Cuộc thi này do Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức thực hiện. Cuộc thi năm 2017 tuy được phát động trong một thời gian rất ngắn, song đã có gần 450 tác phẩm dự thi (trong đó có hơn 60 tác phẩm báo hình, báo tiếng). Hội đồng Giám khảo, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chấm, xét chọn tác phẩm Sơ khảo (đã chọn ra 15 tác phẩm thể loại báo in, 16 báo điện tử, 13 báo hình và 8 báo tiếng để đưa vào Chung khảo và chọn ra 38 tác phẩm đoạt giải Chung khảo (01 giải A, 9 giải B, 11 giải C, 17 giải Khuyến khích), bổ sung thêm 6 giải Đồng hành của nhà tài trợ đối với một số tập thể, cá nhân tích cực tham dự Cuộc thi.
Trong cuộc thi năm nay, có nhà báo Đinh Hữu Dư của TTXVN đã tham dự cuộc thi, và đã hy sinh trong khi tác nghiệp đưa tin về tình hình bão lũ tại cơ sở. Nhiều nhà báo khác, để có được những phản ánh sát thực tiễn, nhiều phóng viên, cộng tác viên đã không quản ngại khó khăn, lăn lộn với thực tiễn, tác nghiệp trực tiếp tại những vùng sâu đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo để có được nhiều bài viết thực tế, có chiều sâu, không chỉ phản ánh mà còn phân tích, chỉ ra được nguyên nhân của thành công, nêu gương điển hình tiên tiến để tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm cho các địa phương khác học hỏi.
Chương trình nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực và khả quan.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, cuộc thi năm đầu tiên đã giúp tăng cường sự quan tâm của các cơ quan báo chí để góp phần tạo sự đồng thuận và hưởng ứng của xã hội đối với chương trình xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong giai đoạn mới. Đây thực sự là hoạt động báo chí quan trọng, cổ vũ, động viên và tôn vinh các phóng viên, biên tập viên, cá nhân tích cực tham gia phản ánh tin bài, tuyên truyền, vận động về xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Đảng về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn và 6 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc sâu rộng của toàn bộ hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao, tham gia tích cực của đại đa số người dân cả nước, chương trình nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả tích cực và khả quan.
Nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới, thời gian tới đây, Ban Chỉ đạo Trung ương xác định một số nhiệm vụ chủ yếu về xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đó là: Phát triển hạ tầng gắn với phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm định hình 3 trục sản phẩm, nhân rộng mô hình Mỗi xã một sản phẩm; Tăng cường công tác bảo vệ môi trường khu vực nông thôn, thích ứng biến đổi khí hậu; Đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, bảo vệ an ninh trật tự khu vực nông thôn.
Để đạt được mục tiêu đó, rất cần các cơ quan báo chí có nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp, bám sát với tình hình thực tế, phản ánh đa chiều, biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong triển khai thực hiện xây dựng NTM, củng cố diễn đàn công luận công khai, dân chủ, minh bạch và phát huy được vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng thôn, xóm, thực hiện đầy đủ phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.
Tác giả bài viết: San Nguyễn
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn