Theo báo cáo của các địa phương gửi về, hiện 100% tỉnh, thành phố đã thành lập BCĐ và 97% số xã thành lập Ban Quản lý xây dựng NTM cấp xã. Về việc ban hành các văn bản hướng dẫn, tính đến tháng 6/2012 có 24 tỉnh, thành đề xuất điều chỉnh cơ chế, chính sách, 28 tỉnh và 9 Bộ, ngành có ý kiến đề xuất điều chỉnh Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM.
Ngày 8/6/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 695/QĐ-TTg về việc sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Theo đó, đối với tất cả các xã, hỗ trợ 100% từ ngân sách Nhà nước cho các công tác quy hoạch, xây dựng trụ sở xã, kinh phí cho công tác đào tạo kiến thức về xây dựng NTM cho cán bộ xã, cán bộ thôn bản, cán bộ hợp tác xã.
Đối với các xã thuộc các huyện nghèo thuộc Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, hỗ trợ tối đa 100% từ ngân sách Nhà nước cho xây dựng đường giao thông đến trung tâm xã, đường giao thông thôn, xóm, giao thông nội đồng và kênh mương nội đồng, trường học, trạm y tế xã, nhà văn hoá xã, thôn, bản, công trình thể thao thôn, bản, công trình cấp nước sinh hoạt, thoát nước thải khu dân cư đạt chuẩn phát triển SX và dịch vụ hạ tầng các khu SX tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thuỷ sản. Đối với các xã còn lại, hỗ trợ một phần từ ngân sách Nhà nước cho các hạng mục trên.
Đặc biệt, chính quyền địa phương (tỉnh, huyện, xã) không quy định bắt buộc nhân dân phải đóng góp xây dựng NTM, chỉ vận động bằng các hình thức thích hợp để người dân tự nguyện đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương. Nhân dân trong xã bàn bạc mức tự nguyện đóng góp cụ thể cho từng dự án và đề nghị HĐND thông qua.
Các địa phương không được bắt buộc người dân đóng góp xây dựng NTM
Các hộ nghèo tham gia trực tiếp lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương được chính quyền địa phương xem xét, trả thù lao theo mức phù hợp với mức tiền lương chung của thị trường lao động tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương.
GIÁM SÁT CHẶT KHÂU QUY HOẠCH
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Cao Đức Phát đặc biệt nhấn mạnh tới công tác quy hoạch xây dựng NTM. Trong đó, cần tập trung phát triển quy hoạch SX và quy hoạch cơ sở hạ tầng. Tính đến tháng 5/2012, mới có 65% số xã hoàn thành quy hoạch chung được phê duyệt (tăng 5% so với tháng 3/2012). Tiến độ như vậy là xứng đáng được ghi nhận nhưng Bộ trưởng cho rằng, cần làm quyết liệt và tích cực hơn nữa, các đồng chí cố vấn Ban Chỉ đạo, VPĐP cần tập trung kiểm tra sát sao và chấn chỉnh công tác này cho các địa phương trong 6 tháng cuối năm.
“Triển khai quy hoạch phải đến tận thôn, bản, đến tận dân có mốc giới hẳn hoi chứ không phải quy hoạch trên giấy là xong. Quá trình đi thực tế tôi thấy rất nhiều mô hình quy hoạch họ làm rất hay. Ví dụ như Nghệ An, khi chưa có tiền, chính quyền đã quy hoạch cắm mốc sẵn ở đó, trong khi chờ đợi ít nhất thì người dân họ biết đấy là đất quy hoạch và không xây nhà cửa ở đó đã là một thành công rồi. Hay có địa phương, họ làm nền đường trước rồi khi có tiền họ đổ bê tông được luôn mà không mất thêm thời gian đi làm từ đầu nữa", Bộ trưởng Cao Đức Phát chia sẻ.
Bộ trưởng cho biết thêm, trong thời gian tới các đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT cần chủ động xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả cho các địa phương trong Chương trình xây dựng NTM. Ngành trồng trọt cần đẩy mạnh phong trào dồn điền đổi thửa xây dựng các cánh đồng mẫu lớn để đưa cơ giới hoá và khoa học kỹ thuật vào SX, từ đó giảm chi phí lao động và nâng cao thu nhập cho người nông dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu lao động trong nông thôn. Không chỉ với cây lúa mà các loại cây khác như chè, cà phê, hồ tiêu, cao su… cũng nên triển khai theo hướng này. Các ngành lâm nghiệp, chăn nuôi, BVTV… cũng cần xây dựng cho mình những quy chuẩn trong các mô hình phát triển kinh tế như thế nào là đạt chuẩn NTM.
Theo NNVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn