Bài học lớn về huy động sức dân và cả hệ thống chính trị

Để đạt được những thành tựu lớn trong thời gian ngắn, điều tiên quyết trong xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình là dựa vào dân, huy động sức dân cùng với cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Ông Nguyễn Đức Vượng – Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Phú, Yên Khánh cho biết, xã ông được chọn là xã đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh. “Ban đầu cũng nghĩ là khó, vì bà con lâu nay vẫn cho rằng làm gì rồi cũng là tiền nhà nước, nhưng khi vận động, tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ thì họ hào hứng tham gia nhiệt tình lắm” – ông Vượng bộc bạch.

Còn ông Nguyễn Thanh Vân – Trưởng thôn Phú Cường, xã Khánh Phú thì quả quyết: “Tôi chưa thấy ở nông thôn có phong trào nào mà nhân dân tham gia nhiệt tình như xây dựng nông thôn mới”. Theo ông Vân, khi nhân dân được tham gia trực tiếp từ bàn bạc đến thi công, giám sát, nghiệm thu… thì hiệu quả thấy rõ. “Cũng một kilomet đường, nếu để nhà thầu làm theo kiểu dự án ngân sách có khi mất 10 đồng thì nhân dân làm chỉ mất 5 đồng mà hiệu quả gấp đôi” – ông Vân thẳng thắn.

Khi được dân ủng hộ

Theo ông Trần Văn Hà – Chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới Ninh Bình, nhiều việc tưởng rất khó gỡ, nhiều lãnh đạo cơ sở đau đầu, bó tay nhưng khi nhân dân cùng xắn tay vào tháo gỡ, thực hiện thì sự việc được giải quyết một cách nhanh chóng. “Nông dân vốn giữ rất kỹ từng gốc cây, mét đất, vậy nhưng trong phong trào xây dựng nông thôn mới, họ sẵn sàng phá cổng, đập bờ rào, hiến đất, cùng nhau ghé vai chuyển cây cột điện mới thấy sức mạnh ghê gớm của lòng dân” – ông Hà đúc kết.

Bà Nguyễn Thị Thanh – Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cùng đoàn công tác đi kiểm tra thực địa

Cùng với huy động sức dân là sự vào cuộc tổng lực của cả hệ thống chính trị. Theo bà Nguyễn Thị Thanh – Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, các sở ban, ngành toàn tỉnh đã tích cực chỉ đạo lồng ghép các chương trình của đơn vị, ngành mình cùng tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ban Tuyên giao Tỉnh ủy duy trì chuyên mục "Chung sức xây dựng nông thôn mới" trong bản tin nội bộ, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Hội Cựu chiến binh và Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng cán bộ về công tác xây dựng nông thôn mới năm 2014. Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc tỉnh đã phát động phong trào toàn dân đoàn kết khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đoàn Ninh Bình tổ chức các hoạt động tham gia làm thủy lợi nội đồng nạo vét kênh mương phục vụ sản xuất…

“Khi ý Đảng hợp lòng dân thì việc khó đến mấy cũng hoàn thành, xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình là một minh chứng rõ ràng cho chân lý đó” – Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh khẳng định.

Gắn xây dựng nông thôn mới với giải bài toán quy hoạch

Sau 3 năm thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, Ninh Bình đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Đến nay đã có 100% số xã hoàn thành phê duyệt quy hoạch và công bố quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới. Đã có 3 xã đạt chuẩn xã NMT (19/19 tiêu chí) là Khánh Phú, Khánh Thiện, Khánh Thành đều của huyện Yên Khánh. 

Toàn tỉnh đã nâng cấp 1.574 km đường giao thông nông thôn đạt chuẩn; xây mới và nâng cấp 386 cầu cống dân sinh, kiên cố hóa 222km kênh mương do xã quản lý; nâng cấp được 109 trường học đạt chuẩn quốc gia; hoàn thiện 7 trụ sở UBND xã; xây dựng và nâng cấp 158 nhà văn hóa, khu thể thao xã, thôn đạt chuẩn quốc gia. Các tiêu chí về kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục… cũng tăng lên nhanh chóng cùng phong trào xây dựng nông thôn mới. 

Thu nhập bình quân đầu người không ngừng được tăng lên, năm 2013 đã đạt 19,5 triệu đồng, tỉ lệ hộ nghèo năm 2013 còn 7%, tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 56%... Toàn tỉnh có 111/119 trạm y tế đat chuẩn quốc gia; 70% số hộ dân nông thôn tham gia BHYT; trên 71% thôn, xóm được công nhận làng văn hóa…

Làm nhiều hơn những gì cán bộ vận động

Theo ông Trần Văn Hà – Phó GĐ Sở NNPTNT, Chánh Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình, phong trào xây dựng nông thôn mới bên cạnh các thành tựu trên đã góp phần giải quyết được nhiều dự án, quy hoạch “treo” nhiều năm qua.

Theo phân tích của ông Hà, dù đề án dồn điền đổi thửa không phải là một tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhưng chính việc dồn điền đổi thửa đã giúp hoàn thành nhiều tiêu chí. “Nếu không có dồn điền đổi thửa thì rất khó có thể giải phóng mặt bằng, có đất sạch làm sân vận động, nhà văn hóa, cải tạo kênh mương nội đồng, làm đường mới đưa máy móc, cơ giới hóa vào đồng ruộng” – ông Hà cho hay.

Đến nay, công tác dồn điền đổi thửa hình thành những ô thửa lớn, tạo tiền đề cho phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa đã và đang được đẩy mạnh. Đã có 32 xã cơ bản hoàn thành với tổng diện tích là 14.850ha đất nông nghiệp.

Trên nhiều cánh đồng xã Khánh Nhạc, Khánh Hồng (huyện Yên Khánh), bà con nông dân làm nhiều hơn những gì cán bộ vận động. Đáng lẽ làm đường 2,5m, bà con làm lên tới 3m, họ chấp nhận hiến cả một phần ruộng của mình để đắp đường cho to hơn, sẵn sàng nộp 250.000 đồng/sào để thuê máy làm đường nội đồng với lý giải đơn giản: “Có đường lớn thuê máy làm ruộng chỉ mất chi phí bằng một nửa thuê làm thủ công, số tiền dôi ra chỉ một vụ là hòa”.

Năm 2014, Ninh Bình phấn đấu đưa thêm 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đưa số xã đạt chuẩn lên 14 xã, năm 2015 là 25 xã. Ban Chỉ đạo đã đề nghị Chính phủ nâng mức thưởng 5 tỉ đồng cho xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011-2015.