Tại Diễn đàn, 6 lĩnh vực ưu tiên cần kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế gồm hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để tăng thu nhập cho cư dân nông thôn; các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân nông thôn; các biện pháp bảo vệ môi trường, tài nguyên, phòng chống biến đổi khí hậu; hỗ trợ các hoạt động xóa đói giảm nghèo thông qua các giải pháp tạo sinh kế và việc làm; các hoạt động đổi mới về tổ chức thông qua việc huy động liên kết công tư, thu hút đầu tư doanh nghiệp vào nông thôn; hỗ trợ các hoạt động nâng cao chất lượng chính sách thông qua công tác nghiên cứu, phân tích, rút kinh nghiệm từ các mô hình thực tế.
Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết qua thời gian triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã phát huy nội lực đạt được kết quả tốt. Đơn cử một tỉnh nghèo như Tuyên Quang, trong hai năm đã huy động người dân làm được hơn 1.000km đường nông thôn.
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng Chương trình vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét điều chỉnh về cơ chế chính sách và giải pháp thực hiện, nhất là về phát triển sản xuất nông nghiệp và tăng thu nhập cho cư dân nông thôn.
Năm 2013, các địa phương cả nước phấn đấu có 200 xã đạt đủ 19 tiêu chí và 2.000 xã được chính thức công nhận xã chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Bộ trưởng bày tỏ học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong phát triển nông thôn là rất quan trọng.
Hiện Việt Nam cũng tạo cơ hội đối thoại giữa các đối tác tham gia xây dựng, hỗ trợ phát triển, chia sẻ những khó khăn thách thức cũng như tạo động lực mới cho xây dựng nông thôn mới.
Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác, đã có nhiều chính sách mới được ban hành, sửa đổi cho phù hợp với tiến trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian qua.
Với cơ chế đầu tư đặc thù như trong Quyết định 498, những dự án quy mô nhỏ giảm được rất nhiều khâu về thiết kế, phê duyệt dự án theo quy trình hiện nay về cơ sở hạ tầng, dẫn tới tiết kiệm được thời gian và kinh phí.
Hiện có gần 96% số xã đã triển khai quy hoạch nông thôn mới và gần 84% số xã phê duyệt xong quy hoạch chung. Hạn chế là chất lượng đồ án quy hoạch còn thấp do triển khai đồng loạt, thiếu tính quy hoạch vùng, tính liên kết, chủ yếu quan tâm tới hạ tầng chưa quan tâm tới phát triển sản xuất, môi trường, văn hóa.
Giải pháp ở nhiều dự án đưa ra thiếu thực tiễn và không rõ nguồn lực, như có đề án lên tới 300-400 tỷ đồng là rất khó giải quyết.
Đại diện các nhà tài trợ song phương, ông Jean-Marc Gravellini, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Hà Nội chia sẻ, chiến lược của AFD đối với nông nghiệp Việt Nam là hỗ trợ mô hình tăng trưởng sâu và hợp lý, tạo việc làm và sử dụng nguồn lực hiệu quả.
Trong giai đoạn 2013-2015, AFD hỗ trợ hiện đại hóa ngành sản xuất có ảnh hưởng tới môi trường, xã hội; nâng cao chất lượng, năng suất và lồng ghép các ngành nông nghiệp; thúc đẩy đào tạo nghề có chất lượng cao.
Ông Henning Pedersen, Trưởng đại diện Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế (IFAD) tại Việt Nam đánh giá, quá trình xây dựng nông thôn mới vẫn còn hạn chế về cải thiện sinh kế cho người dân, còn ít liên kết với các chương trình tài trợ lớn như Ngân hàng thế giới và IFAD.
Theo ông Henning Pedersen, sáng kiến nông thôn mới thành công trong việc huy động nguồn lực đáng kể từ các địa phương cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, Chương trình dường như chưa giải quyết được vấn đề xóa đói giảm nghèo, chủ yếu các xã có điều kiện tốt được lựa chọn để đạt được các mục tiêu trong tỉnh.
IFAD đề xuất với Chính phủ Việt Nam tăng cường tiếp cận theo hướng thị trường ở địa phương, khuyến khích đổi mới trong quy hoạch có sự tham gia của khu vực tư nhân và áp dụng chuỗi giá trị. Hỗ trợ người nghèo tiếp cận thị trường thông qua hoạt động nâng cấp cơ sở hạ tầng và xác định thị trường. Cải tiến các dịch vụ tài chính và phát triển kinh doanh nông thôn.../.
Hoàng Tùng (TTXVN)