Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” đã thực sự trở thành phong trào ý nghĩa, có tính nhân văn và sức lan tỏa sâu rộng, được người dân đồng tỉnh hưởng ứng. Kết quả điều tra cho thấy có trên 56% người dân thuộc các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc (MNPB) hài lòng với chương trình.
Theo đó, người dân đã phát huy vai trò chủ thể, tích cực tham gia thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia chuỗi giá trị; thu nhập ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao, góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn.
Đến hết tháng 6 năm 2019, đã có 603/2.280 xã ở khu vực MNPB được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tương đương 26,45%. Dự kiến đến hết năm 2019 có khả năng đạt 28,0%, hoàn thành sớm hơn 1 năm so với mục tiêu được giao tại Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Bình quân tiêu chí/xã đạt 12,28 tiêu chí.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham quan gian hàng trưng bày nông đặc sản của các địa phương.
Thu nhập bình quân đầu người trong khu vực sau 10 năm thực hiện chương trình đã được cải thiện rõ rệt, tăng 34,6% so với năm 2011 và tăng 7,85% so với năm 2015.
Hạ tầng kỹ thuật nông thôn đã được các địa phương đặc biệt chú trọng ưu tiên nguồn lực đầu tư để xây dựng mới, nâng cấp góp phần thay đổi diện mạo nông thôn. Toàn vùng đã xây dựng được trên 28.000 km đường giao thông nông thôn, bằng toàn bộ kết quả thực hiện giao thông nông thôn của các giai đoạn trước. Điển hình là các địa phương như Bắc Giang xây dựng mới được gần 5.000 km, Tuyên Quang trên 3.400 km, Thái Nguyên trên 3.100 km…
Đến nay, đã có 07/14 tỉnh đã đạt và vượt mục tiêu phấn đấu đến 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 là các tỉnh Hà Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.
Cả vùng đã có 06 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Một số tỉnh khó khăn như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên…đã có đơn vị cấp huyện đã hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nông thôn mới trong năm 2019.
Phó Thủ tướng ấn tượng với những thành quả xây dựng nông thôn mới của các địa phương miền núi phía Bắc.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyên Xuân Cường, MNPB là vùng có điều kiện kinh tế khó khăn nhất cả nước, nhưng nhờ sự trỗi dậy, vươn lên thực hiện chương trình xây dựng NTM của đảng bộ, nhân dân và chính quyền các tỉnh trong khu vực thông qua việc đưa vị trí người dân, vai trò người dân là quan trọng nhất, đến hôm nay các chỉ tiêu giao về NTM của vùng cơ bản đã hoàn thành, các mô hình điển hình của vùng đều ở cấp độ toàn quốc. Đây cũng là vùng điển hình về chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), đến nay 12/14 tỉnh đã có đề án.
"Khó khăn như vậy nhưng đã có một số tỉnh đang là điển hình trong phong trào phát triển kinh tế nông nghiệp. Như tỉnh Hà Giang có 600 ha cây dược liệu trở thành hàng hóa, Sơn La đi đầu toàn quốc về xây dựng hợp tác xã kiểu mới, hơn 800 hợp tác xã, 181 hợp tác xã chuyên về cây ăn quả; Điện Biên đang trở thành vùng trọng điểm phát triển cây công nghiệp cho giá trị cao"- Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới ngày càng được nâng cao, nhất là trong phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, trong bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giữ gìn an ninh trật tự, góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn của các địa phương khu vực MNPB.
Nhiều địa phương ở các tỉnh miền núi phía Bắc gắn xây dựng NTM với phát triển du lịch.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc những địa phương khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện có sức lan tỏa rất lớn và tạo động lực phấn đấu trong tỉnh và toàn vùng, điều này thể hiện nông thôn mới hoàn toàn có thể thành công trên diện rộng ở vùng khó khăn, chứ không chỉ tập trung vào một hay vài xã có điều kiện ưu đãi hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì nhiều địa phương trong khu vực vẫn còn khó khăn, nhất là là các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới nên nhìn chung kết quả xây dựng nông thôn mới còn khoảng cách chênh lệch khá lớn, có xu hướng nới rộng khoảng cách so với các vùng, miền của cả nước.
Đặc biệt, 5/6 tỉnh có tỷ lệ số xã đạt chuẩn dưới 20% của cả nước nằm ở vùng MNPB như Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La, Điện Biên. Toàn khu vực vẫn còn khoảng 828 xã đạt dưới 10 tiêu chí (chiếm 61,3% của cả nước).
Theo Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, mặc dù tỷ lệ nghèo các tỉnh khu vực MNPB đã giảm nhanh ở các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 50%, cá biệt còn trên 60-70%, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 2/5 mức thu nhập bình quân của cả nước;
Nhu cầu xây dựng nông thôn mới của các tỉnh MNPB là rất lớn, nhất là cơ sở hạ tầng, nhưng khả năng huy động nguồn lực còn rất hạn chế vì chủ yếu là vùng nghèo, vùng khó khăn, xuất phát điểm thấp, cũng như chưa khai thác, phát huy được các lợi thế về sản xuất nông nghiệp để thúc đẩy thực hiện chương trình gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít, quy mô sản xuất nông hộ còn chiếm đa số.
Tại hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng NTM khu vực MNPB, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các tỉnh MNPB đã vượt khó thành công đạt được nhiều kết quả tốt trong xây dựng NTM. Do vậy, khu vực khó nhất đã thành công thì các khu vực khác cũng phải xây dựng NTM thành công.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành Trung ương và các địa phương nghiên cứu, xem xét lại bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, đề xuất liệu có cần phải sửa đổi, đồng thời tiến hành xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, NTM cấp thôn, bản.
Sắp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội phê duyệt một chương trình mục tiêu quốc gia thứ 3 để xây dựng phát triển kinh tế- xã hội cho vùng đồng bào dân tộc ở vùng khó khăn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc giáp biên giới. Để xây dựng NTM hiệu quả, bền vững chúng ta cần tiếp tục tập trung vào thực hiện chương trình OCOP.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng lưu ý việc xây dựng NTM cần phải chú trọng đến việc bảo tồn phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, bảo và giữ gìn môi trường cảnh quan, tránh tình trạng bê tông hóa, đô thị hóa nông thôn.
Theo Trang Thảo/danviet.vn
Xem bài viết gốc tại đây
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn