quyết cho kết nối và hợp tác phát triển, đang là mối quan tâm hàng đầu và là lợi ích chung của cả khu vực.
Thủ tướng nêu rõ: Các bên liên quan cần giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS); bảo đảm tôn trọng và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ DOC, thúc đẩy việc sớm xây dựng COC và tăng cường xây dựng lòng tin ở khu vực.
Thủ tướng cũng đề xuất các bên liên quan tăng cường huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực cho hợp tác, kết nối khu vực, trong đó có việc áp dụng mô hình hợp tác công - tư (PPP) với sự tham gia của chính phủ, các nhà tài trợ và các doanh nghiệp. Việc tăng cường, củng cố cấu trúc khu vực Đông Á cần tiếp nối và bổ sung cho các cấu trúc và tiến trình hợp tác đã có... Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam tiếp tục phối hợp với các nước trong khu vực thúc đẩy các sáng kiến, khuôn khổ hợp tác hướng tới mục tiêu củng cố an ninh - hòa bình trong khu vực; nâng cao hiệu quả tham gia các khuôn khổ, cơ chế hợp tác khu vực Đông Á cũng như tích cực tham gia các hoạt động đối thoại, tư vấn chính sách, chủ động đề xuất và tham gia các sáng kiến nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của Diễn đàn kinh tế thế giới..../.