Một bước tiến trong dân chủ hóa
Cố gắng của Chính phủ và những kết quả đạt được đã tạo không khí thông thoáng, dân chủ trong đời sống xã hội, tăng thêm sự đồng thuận, làm thất bại những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch và dư luận xấu.
Đưa nhanh, chính xác nhiều thông tin quan trọng tới người dân
Nét nổi bật thời gian gần đây là hoạt động của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Báo Điện tử Chính phủ đã có bước chuyển biến khá rõ nét, mang lại hiệu quả tích cực. Cổng TTĐT Chính phủ và Báo Điện tử Chính phủ đã đưa nhanh, chính xác nhiều thông tin quan trọng tới người dân thông qua nhiều phương tiện đa dạng, sinh động, đáng tin cậy.
Cổng TTĐT Chính phủ và Báo Điện tử Chính phủ thường xuyên thông tin về hoạt động và công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương.
Cổng TTĐT Chính phủ cập nhật hàng nghìn văn bản qui phạm pháp luật, cũng như đã làm tốt việc tiếp nhận và chuyển cho các cơ quan chức năng trả lời nhiều email, đơn thư, kiến nghị của dân, doanh nghiệp.
Từ năm 2012, cùng với việc tổ chức và nâng cao chất lượng các buổi giao lưu trực tuyến đã thành nề nếp, Cổng TTĐT Chính phủ và Báo Điện tử Chính phủ đã phối hợp tổ chức thành công chương trình “Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời”, được công chúng rất hoan nghênh.
Các cơ quan Chính phủ chịu trách nhiệm chủ yếu về thông tin như Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan Đảng, các đoàn thể chính trị xã hội… đẩy mạnh hơn công tác thông tin cho báo chí, kịp thời nắm bắt dư luận, định hướng thông tin và tư tưởng nhân dân, tiếp tục cuộc đấu tranh chống tiêu cực, thoái hóa biến chất đồng thời không để kẻ xấu xuyên tạc, lợi dụng.
Hệ thống Người phát ngôn được hoàn thiện, hoạt động có hiệu quả hơn. Các cuộc họp báo, giao ban báo chí từ Trung ương đến địa phương, các buổi truyền hình trực tiếp phiên chất vấn của Quốc hội, các buổi thông tin thời sự ở cơ sở và hệ thống trên 800 tờ báo và ấn phẩm báo chí hàng ngày đã góp phần rất lớn vào hoạt động đối ngoại cũng như đối nội điều hành đất nước của Chính phủ.
Có thể thấy rõ hiệu quả của việc đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân qua những vụ việc như thủy điện sông Tranh, hệ thống đập thủy điện với môi trường và khí hậu, bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước ta, các vụ việc xảy ra tại Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên) hay nhiều vụ vi phạm pháp luật khác.
Được đáp ứng ngày càng đầy đủ nhu cầu thông tin, người dân cũng có điều kiện hơn trong việc tham gia vào công việc điều hành đất nước, phản biện nhiều chủ trương, chính sách, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ như việc chống lạm phát, điều chỉnh lãi suất, điều tiết giá điện, giá xăng dầu… thời gian qua là những thí dụ nổi bật.
Việc kết nối thông tin, việc chỉ đạo điều hành của Chính phủ ngày càng nhanh gọn, hiệu quả gắn liền với các chủ trương phát triển, đa dạng hóa, hiện đại hóa công nghệ thông tin, nhất là các mạng thông tin điện tử và internet cũng đã bước đầu hình thành tác phong khẩn trương, chính xác, khoa học ở các cơ quan công quyền.
Đổi mới điều hành theo hướng phổ cập hóa thông tin
Tuy nhiên, những thành quả đó mới chỉ là bước đầu. Còn không ít hạn chế, bất cập trong phát triển công nghệ, đổi mới công tác điều hành theo hướng phổ cập hóa thông tin, đáp ứng yêu cầu của một xã hội phát triển.
Sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, sự ra đời của nhiều loại hình thông tin là thành quả văn minh chung của loài người, không thể đóng cửa, ngăn cản. Nhưng muốn thông tin phát triển mạnh mẽ hơn đi đôi với đầu tư tiền của, phải có những qui định về tiêu chuẩn cán bộ, về trình độ sử dụng thiết bị và xử lý thông tin.
Tuy nhiên, hiện nay các văn bản luật, các qui định cụ thể trong quản lý của ta còn quá thiếu và lạc hậu, con người trong hệ thống quản lý cũng thiếu và yếu. Chúng ta đang để ngoài việc quản lý với hàng triệu blog với hàng triệu thông tin sai sự thật, độc hại. Cách tốt nhất để thích ứng với tình hình trên là càng ngày càng cần công khai, minh bạch đồng thời tăng cường giáo dục về tri thức, tư tưởng, nhân cách để tạo ra sức đề kháng của bản thân người tiếp nhận thông tin với những thông tin xấu.
Không thể ngăn chặn thông tin bằng các biện pháp kỹ thuật, hành chính, cái chính là người dân cần nhận thức được những âm mưu xấu, những thông tin xấu để đứng về phía chính quyền, hợp sức với chính quyền chống lại nó. Đó là định hướng căn bản trong công tác tư tưởng nói chung trong đó có thông tin hiện nay.
Báo chí, trong đó có báo điện tử, ngày nay phải đối mặt với những khó khăn rất lớn trong nền kinh tế thị trường thời kỳ tự do cạnh tranh. Trong bối cảnh đó, báo chí đang có sự phân hóa dữ dội. Về loại hình, báo in, tạp chí đang phải cạnh tranh với báo điện tử và sắp tới ngay báo điện tử (truyền hình, phát thanh) cũng phải cạnh tranh với internet, điện thoại di động…Về nội dung báo, đang diễn ra sự phân hóa không kém phần dữ dội giữa xu hướng giật gân, câu khách, chiều theo thị hiếu của một bộ phận độc giả để bán báo, thu quảng cáo.
Trong bối cảnh đó, không thể duy trì cách quản lý như trước đây cần phải thể chế hóa để có thể chỉ một số báo và người làm báo nhất định là “tiếng nói của Đảng và Nhà nước”, còn các báo khác phải được và chỉ được hoạt động theo Luật Báo chí và hệ thống pháp luật của Việt Nam, không cào bằng, bao cấp như hiện nay.
Một xã hội dân chủ, phát triển, công bằng và văn minh theo định hướng Xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước ta là một xã hội học tập và thông tin. Chủ trương của Chính phủ phát triển Chính phủ điện tử, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của xã hội là một chủ trương đúng, cần được ủng hộ. Con đường đó lâu dài, gian khổ và không ít trở ngại. Những kết quả bước đầu đã đạt được càng củng cố niềm tin và quyết tâm đi tới.
Tiến sỹ Vũ Duy Thông
Theo chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn