Ngày 16/2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng đoàn công tác của Bộ đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm, dịch bệnh trên lợn và tái đàn lợn tại hai công ty lớn là: Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam và Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường và đoàn công tác của Bộ làm việc tại Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam cho biết, Công ty đã đồng hành cùng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, đặc biệt chia sẻ với người tiêu dùng. Từ tháng 10/2019 khi giá heo ở miền Bắc và miền Nam tăng lên nhanh, thì Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam luôn bán thấp hơn so với thị trường. "Có thời điểm giá heo lên 95.000-97.000 đồng/kg, nhưng công ty bán giá cao nhất là 85.000 đồng/kg" - ông Tuấn nói.
Theo ông Tuấn, nhận được sự kêu gọi của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, công ty đã điều chỉnh giá nhanh: "Trong Tết, công ty đã giảm giá xuống 82.000 đồng/kg. Ra ngoài Tết, ngày 1/2, công ty giảm giá tiếp 1.500 đồng; ngày 8/2, công ty giảm tiếp 1.000 đồng. Ngày 13/2, được sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, công ty giảm tiếp 1.500 đồng. Ngày 15/2, công ty tiếp giảm 3.000 đồng/kg. Tính đến thời điểm này, công ty đang bán giá thịt heo thịt 3 máu loại tốt là 75.000 đồng/kg và heo đực 2 máu là 73.000 đồng/kg".
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trực tiếp vào trại nuôi gà đẻ của Dabaco để kiểm tra, nắm bắt tình hình chống dịch cúm gia cầm. Ảnh: K. Lực
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam cũng cam kết đồng hành cùng Chính phủ, Bộ NN&PTNT để đưa giá lợn hơi xuống mức phù hợp nhất. "Trước tình hình bình ổn giá theo yêu cầu của Chính phủ, nhất là đối với Bộ NN&PTNT, riêng Tập đoàn Dabaco sẽ cam kết đồng hành với Chính phủ để làm sao đưa giá thấp nhất và hợp lý nhất trong thời gian sớm nhất để làm sao cùng chung với Chính phủ bình ổn giá, đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng".
Mặc dù giá lợn hơi bán ở Trung Quốc đang ở mức 130.000 đồng/kg, nhưng tùy từng vùng Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam đang bán ở mức 73.000-79.000 đồng/kg. Tính ra, bình quân giá lợn hơn do công ty bán ra ở mức 75.000 đồng/kg.
Theo ông So, việc tái đàn hiện nay phải bắt đầu từ tăng con giống. Với những hộ chăn nuôi không chủ động được con giống thì chi phí chăn nuôi đang ở mức trên dưới 60.000 đồng/kg lợn hơi. "Hiện nay tốc độ tái đàn của Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam vào khoảng 5% và trong năm 2020 sẽ đạt mức 10%. Với tốc độ tăng như vậy, cuối năm nay giá lợn sẽ bình ổn trở về như cũ" - ông So khẳng định.
Về dịch cúm gia cầm, ông So cho biết, ngay từ cuối năm 2019 sau khi chúng tôi kiểm tra trên tổng đàn giống thấy được sức đề kháng giảm dù quy trình tiêm vaccine làm rất tốt. Do vậy, Hội đồng khoa học của Tập đoàn đã quyết định tiêm bổ sung vaccine cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6, qua đó tăng sức đề kháng lên.
"Hiện nay, toàn bộ sau khi tiêm vaccine vào, sức khỏe và sức đề kháng của đàn gà tốt hơn, đảm bảo sự ổn định và chống được dịch cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6 không xảy ra".
Ông Nguyễn Hoàng Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH MTV Gà giống Dabaco cho biết, khi dịch cúm gia cầm xảy ra, ngoài công tác đảm bảo an toàn sinh học, đơn vị còn có Trung tâm chẩn đoán định kỳ kiểm tra hàm lượng kháng thể, tầm soát bệnh.
Theo ông Nguyên, hàng năm công ty sản xuất khoảng 65 triệu con gà giống (miền Bắc 35 triệu con, miền Nam 30 triệu con). Dịch cúm gia cầm hiện đang ảnh hưởng đến tình hình tiêu thụ gà giống. Hiện giá giống gà rẻ, dao động ở mức 8.000-10.000 đồng/con, nhưng vẫn không tiêu thụ hết. Trong khi đó, giá trứng gà được đơn vị này bán ra ở mức 1.200-1.300 đồng/quả.
Cả nước có 16 ổ dịch cúm gia cầm Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay cả nước có 16 ổ dịch cúm gia cầm (bao gồm 14 ổ dịch do H5N6 và 2 ổ dịch do H5N1) chưa qua 21 ngày tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An và Trà Vinh). Tổng số gia cầm chết, tiêu hủy đến thời điểm này là 55.071 con. Trong ngày 16/2, có 1 ổ dịch cúm giá cầm A/H5N6 phát sinh tại tỉnh Thanh Hóa và 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại tỉnh Trà Vinh, cụ thể: Tại Thanh Hóa, 1 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 xảy ra tại hộ chăn nuôi gia cầm thuộc phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa với 970 gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy (70 con gà, 900 con vịt). Tại Trà Vinh, 2 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 xảy ra tại xã Châu Điền và xã Hào Ân thuộc huyện Cầu Kè. Tổng số gia cầm chết và tiêu hủy là 1.704 con. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn