Ông Dương Văn Thái
Ông có thể khái quát tình hình nông nghiệp Bắc Giang trước và sau khi có NQ 26 về tam nông?
Bắc Giang là tỉnh trung du miền núi, có gần 300 nghìn ha (293.608) đất nông nghiệp, trong đó đất lúa gần 70 nghìn ha, trên 57 nghìn ha đất cây lâu năm (cây công nghiệp, cây ăn quả), trên 150 nghìn ha đất lâm nghiệp, còn lại nuôi trồng thủy sản và cây trồng khác...
Tuy nhiên, do trước đây hạ tầng còn thấp kém, từ giao thông nông thôn, nội đồng đến hệ thống thủy lợi phục vụ SX. Ngoài ra, trình độ, phương thức canh tác lạc hậu, SXNN mang tính tự phát, nhỏ lẻ dựa theo kinh nghiệm, hiệu quả thấp; giá trị SX bình quân/ha đất năm 2008 chỉ đạt 33,7 triệu đồng; sản lượng lương thực có hạt đạt khoảng 570 ngàn tấn…
Có thể khẳng định NQ 26 là chủ trương lớn của Đảng, là Nghị quyết toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời kỳ đổi mới và hội nhập, đã như luồng gió mới đánh thức tiềm năng về phát triển nông nghiệp, nông thôn Bắc Giang.
Điều đó được khẳng định qua kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, cụ thể là cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, nhất là đối với đường làng, ngõ xóm không chỉ được đầu tư cứng hóa mà còn trồng hoa, cây xanh hai bên lề tạo cảnh quan sạch đẹp và thân thiện với môi trường...
Giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi được đầu tư, cứng hóa thuận tiện cho phục vụ SX và giao thương hàng hóa; công tác dồn điền đổi thửa, quy hoạch ruộng đất được quan tâm, qua đó tạo ra các vùng SX tập trung quy mô lớn liên kết chuỗi.
Cùng với đó là việc đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa và ứng dụng SXNN công nghệ cao gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu, xây dựng tem nhãn, bao bì đóng gói sản phẩm.
Đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số vùng SX hàng hóa tập trung quy mô lớn phục vụ chế biến, XK; một số sản phẩm nông nghiệp đã có thương hiệu không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn XK, như: Vải thiều Lục Ngạn, Gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ...
Nhờ đó năng suất và giá trị nông sản đều tăng qua hàng năm, giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp năm 2017 đạt 92 triệu đồng/ha, tăng gần 3 lần so với năm 2008, sản lượng lương thực có hạt đạt gần 660 nghìn tấn, tăng gần 90 nghìn tấn so với năm 2008 (570 ngàn tấn).
NQ 26 là Nghị quyết chuyên biệt về “tam nông”. Là lãnh đạo tỉnh phụ trách khối nông nghiệp, xin ông đánh giá những mặt được, chưa được của Nghị quyết khi triển khai tại Bắc Giang?
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, do vậy SXNN của tỉnh duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; quan hệ SX trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục được đổi mới; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; kết cấu hạ tầng KT- XH được tăng cường; đời sống cải thiện; lòng tin của nhân dân nâng lên, tạo thế và lực mới cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn trong những năm tới.
Chương trình xây dựng NTM đạt được những kết quả toàn diện, tích cực. Các công trình hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục... được quan tâm đầu tư đồng bộ. Bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, diện mạo nông thôn khang trang, sạch đẹp hơn.
Đặc biệt, số hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất và tinh thần cải thiện. Xây dựng NTM đã trở thành phong trào mạnh mẽ tại các huyện, xã. Năm 2017, tỉnh có thêm 19 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 68 xã, bình quân đạt 13,8 tiêu chí/xã. Bắc Giang là một trong những địa phương đứng đầu các tỉnh miền núi phía Bắc về xây dựng NTM.
Tuy nhiên, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là: Quy mô SXNN còn nhỏ, ứng dụng KH-CN trong SX chưa nhiều nên hiệu quả và sức cạnh tranh thấp; vấn đề tích tụ đất đai gặp nhiều khó khăn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm; việc liên kết SX theo chuỗi còn hạn chế, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp hàng hoá, tiêu chuẩn VSATTP chưa cao.
"Tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng cho các DN, thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đặc biệt là chế biến nông, lâm sản. Đa dạng hóa các hình thức đầu tư, khuyến khích các DN đầu tư theo các hình thức BT, BOT, PPP... và các hình thức đầu tư khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT- XH nông nghiệp, nông thôn", ông Dương Văn Thái. |
Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn chưa đồng bộ, chất lượng còn thấp, phát triển nông nghiệp chưa thật sự bền vững và chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế; tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải rắn, chất thải chăn nuôi, nước thải sinh hoạt còn xảy ra ở một số khu vực làng nghề, vùng chợ nông thôn, vùng dân cư tập trung...
Sau 10 năm thực hiện NQ 26, bài học rút ra của Bắc Giang là gì, thưa ông?
Từ thực tiễn 10 năm thực hiện NQ 26, chúng tôi cho rằng, thứ nhất, cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, đặc biệt là đề ra các chủ trương và ban hành các cơ chế chính sách phù hợp để phát triển khu vực "tam nông".
Thứ hai, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể; trên cơ sở đó, xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển KT-XH.
Thứ ba, đảm bảo sự thống nhất về nhận thức và hành động giữa các cấp, các ngành, sự đồng thuận cao trong toàn xã hội; huy động sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân là những yếu tố quan trọng, quyết định cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ.
Bắc Giang phát triển mạnh cây ăn trái |
Thứ tư, trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp, nâng cao vai trò cấp cơ sở trong vận động quần chúng; kết hợp giữa giải quyết những vấn đề chiến lược, lâu dài với những vấn đề mới, phát sinh đột xuất, bức xúc trước mắt. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải đảm bảo tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề cấp bách, then chốt để tạo bước đột phá.
Là tỉnh có thế mạnh về trái cây, rau sạch, chăn nuôi ..., Bắc Giang làm gì để phát triển các ngành hang này trong thời gian tới, thưa ông?
Đến nay, tỉnh đã có 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực có thương hiệu là: lợn, gà, cá, vải thiều, lúa chất lượng, rau các loại, cam, lạc và 44 sản phẩm đặc trưng và tiềm năng.
Thời gian tới, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo phát triển SX các nông sản chủ lực gắn với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững; đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ KH- CN vào SXNN, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị, tăng sức cạnh tranh của nông sản gắn với xây dựng và bảo vệ thương hiệu.
Thực hiện công tác dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch lại đồng ruộng, giao thông thủy lợi và xây dựng mô hình cánh đồng mẫu cho thu nhập cao; tiếp tục đổi mới các hình thức tổ chức SX, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác; khuyến khích hỗ trợ hộ nông dân liên kết với DN hoặc thông qua HTX sản xuất theo chuỗi giá trị.
Tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp nông thôn, tăng cường thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Rà soát điều chỉnh bổ sung các cơ chế chính sách đã ban hành, xây dựng chính sách mới để thúc đẩy quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đúng hướng, hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
"Chúng tôi đánh giá, thông qua đẩy mạnh ứng dụng KH-CN vào SX, tư duy, nhận thức của người dân được nâng lên, mạnh dạn đầu tư SX; phương thức và hình thức SX đổi mới, thành lập thêm các HTX, tổ hợp tác liên kết SX và tiêu thụ sản phẩm, xuất hiện những mô hình SXNN ứng dụng công nghệ cao thu nhập 1 tỷ đồng/ha/năm; đời sống vật chất và văn hóa tinh thần nâng lên, cải thiện rõ rệt; tỷ lệ hộ nghèo năm 2017 còn 9,53%, giảm 8,25% so với năm 2008...", ông Dương Văn Thái. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn