Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm và lở mồm long móng chiều 13/3, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ra thông điệp kiên quyết xử lí tình trạng này.
Ngày 10/3 Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai đã phát hiện 108kg chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn được đóng thành gói loại có trọng lượng 1kg và 5kg. Số chất cấm trên được ghi nhãn mác là "Super Weight 02 và Bcomplex - C". Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện hơn 120kg nguyên liệu dùng làm chất tạo nạc trong nuôi lợn. Trước đó, đầu năm 2012, địa phương này cũng bắt giữ được 1 đối tượng vận chuyển 5kg Salbutamol 98% và tiếp tục phát hiện 3 hộ chăn nuôi đã sử dụng chất cấm gốc â - Agonist. Sự việc này đã làm dấy lên nhiều lo ngại cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm thịt.
Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi Nguyễn Thanh Sơn cho biết, năm 2011 số trường hợp phát hiện chất cấm không nhiều, hiện tượng này chỉ rộ lên trong thời gian gần đây. Năm 2010, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư 54 quy định chi tiết quy trình kiểm tra chất tồn dư, trong đó có một số chất rất quan trọng là Salbutamol, Clenbuterol… Đây là những chất tạo nạc hiện nước ta đang cấm vì độc hại với người sử dụng sản phẩm thịt.
Thông tin về sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã khiến cho giá thịt lợn xuất chuồng giảm đáng kể. Cụ thể, tại miền Nam giá lợn hơi giảm từ 52.000 đồng/kg xuống còn 45.000 - 48.000 đồng/kg. Cùng với đó, từ giữa tháng 2, Trung Quốc cũng đã có một văn bản ngừng nhập khẩu sản phẩm thịt Việt Nam...
Cũng theo ông Sơn, việc phát hiện chất cấm trong chăn nuôi chủ yếu ở các tỉnh phía Nam, còn địa bàn Hà Nội hiện chưa phát hiện trường hợp nào. Bà Nguyễn Thị Tam, Phó Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội) cũng nhận định, toàn thành phố hiện có 17 triệu con gia cầm, 1,7 triệu con lợn và 250.000 con trâu. Qua lấy mẫu phân tích, Hà Nội chưa phát hiện việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, cả sản xuất và kinh doanh.
Một điều bất cập hiện nay là chế tài xử phạt khi phát hiện chất cấm trong chăn nuôi còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng cần tăng mức xử phạt đối với vi phạm này. Cùng với đó, cần kiểm soát việc sử dụng chất cấm từ gốc, tức là "chặn" ngay từ khi nhập vào Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo Cục Thú y và Cục Chăn nuôi tiếp tục lấy mẫu để đánh giá một cách chính xác hơn và công khai cho người tiêu dùng biết tỷ lệ nhiễm. Dự kiến kết quả phân tích sẽ được công bố vào cuối tháng 3. Đồng thời, Bộ cũng kết hợp với Bộ Công Thương, Quản lý thị trường để kiểm tra lưu thông, buôn bán trên thị trường và có biện pháp kiểm soát chặt chẽ...
Theo agroviet.gov.vn