Chiều 13/3, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm đã họp để đánh giá về tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm và đề xuất những giải pháp nhằm phòng, chống dịch thời gian tới.
|
Tại một số địa phương, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho gia cầm còn thấp (Ảnh minh họa/TTXVN) |
Theo thống kê của Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 59 xã, phường thuộc 42 huyện, quận của 14 tỉnh, thành. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 66.479 con. Hiện nay, cả nước còn 4 tỉnh là Quảng Trị, Thái Nguyên, Hà Tĩnh và Hải Dương có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.
Đánh giá về tình hình dịch, ông Hoàng Văn Năm – Cục trưởng Cục Thú y cho biết: từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, dịch tập trung ở các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh Bắc Trung Bộ. Do thời tiết rét đậm kéo dài, mưa phùn và độ ẩm cao nên chỉ trong vòng 1 tháng đã xảy ra gần 60 ổ dịch. Tuy nhiên, dịch phát sinh lẻ tẻ, rải rác, phần lớn các tỉnh có 1 hoặc 2 hộ chăn nuôi có dịch và các ổ dịch đã được phát hiện sớm, xử lý kịp thời nên dịch chưa có dấu hiệu lan rộng. Hiện tại, các ổ dịch vẫn được các địa phương kiểm soát tốt và dịch đang có chiều hướng giảm.
Đáng lưu ý, từ đầu năm đến nay, đã xuất hiện 4 ca bệnh cúm A/H5N1 trên người, trong đó 2 ca tử vong. Theo Bộ Y tế, các trường hợp bệnh đều có liên quan đến tiếp xúc, giết mổ gia cầm mắc bệnh, chết. Hai ca đều không được điều trị kịp thời bằng thuốc kháng vi rút đặc hiệu. “Theo một số báo nêu, người chăn nuôi vứt xác gia cầm bệnh xuống kênh rạch và suối làm mầm bệnh phát tán rộng hơn, gây khó khăn trong công tác chống dịch. Điều này cho thấy, công tác tuyên truyền tại một số địa phương chưa được tốt, vẫn còn tâm lý chủ quan, coi thường dịch. Do vậy, thời gian tới, khả năng vẫn tiếp tục xuất hiện các ổ dịch nhỏ lẻ trên đàn gia cầm nuôi tại các địa bàn có nguy cơ cao.” – ông Hoàng Văn Năm nhận định.
Về dịch lở mồm long móng, hiện cả nước còn 3 tỉnh là Hà Giang, Nam Định, Hà Nam có dịch chưa qua 21 ngày. Theo ông Hoàng Văn Năm, hiện nay, các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên có nguy cơ cao phát sinh dịch.
Trong khi đó, cả nước chỉ còn 1 tỉnh có dịch tai xanh là Lào Cai. Tuy nhiên, theo Cục Thú y, đặc điểm dịch tễ của bệnh tai xanh qua các năm cho thấy, tháng 3-4 hàng năm là thời gian có nguy cơ cao phát sinh dịch, nhất là tại các tỉnh miền Bắc.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết qua kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại 7 tỉnh (Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Tây Ninh), đoàn kiểm tra của Cục Chăn nuôi đánh giá: có một số tỉnh rất tích cực trong chỉ đạo tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 1 và công tác giám sát sau tiêm phòng cũng đã được triển khai. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn còn chậm trong việc phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh năm 2012; công tác tiêm phòng ở một số địa phương cũng chỉ đạt tỷ lệ thấp; việc quản lý vịt chạy đồng còn chưa tốt... “ Thực tế, ở cấp tỉnh rất chủ động, tích cực trong công tác phòng chống dịch nhưng về đến cấp dưới đến thôn, ấp lại chủ quan” – ông Sơn cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cũng đánh giá, thực tế các địa phương nào phát hiện dịch sớm, tiêu hủy nhanh thì dập dịch rất nhanh. Đồng thời, đề xuất biện pháp chống dịch “4 T” với các tỉnh chưa xảy ra dịch gồm: Tuyên truyền, Tiêu độc khử trùng, Tiêm phòng, Thanh tra kiểm tra. Đối với các tỉnh đã xảy ra dịch thì thêm một biện pháp “1 T” là Tiêu hủy. Bên cạnh đó, ông Sơn cho biết, các địa phương đều đề nghị hỗ trợ vắc xin tiêm phòng cho đàn gia cầm.
Đồng tình với ông Nguyễn Thanh Sơn, đại diện đoàn kiểm tra của Trung tâm khuyến nông – 1 trong 7 đoàn kiểm tra được thành lập cũng cho rằng, trong công tác phòng chống dịch bệnh thì ở cấp tỉnh rất nóng nhưng xuống tới xã, thôn thì chưa nóng. Đồng thời kiến nghị tăng cường thông tin tuyên truyền trên báo, đài, đặc biệt thông tin qua đài truyền thanh xã để nâng cao nhận thức của người dân.
Để ngăn chặn dịch bệnh trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm đề nghị: chính quyền các cấp, các ban ngành của địa phương cần quán triệt phương châm “Chủ động phát hiện sớm ổ dịch, xử lý dịch quyết liệt và bao vây, giám sát chặt ổ dịch”. Đồng thời khuyến cáo rõ cho người dân về các biểu hiện nhận biết dịch cúm trên gia cầm, triệu chứng bệnh cúm trên người...
Đối với người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ gia cầm, khi phát hiện gia cầm mắc bệnh, chết không rõ nguyên nhân phải báo cho nhân viên thú y hoặc người có trách nhiệm; không mua bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm nghi mắc bệnh, chết. Phải sử dụng bảo hộ cá nhân khi tiếp xúc với gia cầm, rửa tay bằng nước sạch và xà phòng khi tiếp xúc, chế biến gia cầm.../.
Theo cpv,org.vn