Từ đầu tháng 12/2011 đến nay, trên địa bàn tỉnh có đến 37 ngày rét với nền nhiệt độ từ 110C- 22,60C, trong đó có 13 ngày nhiệt độ đạt 150C. Rét buốt kèm theo mưa phùn đã làm cho trên 60% diện tích mạ và lúa gieo thẳng ở các trà xuân sớm và xuân muộn bị chết (trong tổng số 1.526 ha mạ và 15.726 ha lúa gieo thẳng). Theo tính toán của ngành chuyên môn, hiện nay toàn tỉnh cần trên 1000 tấn giống để bổ cứu số diện tích bị chết. Theo dự báo, thời tiết giá rét sẽ còn kéo dài, trùng vào thời vụ sản xuất trà lúa xuân muộn (chiếm 49,6% cơ cấu giống lúa đông xuân). Do vậy, khả năng diện tích lúa chết rét sẽ còn tăng, theo đó nguy cơ thiếu mạ cấy cũng tăng cao.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận xung quanh vấn đề về cung ứng nguồn giống bổ sung để bổ cứu kịp thời số diện tích thiệt hại; phương án chỉ đạo bà con bắc mạ cấy và quy trình kỹ thuật che phủ ni lông đối với trà lúa xuân muộn… Trước mắt, tỉnh và huyện hỗ trợ 50% giá giống và 50% là nguồn vốn của người dân.
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh: vụ đông xuân là vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm, do vậy các cấp, ngành cần vào cuộc một cách quyết liệt, sâu sát nhất để đảm bảo điều kiện tốt nhất để canh tác hết diện tích. Muốn vậy, các địa phương cần khẩn trương liên hệ nguồn giống chất lượng, ngắn ngày, hợp cơ cấu cung ứng về cho bà con nông dân, chậm nhất là ngày 17/1; chủ động trích ngân sách hỗ trợ mua ni lông che phủ mạ, chậm nhất là đến ngày 15/1 phải báo cáo về UBND tỉnh; phối hợp với ngành nông nghiệp kiên quyết chỉ đạo bà con tập trung vào trà xuân muộn với phương pháp bắc mạ có che phủ ni lông theo đúng quy trình kỹ thuật để tránh rét an toàn cho cây mạ. Đồng thời chăm sóc, bảo dưỡng số diện tích mạ còn lại của trà xuân sớm và xuân trung, tuyệt đối không xuống đồng cấy lúa khi nhiệt độ dưới 150C.
Bên cạnh đó, các địa phương quan tâm đến vấn đề phòng chống đói rét, đổ ngã của đàn gia súc; chuẩn bị giống lạc xuân sắp tới. Đối với các Công ty giống, phải cam kết cung ứng nguồn hàng chất lượng, đúng cơ cấu, kịp thời và giá cả hợp lý, tạo điều kiện cho bà con nông dân tái sản xuất. Sở Tài chính cân đối lại ngân sách, thực hiện chi trả theo đúng quy định, kịp thời.
Trước đó, đoàn đã đến kiểm tra thực địa mô hình che phủ ni lông đúng quy trình kỹ thuật cho mạ giống lúa B- TE1 tại xã Quang Lộc (Can Lộc). Huyện đã hỗ trợ 100% ni lông và 70% giá giống cho bà con nông dân nhằm đảm bảo thực hiện tốt chuyển đổi cơ cấu sản xuất, giảm trà xuân sớm với giống củ đạo là IR 1820. Giống B- TE1 (thuộc trà xuân muộn) là lúa lai 3 dòng có nguồn gốc từ Ấn Độ, năng suất dự kiến đạt 4- 5 tạ/ha. Đến thời điểm này, mặc dù thời tiết giá rét kéo dài nhưng 70 ha trà mạ giống B- TE1 vẫn sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo báo Hà Tĩnh online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn