Thường trực Ban chỉ đạo đánh giá, năm 2014 là năm có chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới về sự vào cuộc của các cấp ủy chính quyền, sự gia tăng các xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Tính đến đầu tháng 9/2014 đã có 512 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 327 xã so với hồi tháng 5- thời điểm sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình.
Để triển khai Chương trình hiệu quả, thực chất hơn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Phó trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, các địa phương kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh một số tiêu chí nông thôn mới. Cụ thể là có hướng dẫn rõ cách tính tiêu chí thu nhập, giảm bớt quy mô nhà văn hóa thôn và có thiết kế mẫu để đảm bảo công năng theo yêu cầu.
Nhiều địa phương đề nghị xem xét hạ thấp tiêu chuẩn chợ theo thiết kế của Bộ Xây dựng, hướng dẫn quy tập mộ vào khu vực tập trung, hay thiết kế nhà ở phù hợp đối với các vùng như ĐBSCL, Tây Nguyên...
Nhiều thành viên trong Thường trực Ban Chỉ đạo đồng tình với việc kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh một số tiêu chí nông thôn mới để phù hợp với thực tiễn của địa phương, tránh lãng phí và hiệu quả sử dụng không cao nếu cứng nhắc áp dụng theo quy định hiện hành.
Nêu ví dụ, Bộ NN&PTNT cho biết, với tiêu chí “3 cứng” (mái cứng, khung cứng và nền cứng) trong xây dựng nhà ở, nhưng với vùng ĐBSCL thì người dân không cần “mái cứng” vì tập quán dùng lá dừa nước lợp mái cho mát,...
Tuy nhiên, cho ý kiến về nội dung này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, sửa đổi tiêu chí cho phù hợp với hoàn cảnh mỗi địa phương nhưng không hạ tiêu chuẩn, chất lượng của các tiêu chí nông thôn mới để đảm bảo Chương trình được thực hiện mang hiệu quả thực chất cho đời sống của người dân.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh lắng nghe người dân Khánh Hòa góp ý về chính sách nông thôn mới của Chính phủ. Ảnh: VGP/Thành Chung |
Bên cạnh đó, việc sửa đổi các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo giữ gìn được cảnh quan-văn hóa của từng vùng miền, tỉnh, thành, thậm chí là mỗi làng, bản. “Không thể đô thị hóa nông thôn, ở đâu cũng một hình ảnh đường bê tông, đường nhựa, nhà kín cổng cao tường như phố, để con cháu sau này lên án chúng ta”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bày tỏ, mặc dù mong muốn là vậy, nhưng do các cấp chỉ đạo ban hành quy định không phù hợp, chưa có quy định chi tiết theo vùng hoặc từng địa bàn và hướng dẫn thực hiện thì chưa cụ thể, dẫn đến cấp cơ sở hiểu mỗi nơi một khác về thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
Thành Chung
Nguồn: chinhphu.vn
Do vậy, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các tiêu chí nông thôn mới theo hướng xây dựng các tiêu chí “cứng” (các xã phải thực hiện-PV) đi liền với xây dựng các tiêu chí “mềm”. Ví dụ, do đặc điểm phân bố dân cư có thể xây dựng hay cải tạo một chợ dành nhiều xã dùng chung, thay vì xã nào cũng tự làm 1 chợ sẽ gây tốn kém...
Trong quá trình sửa đổi, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí, các bộ, ngành không phải quy định chi tiết từng tiêu chí mà có độ “mở” để các địa phương tiếp tục hướng dẫn cấp cơ sở thực hiện thêm.
Đối với kiến nghị kiện toàn tổ chức bộ máy giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đồng tình chủ trương thành lập Văn phòng điều phối Chương trình ở cả cấp tỉnh, huyện, cấp xã thì có cán bộ điều phối chuyên trách, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ lâu dài.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng yêu cầu việc hình thành bộ máy ở địa phương không được làm tăng thêm biên chế Nhà nước.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng lưu ý các bộ, ngành tìm cách dồn nguồn lực để xử lý ô nhiễm môi trường- một vấn đề đang nổi lên ở khu vực nông thôn trong những năm gần đây, tiếp tục mở rộng sản xuất và áp dụng các hình thức sản xuất liên kết trong nông nghiệp-tiêu chí quan trọng để đảm bảo xây dựng nông thôn mới bền vững, lâu dài...
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn