05:10 EDT Thứ sáu, 03/05/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

3 năm thực hiện Nghị định 41: Kết quả và một số đề xuất

Thứ năm - 03/04/2014 12:53
Sau hơn 3 năm triển khai Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, tín dụng phát triển khu vực này đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến cuối năm 2013, tín dụng dành cho nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 17%.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 41/2010/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, NHNN đã ban hành Thông tư số 14/TT-NHNN ngày 14/6/2010 hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Nghị định này tới tất cả các đơn vị trực thuộc, các tổ chức tín dụng và các địa phương trên toàn quốc. Đáng chú ý, NHNN đã ban hành Thông tư số 20/TT-NHNN ngày 29/9/2010 qui định giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc đối với những tổ chức tín dụng (TCTD) có tỉ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn (NNNT) từ 40% trở lên, để khuyến khích dòng vốn chảy vào lĩnh vực này. 

Từ tháng 5/2012, NHNN qui định trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, trong đó có lĩnh vực NNNT. Theo chủ trương này, lãi suất cho vay đã giảm mạnh, từ trên 20%/năm vào năm 2011 xuống còn 15%/năm vào năm 2012 và đến nay còn 8%/năm.

Hiện nay, lãi suất cho vay đối với khu vực này phổ biến mức 6,5-8%/năm, thấp hơn nhiều so với lãi suất cho vay thông thường. Ngoài ra, NHNN dành lượng tiền cung ứng hằng năm để tái cấp vốn để TCTD cho vay phát triển NNNT và cho vay chính sách.

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, các TCTD đã tổ chức hội nghị triển khai chính sách cho vay nông nghiệp, nông thôn; khẩn trương ban hành hướng dẫn chi tiết về thực hiện cho vay để áp dụng thống nhất trong toàn hệ thống các TCTD; một số TCTD đã chủ động xây dựng đề án cho vay đối với lĩnh vực này v.v... NHNN thường xuyên phối hợp với các TCTD và các tổ chức đoàn thể tiến hành khảo sát tình hình cho vay, kịp thời phát hiện và xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 41.

Kết quả đạt được

Sau hơn 3 năm triển khai Nghị định 41, tín dụng phát triển NNNT đã có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2012, tín dụng dành cho khu vực này tăng 12,52%, trong khi tín dụng trong nền kinh tế chỉ tăng 8,9%; tỉ trọng cho vay chiếm khoảng 18%, nếu tính cả cho vay theo các chương trình tín dụng chính sách thì chiếm khoảng 22%. Đến cuối năm 2013, tín dụng dành cho khu vực NNNT tăng khoảng 17%.

Bên cạnh việc triển khai thực hiện Nghị định 41, ngành Ngân hàng còn thực hiện nhiều biện pháp phối hợp khác nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Việc thí điểm bảo hiểm sản phẩm nông nghiệp tại một số địa phương trong thời gian qua đã giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất, ngân hàng có điều kiện để giảm lãi suất cho vay đối với những khách hàng mua bảo hiểm sản xuất nông nghiệp.

Những khó khăn và tồn tại

Nghị định 41 có qui định nguồn vốn ủy thác của Chính phủ cho các TCTD để cho vay NNNT hằng năm, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện, trong khi vốn tài trợ, ủy thác đầu tư từ các tổ chức trong và ngoài nước để cho vay nông nghiệp nông thôn còn hạn chế; chính sách ưu đãi về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đặc thù chưa được triển khai thực hiện; việc hỗ trợ khách hàng trong trường hợp gặp rủi ro như thiên tai, dịch bệnh từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước được qui định trong Nghị định 41 chưa được thực hiện; việc triển khai xử lý rủi ro phát sinh trên diện rộng trong cho vay NNNT còn nhiều bất cập.

Trong 3 năm qua, thiên tai dịch bệnh xảy ra liên tục trên phạm vi rộng và gây thiệt hại rất lớn, nhưng hầu như chưa có cơ quan nào được giao nhiệm vụ thực hiện công bố trên diện rộng để làm cơ sở cho ngành Ngân hàng thực hiện xử lý rủi ro cho nông dân; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chủ trang trại và chuyển đổi mô hình HTX mới để làm cơ sở cho vay còn chậm; thiếu định hướng chiến lược về phát triển sản phẩm nông nghiệp, tình trạng “được mùa mất giá” vẫn thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống của nông dân; thiếu qui hoạch và quản lý qui hoạch, sản phẩm nông nghiệp còn manh mún, chủ yếu là sản xuất nhỏ giản đơn, trình độ kinh doanh hạn chế, sức cạnh tranh thấp, chưa khắc phục được tình trạng tự phát trong sản xuất nông nghiệp; vấn đề bảo hiểm trong nông nghiệp mới chỉ được triển khai thí điểm trong phạm vi hẹp và chưa có tổng kết để áp dụng rộng rãi trên toàn quốc; tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong nông nghiệp chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng bị thương lái nước ngoài thao túng.

Sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro nhưng thiếu các công cụ phòng ngừa và hạn chế rủi ro. Nguồn lực Nhà nước dành cho nông nghiệp, xử lý rủi ro cho nông nghiệp còn thấp, chưa có cơ chế rõ ràng, chủ yếu là xử lý vụ việc xảy ra.

Sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai Nghị định 41 còn chậm, thiếu chặt chẽ, việc xử lý vướng mắc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa quyết liệt, thiếu định hướng lâu dài như vấn đề qui hoạch, xử lý nợ do thiên tai dịch bệnh trên diện rộng, bảo hiểm trong nông nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các chính sách còn nhiều bất cập, thiếu lồng ghép và thiếu đồng bộ.

Định hướng của ngành Ngân hàng

Trong việc đầu tư cho vay hướng tới sản xuất nông nghiệp qui mô lớn, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp, tạo tiền đề nâng cao thu nhập, đời sống của nông dân và xây dựng nông thôn mới.

Tập trung nguồn vốn để cho vay kịp thời đối với sản xuất, thu mua, chế biến sản phẩm nông nghiệp; kết hợp giữa cho vay phục vụ sản xuất với cho vay tiêu dùng, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội ở nông thôn. Chú trọng cho vay trên cơ sở hợp tác, liên kết giữa cơ sở chế biến, xuất khẩu với người sản xuất; liên kết thông qua mô hình cánh đồng mẫu lớn, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong sản xuất nông nghiệp.

Tiếp tục chỉ đạo các TCTD rà soát để đơn giản hóa thủ tục vay vốn, nghiên cứu các hình thức cho vay phù hợp với yêu cầu phát triển chăn nuôi, trồng trọt và tăng cường tính liên kết giữa cơ sở chế biến và vùng nguyên liệu. Tăng cường kiểm tra, giám sát các khoản cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm đúng mục đích, an toàn, hiệu quả. Nâng cao trình độ của cán bộ ngân hàng ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là cán bộ tín dụng.

Tăng cường thông tin, tuyên truyền để người dân nông thôn nắm bắt được các chủ trương, chính sách của Nhà nước và các qui định của TCTD về cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; mở rộng xã hội hóa trong triển khai chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Một số đề xuất

Để việc triển khai định hướng chính sách tín dụng của ngành Ngân hàng đạt được kết quả, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và sự chỉ đạo của Chính phủ.

Cụ thể là: Nâng cao chất lượng qui hoạch và quản lý qui hoạch trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chú trọng các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như lúa gạo, cà phê, thủy sản; nhanh chóng đưa ra các mô hình sản xuất qui mô lớn theo chuỗi để nâng cao hiệu quả đầu tư, làm cơ sở cho các TCTD yên tâm đầu tư vốn; tăng cường sự phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội trong việc bảo lãnh cho vay tín chấp cho các thành viên vay vốn ngân hàng và cùng với TCTD đưa vốn đến tay nông dân, kết hợp với hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, khuyến nông trong sản xuất nông nghiệp.

Đối với Nghị định 41, cần bổ sung và xác định rõ phạm vi đối tượng được vay vốn, làm cơ sở cho TCTD và khách hàng thực hiện; xem xét điều chỉnh nâng hạn mức cho vay do các mức cho vay áp dụng từ năm 2010 không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay; sửa đổi, bổ sung qui định về trích lập dự phòng rủi ro, phù hợp với tính đặc thù trong tín dụng nông nghiệp; đơn giản hóa thủ tục xem xét các đối tượng được hưởng chính sách trợ cấp theo Nghị định 41 khi bị thiên tai, lũ lụt, v.v...

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là chủ trương lớn, có tính chiến lược của Đảng và Nhà nước, nên cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị và sự kết hợp đồng bộ của nhiều chính sách như định hướng tại Nghị định 41.

Hoàng Thế Thỏa
Theo chinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: tín dụng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 285

Máy chủ tìm kiếm : 45

Khách viếng thăm : 240


Hôm nayHôm nay : 42448

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 158318

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 60480275