Cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã có cuộc trao đổi sơ bộ về những vấn đề ban đầu nhằm triển khai chương trình tín dụng cho tam nông đang rất được mong đợi.
Theo ông Võ Hùng Dũng - Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ, thực tế khó khăn về vốn trong ngành chăn nuôi, chế biến cá tra ở ĐBSCL cho thấy cần có những mô hình mới để khơi thông dòng vốn tín dụng. Chẳng hạn ngân hàng - doanh nghiệp xuất khẩu - nhà chế biến - doanh nghiệp cung cấp thức ăn chăn nuôi cần kết hợp với nhau để tạo dòng vốn lưu thông trong chuỗi, thay vì bị tắc ở từng khâu như hiện nay.
Ông Chu Tiến Vĩnh - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cũng khẳng định: Ngư dân và nông dân đang gặp nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân chính gây khó chính là thiếu vốn để đầu tư, phát triển. Do đó rất cần gói tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn. “Tuy nhiên, nếu giữ nguyên điều kiện vay vốn như hiện nay thì cả nông dân lẫn ngư dân không thể tiếp cận nổi. Vấn đề nữa là thời hạn vay vốn nông nghiệp phải dài hơn” - ông Vĩnh cho biết.
Ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng: Cơ chế cho vay theo chuỗi sản xuất là hoàn toàn mới, và đáp ứng được yêu cầu vay, đáp ứng được cả nhu cầu thu hồi vốn của ngân hàng. Cảnh cho vay nhỏ lẻ, rải rác theo từng khâu chế biến, xuất khẩu… sẽ không còn nữa.
“Tôi tin rằng nếu triển khai theo hướng này thì người nông dân sẽ không còn phải chịu cảnh bán lúa non, bán lúa giá thấp. Bên cạnh đó, cán bộ ngân hàng cũng không phải sợ cảnh mất vốn do rủi ro thời vụ nữa” - ông Kiêm nhấn mạnh.
Trong bối cảnh hiện nay, để khơi thông dòng tín dụng chảy mạnh vào lĩnh vực tam nông, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, giữa các doanh nghiệp và ngân hàng, nhất là trong việc xác định những ngành, hàng cần ưu tiên đầu tư vốn; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; nâng cao chất lượng của công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Theo danviet.vn