Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do Việt Nam đang làm GAP ngược quy trình.
TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT) nhận định: “Đáng lẽ chúng ta phải đi từ thị trường trước, tức là nghiên cứu, tìm hiểu nhu cầu người tiêu dùng, xem họ cần tiêu thụ loại sản phẩm nào, tiêu chuẩn chất lượng ra sao thì mới đem tiêu chuẩn đó quay lại đặt hàng với người sản xuất. Đó mới là cách làm xuôi chiều. Nhưng VN cứ lao vào đăng ký chứng nhận tiêu chuẩn mà đôi khi không cần biết thị trường yêu cầu gì”.
Quy trình làm GAP hiện đang thiếu phần gốc là nghiên cứu thị trường. |
Thực trạng hiện nay, nông sản VN kết nối tới các thị trường chưa tốt. Công tác khuyến nông chỉ tập trung giúp nông dân làm các tiêu chuẩn chất lượng nhưng chủ yếu là các tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong khi đó, hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ thị trường chưa kết nối tốt cho các sản phẩm này đến với thị trường hợp lý.
Đơn cử hiện nhiều loại nông sản VN có thị trường tiêu thụ chính là xuất khẩu, nhu cầu trong nước không nhiều. Như trái thanh long, vải thiều,… thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc mà nước này lại chưa có nhu cầu cần chứng nhận Global GAP hay VietGAP nên việc đầu tư cho các chứng nhận này sẽ lãng phí. Điều đó cũng giải thích vì sao tỉnh Bình Thuận ào ạt xây dựng VietGAP cho các vườn thanh long của tỉnh trong thời gian qua nhưng kết quả trái thanh long lại không tiêu thụ được dễ dàng hơn mà nhiều lúc còn phải hạ giá xuống.
Cũng vì không đi từ thị trường trước nên việc người tiêu dùng không nhận diện được sản phẩm GAP cũng là điều dễ hiểu bởi họ không có nhu cầu. Giá bán các sản phẩm GAP từ đó không thể cao hơn được. Bởi tập quán mua gần nhà, ra ngõ mua được liền hơn là đi xa để có sản phẩm chất lượng hơn trong người dân vẫn còn chưa bỏ được.
Bên cạnh đó, theo TS Võ Mai - Phó Chủ tịch Hội Làm vườn VN, chính sách của Nhà nước trong việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm và thương hiệu chưa tốt. Vì thế hệ thống phân phối của VN, ngay cả các cửa hàng, siêu thị, công ty kinh doanh cũng chưa coi trọng vấn đề quảng bá. Tức là sự phân cấp thị trường chưa rõ ràng. Đề án đẩy mạnh phát triển GAP là đúng nhưng đó mới chỉ là phần ngọn, song song đó nhà nước cũng cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, xác định thị trường cần gì mới cho sản xuất cái ấy. Từ đó việc gắn kết doanh nghiệp vào việc tiêu thụ sản phẩm mới gặp nhiều thuận lợi.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn