Làng quê thay áo mới
Trao đổi với NTNN, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, là tỉnh có vùng nông thôn rộng lớn (toàn tỉnh có 18 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 6 huyện miền núi cao/9 huyện miền núi, 204 xã triển khai xây dựng NTM), khi mới bắt tay thực hiện chương trình, tỉnh có nhiều khó khăn.
Năm 2010, khi phát động xây dựng NTM, bình quân số tiêu chí NTM đạt chuẩn của toàn tỉnh là 2,61 tiêu chí/xã, có 163 xã đạt dưới 5 tiêu chí, trong đó 48 xã chưa đạt tiêu chí nào.
“Nhờ tập trung lãnh đạo và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên đã huy động được cả hệ thống chính trị và người dân vào cuộc một cách mạnh mẽ. Tổng huy động nguồn lực cho chương trình đến cuối năm 2018 đạt trên 25.000 tỷ đồng, dự kiến đến cuối năm 2020 tăng trên 30.000 tỷ đồng. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn được đổi mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư và nâng cấp tương đối đồng bộ…” - ông Thanh nói.
Nếu như năm 2010, tỉnh Quảng Nam chưa có xã nào đạt tiêu chí giao thông, đến nay đã có 136 xã đạt, bêtông hóa giao thông hầu như đã phủ kín ở khu vực nông thôn. Hay như tiêu chí thủy lợi, năm 2010 chỉ có 5 xã đạt, nay đã có 160 xã đạt. Về tiêu chí điện, đã có 183 xã đạt. Về tiêu chí trường học có 122 xã đạt. 113 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm…
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thăm mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên cát tại
xã Bình Hải, huyện Thăng Bình. (ảnh: Hồng Phong)
Ông Thanh cho biết thêm, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã có 85 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (chiếm 41,67% tổng số xã) và không còn xã dưới 5 tiêu chí; huyện Phú Ninh và thị xã Điện Bàn được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015. Hiện nay, bình quân số tiêu chí NTM đạt chuẩn của toàn tỉnh là 14,27 tiêu chí/xã (tăng 11,66 tiêu chí/xã so với năm 2010), có 58 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu.
Thu nhập tăng hơn 3 lần so với năm 2010
Quá trình triển khai xây dựng NTM, ngoài việc chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, tỉnh Quảng Nam luôn quan tâm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn. Tính đến hết năm 2018, thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn đạt 31,58 triệu đồng/người/năm (tăng 21,4 triệu đồng/người so với năm 2010), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,57% (giảm 24,2% so với năm 2010)...
“Tỉnh đã ban hành một số cơ chế, chính sách để phát triển nông nghiệp, nông thôn như: Khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu; phát triển nuôi trồng thủy sản; bảo tồn và phát triển cây quế Trà My; khuyến khích, bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh; chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững. Qua triển khai thực hiện, một số mô hình có hiệu quả cao, có thể nhân rộng trong thời gian tới” - ông Thanh thông tin.
“Quảng Nam dự kiến mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có trên 95% số xã đạt chuẩn NTM, trên 60% số xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, trên 30% số xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu, thêm 300 thôn đạt chuẩn Khu dân cư NTM kiểu mẫu và khoảng 10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM...”. |
Hiệu quả và thiết thực phải kể đến mô hình làng du lịch cộng đồng ở xã Tà Bhing (huyện Nam Giang), với sự tham gia của 256 thành viên đến từ 7 thôn của xã. Thành công ban đầu từ mô hình du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu không những đem lại lợi ích trực tiếp cho người Cơ Tu tại Nam Giang, mà còn đóng góp vào sự phát triển tổng thể cho kinh tế du lịch của Quảng Nam.
Hay mô hình thí điểm doanh nghiệp - hợp tác xã (HTX) - nông dân tiêu thụ lúa giống và cung ứng vật tư nông nghiệp đối với vùng sản xuất tập trung trên địa bàn huyện Đại Lộc; mô hình tích tụ ruộng đất tại xã Bình Đào, huyện Thăng Bình cũng đem lại hiệu quả.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên cát tại xã Bình Hải, huyện Thăng Bình của Công ty cổ phần QNTEK, với quy mô ban đầu khoảng 6,5ha, doanh thu từ 60 - 70 tỷ đồng/vụ, sau khi trừ chi phí, lãi khoảng 5 - 7 tỷ đồng/vụ.
Chú trọng xây dựng NTM nâng cao
Thời gian qua, Quảng Nam đạt được nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện chương trình NTM. Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn còn một số khó khăn nhất định, bởi Quảng Nam là tỉnh có vùng nông thôn rộng lớn, địa hình phức tạp, nên có sự chênh lệch lớn giữa khu vực miền núi và đồng bằng.
“Nhận thấy được những khó khăn này, Tỉnh ủy đã ban hành nhiều nghị quyết để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, qua đó giảm dần khoảng cách chênh lệch giữa khu vực miền núi và khu vực đồng bằng trong thực hiện chương trình NTM, tạo tiền đề để các xã miền núi cao phấn đấu đạt chuẩn NTM sau năm 2020... ” - ông Thanh cho hay.
Đặc biệt, qua 4 năm thực hiện xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu với trên 200 thôn đăng ký thực hiện, nguồn kinh phí huy động trên 350 tỷ đồng, bình quân chung số tiêu chí đạt được của một khu dân cư NTM kiểu mẫu là 5,83 tiêu chí/10 tiêu chí, đã có 58 thôn được công nhận đạt chuẩn. Phong trào xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu đang được các địa phương chú trọng, tiêu biểu là thị xã Điện Bàn, huyện Duy Xuyên và Tiên Phước...
Qua thực hiện, nhiều khu dân cư đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách đến tham quan, khám phá vẻ đẹp của những “miền quê đáng sống” trên vùng đất xứ Quảng, tiêu biểu như: Thôn Đại Bình, xã Quế Trung; thôn 4 (thôn có Làng cổ Lộc Yên) xã Tiên Cảnh; thôn Trung Thanh, xã Tam Thanh, thôn Bến Đền Tây, xã Điện Quang...
Ông Thanh chia sẻ thêm, việc xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu thành công sẽ hướng đến xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, góp phần tạo những điểm nhấn trong xây dựng NTM ở Quảng Nam. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Khu dân cư NTM kiểu mẫu, xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, trong đó chú trọng các tiêu chí thuộc về chất lượng cuộc sống như: Nâng cao thu nhập, giảm nghèo và cảnh quan môi trường nông thôn, nhân rộng các đường hoa...
Đặc biệt, tỉnh Quảng Nam đã xác định xây dựng NTM giai đoạn 2021-2030 với phương châm: “Xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc”; từ xã NTM, lên xã NTM nâng cao, rồi xã NTM kiểu mẫu... xây dựng khu, thôn, xóm, hộ NTM kiểu mẫu. Đó là cách làm, là bước đi để hướng tới đạt xã NTM kiểu mẫu, huyện NTM kiểu mẫu, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn.
Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài nhằm huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia. Xây dựng NTM phải là nông thôn của khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút các nguồn lực phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững, hướng đến xây dựng những "miền quê đáng sống".
“Với những định hướng này, tỉnh kỳ vọng NTM Quảng Nam tiếp tục có những bước phát triển mới, thật sự là những miền quê đáng sống, người dân nông thôn sống thật sự bằng nghề nông nghiệp trên mảnh đất của họ...” - ông Lê Trí Thanh nói.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn