Nhiều kiến nghị của doanh nghiệp đề nghị tiếp tục cải tiến thủ tục thuế, hải quan, tiếp cận đất đai... (Ảnh: ST)
Đây là những kiến nghị được VCCI tập hợp từ tháng 2/2017 đến trước thềm Hội nghị.
90 kiến nghị chưa trả lời, trong đó có một số kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ.
Cùng với VCCI, Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ do Văn phòng Chính phủ điều hành cũng đã tiếp nhận và chuyển các bộ ngành, địa phương 489 kiến nghị từ các doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp. Trong đó, 372 kiến nghị đã được xử lý, giải quyết, trả lời (đạt tỷ lệ 76,1%).
Như vậy, tính từ kHội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp doanh nghiệp tháng 4/2016 đến nay, đã có trên 1.098 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được tiếp nhận và chuyển tới các cơ quan nhà nước và đã có 850 kiến nghị được xử lý, giải quyết, trả lời, đạt tỷ lệ 77,4%.
Các kiến nghị chưa được xem xét, giải quyết chủ yếu là các kiến nghị chung về môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, sửa đổi pháp luật, cơ chế chính sách đang được các bộ ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, giải quyết.
Về nội dung, các kiến nghị tập trung vào 5 nhóm chính.
Một là, cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Phần lớn kiến nghị tập trung vào việc cải tiến thủ tục thuế, hải quan, tiếp cận đất đai, thanh tra, kiểm tra, môi trường; Tinh thần, thái độ phục vụ của các công chức làm việc trong lĩnh vực trên.Nhiều doanh nghiệp yêu cầu các cơ quan Nhà nước cũng phải tuân thủ pháp luật, bình đẳng với các doanh nghiệp.
Hai là, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Tập trung vào việc phát huy hiệu quả của các Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa...
Ba là, đề nghị bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Các kiến nghị liên quan tới việc đề nghị thực hiện nghiêm túc việc tham vấn các đối tượng chịu tác động và tham vấn chuyên gia trong quá trình xây dựng, thực hiện pháp luật, chính sách; Tăng cường chất lượng và sự tham gia của cán bộ pháp chế các bộ ngành trong xây dựng pháp luật; Các mối quan ngại bị phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; Mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định pháp luật.
Bốn là, đề nghị giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp. Cụ thể là, đảm bảo mặt bằng lãi suất phù hợp; Giảm bớt các mức đóng góp của Người sử dụng lao động; Giảm giá thuê đất, giảm mức thu phí tại một số dự án BOT, các loại phí, lệ phí khác.
Năm là, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Các kiến nghị đề cập đến các vấn đề về bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp khi làm thủ tục phá sản doanh nghiệp; Thi hành án dân sự, nhất là khi có tranh chấp hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân; Có chế tài đủ mạnh để răn đe các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ; Bảo vệ doanh nghiệp trong quan hệ lao động; Thanh tra, kiểm tra không đúng quy định.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn