Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn cần làm kiên trì thường xuyên liên tục. Các địa phương cần tranh thủ cơ hội cho phong trào phát triển mạnh hơn nữa và có hiệu quả nhất định. Trước mắt không nên điều chỉnh chỉ tiêu có 20% số xã đạt chuẩn vào năm 2015 vì phong trào hiện đang lên cao, dù biết rằng thực hiện được chỉ tiêu này là khó. Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, đây là chương trình dài hạn, mục tiêu xây dựng là bền vững chứ không phải chỉ là thí điểm để tham quan. Do vậy các tiêu chí thực hiện cũng cần bình tĩnh để xem xét, phải có thời gian mới đạt được chứ dăm ba tháng đã đạt thì sẽ rất thấp.
Một số hạn chế trong xây dựng nông thôn mới cũng được Phó Thủ tướng chỉ ra, đó là công tác quy hoạch còn nhiều vướng mắc, nhận thức đi đôi với tuyên truyền và đào tạo đội ngũ cán bộ để đáp ứng lâu dài cho xây dựng nông thôn mới còn bất cập. Điều nhiều người kỳ vọng là hạ tầng cơ sở chưa thực sự có bước đột phá. Huy động nguồn vốn còn nhiều khó khăn và bố trí chưa tập trung.
Về nội dung triển khai thực hiện trong năm 2012, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc đầu tiên là tuyên truyền về chủ trương quan điểm, bất cập cái gì tuyên truyền cái đó; tuyên truyền về cách làm, về chính sách và quan trọng nhất là làm sao để người dân thấy rằng xây dựng nông thôn mới chính là việc của họ thì mới hiệu quả. Tiếp đến, đào tạo đội ngũ cán bộ cũng rất quan trọng, tập huấn từ huyện đến xã để người dân hiểu rõ về chương trình. Bên cạnh đó, các bộ, ngành liên quan cần rà soát và hướng dẫn rõ việc làm quy hoạch tại địa phương, đặc biệt coi trọng quy hoạch sản xuất, đây là gốc của vấn đề vì phải tạo được sự thay đổi trong đời sống của người dân nông thôn.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đề nghị, các bộ, ngành xem xét lại các cơ chế chính sách để có thể điều chỉnh bổ sung cho phù hợp. Về cách làm, trước mắt các tỉnh, huyện, xã và người dân cùng làm, còn Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn. Đẩy mạnh việc tập huấn, nhân rộng mô hình về sản xuất kinh doanh, các mô hình triển khai xây dựng nông thôn mới hiệu quả, phong trào quần chúng trong xây dựng nông thôn mới… Các tỉnh chịu trách nhiệm phân bổ, bố trí hợp lí nguồn lực đầu tư trên từng địa bàn, có thể giao cho tỉnh lựa chọn những xã có điều kiện tốt hơn để tăng thêm nguồn vốn đầu tư.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mục tiêu nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2012 là tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai 20% số xã của cả nước phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015, trong đó 11 xã điểm đạt chuẩn vào năm 2013; 100% cán bộ nông thôn mới ở xã trong diện làm điểm và 50% cán bộ ở cấp xã còn lại được bồi dưỡng kiến thức về xây dựng nông thôn mới; có trên 90% số xã có quy hoạch chung (trong đó 30% quy hoạch chi tiết) được phê duyệt và trên 90% số xã có đề án nông thôn mới được phê duyệt. Tạo chuyển biến một bước trong phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập…
Các giải pháp trọng tâm được Ban chỉ đạo đề ra tập trung vào chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, phát triển các hình thức tổ chức tập thể và đẩy mạnh liên kết sản xuất, thí điểm các mô hình cung ứng vật tư. Đặc biệt kết hợp giữa ưu tiên chỉ đạo điểm và triển khai trên diện rộng.
Theo đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu và phát triển sản xuất cho 20% số xã đã đăng ký và có khả năng phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2015; tập trung phát triển các công trình ở thôn, bản trực tiếp gắn với phát triển sản xuất, đời sống hàng ngày của người dân và căn cứ vào lợi thế nhu cầu thiết thực của cộng đồng từng nơi như công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông, điện, nước sạch.
Đến hết năm 2011, đã có 54,5% số xã được phê duyệt quy hoạch chung, trong đó 8,2% số xã hoàn thành quy hoạch chi tiết. Một số tỉnh như Phú Thọ, Thái Bình, Hà Tĩnh, An Giang, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Nam Định… đã cơ bản xong việc quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới, đang triển khai một số quy hoạch chi tiết làm cơ sở cho triển khai các bước tiếp theo.
Đến nay 63 tỉnh, thành hoàn thành đánh giá sơ bộ thực trạng nông thôn mới theo 19 tiêu chí: 1,2% số xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 3,3% đạt từ 11-14 tiêu chí; 13% số xã đạt từ 7-10 tiêu chí; 82,5% số xã đạt dưới 7 tiêu chí. Các địa phương đã giải ngân hơn 3.310 tỷ đồng vốn xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu; dành gần 112 tỷ đồng cho xây dựng phát triển các mô hình sản xuất hàng hóa tăng thu nhập cho người dân…./.