00:41 EST Thứ hai, 06/01/2025
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

8 giải pháp phát triển KT-XH 5 năm 2016-2020

Thứ hai - 21/03/2016 05:55
Sáng nay (21/3), sau phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Lạm phát được kiểm soát, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 sáng nay.

Cụ thể là, chỉ số giá tiêu dùng giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn 0,6% năm 2015; mặt bằng lãi suất giảm khoảng 50% so với cuối năm 2011. Kim ngạch xuất khẩu tăng khá cao, đạt bình quân 17,5%/năm. Cán cân thương mại được cải thiện; cán cân thanh toán quốc tế thặng dư; dự trữ ngoại hối đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Đẩy mạnh chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế; thu ngân sách tăng gần 2 lần so với giai đoạn trước. Tăng cường quản lý chi ngân sách, ưu tiên bảo đảm an sinh xã hội và phát triển con người. Nợ công cơ bản trong giới hạn theo quy định. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp hơn 1,8 lần so với 5 năm trước, đạt bình quân 31,7% GDP; vốn FDI thực hiện tăng 35,6%, vốn ODA giải ngân tăng 61%. Tăng cường quản lý thị trường, giá cả, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu và đẩy mạnh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức hợp lý, từ năm 2013 dần phục hồi, năm sau cao hơn năm trước. Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 5,91%. Quy mô và tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục tăng; GDP năm 2015 đạt 193,4 tỉ USD, bình quân đầu người 2.109 USD. Khu vực công nghiệp, xây dựng phục hồi và tăng trưởng cao hơn vào những năm cuối, tăng bình quân 6,9%/năm. Khu vực nông nghiệp phát triển khá ổn định, tăng bình quân 3%/năm. Khu vực dịch vụ tăng trưởng khá, đạt bình quân 6,3%/năm. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng bình quân 14,1%/năm, loại trừ yếu tố giá còn tăng 5,6%. Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được nâng lên; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 29%; năng suất lao động tăng bình quân 4,2%/năm.

Báo cáo của Chính phủ cũng nhấn mạnh: Ba đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt kết quả tích cực. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Quy hoạch phát triển được rà soát, điều chỉnh phù hợp hơn với kinh tế thị trường. Các loại thị trường được hình thành và từng bước phát huy hiệu quả. Thực hiện giá thị trường theo lộ trình đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu gắn với hỗ trợ các đối tượng chính sách, người nghèo. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, minh bạch, bình đẳng hơn; năng lực cạnh tranh được nâng lên.

Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được chú trọng; tập trung tổ chức lại sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác hải sản xa bờ. Đa dạng hóa các loại hình hợp tác liên kết, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn nông thôn. Rà soát, điều chỉnh các chính sách, tiêu chí xây dựng nông thôn mới; thu hút được nhiều nguồn lực và sự tham gia của người dân.

giải pháp KT-XH cho 5 năm tiếp theo

1. Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, hiện đại trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Phát triển và vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường; bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các loại hình doanh nghiệp. Xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, phân bổ nguồn lực cho sản xuất kinh doanh và quản lý giá theo cơ chế thị trường. Nhà nước sử dụng thể chế, các nguồn lực, công cụ điều tiết, cơ chế, chính sách phân phối, phân phối lại để phát triển văn hoá, thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo, từng bước nâng cao phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân. Tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nguồn nhân lực, tiềm lực khoa học công nghệ.

Điều hành hiệu quả các chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách liên quan để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước... Điều hành lãi suất, tỷ giá theo nguyên tắc thị trường, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối. Tăng cường quản lý và từng bước cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, tăng tỉ trọng thu nội địa và bảo đảm tỉ lệ hợp lý giữa chi thường xuyên, chi đầu tư, chi trả nợ; phấn đấu giảm dần bội chi. Quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả nợ công, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Tăng cường huy động các nguồn lực ngoài Nhà nước cho đầu tư phát triển. Thực hiện lộ trình giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu gắn với hỗ trợ đối tượng chính sách, người nghèo. Đẩy mạnh xã hội hóa, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, giao quyền tự chủ phù hợp và hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp đối với các đơn vị có đủ điều kiện. Khai thác tốt các cam kết quốc tế, tham gia hiệu quả các chuỗi giá trị, mở rộng và đa dạng hoá thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; kiểm soát nhập khẩu phù hợp, phấn đấu cân bằng thương mại bền vững. Tăng cường xúc tiến thương mại gắn với xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Phát triển mạnh thị trường trong nước, có biện pháp phù hợp để doanh nghiệp trong nước tham gia sâu rộng vào thị trường bán lẻ nội địa; tăng cường quản lý thị trường, giá cả và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại.

2. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tiếp tục triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực. Thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững; phát triển kinh tế tri thức. Tập trung thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp khởi nghiệp.

Nâng cao hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống của người dân. Xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hoá quy mô lớn; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực quốc gia và vệ sinh, an toàn thực phẩm. Tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị. Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty  nông, lâm nghiệp. Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước, tín dụng ưu đãi và huy động các nguồn lực ngoài nhà nước để thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng khu vực nông nghiệp bình quân khoảng 2,5-3%, đến năm 2020 có khoảng 40-50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đẩy mạnh tái cơ cấu công nghiệp theo hướng phát triển nhanh các ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ, có tỉ trọng giá trị quốc gia, giá trị gia tăng cao, có lợi thế cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu và bền vững, thân thiện môi trường. Phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp điện tử, công nghệ thông tin, phần mềm và ưu tiên phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, hình thành các khu công nghiệp hỗ trợ theo cụm liên kết ngành. Phát triển vững chắc, hiệu quả và từng bước hình thành tổ hợp công nghiệp quốc phòng, an ninh. Phát triển ngành xây dựng đạt trình độ tiên tiến, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Phát triển mạnh công nghiệp vật liệu xây dựng, nhất là vật liệu mới, chất lượng cao. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp, xây dựng bình quân khoảng 8,0-8,5%/năm; đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp, xây dựng trong GDP khoảng 40%.

Phát triển nhanh các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có lợi thế, có công nghệ và giá trị gia tăng cao. Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu, tạo thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, đi lại và bảo đảm an toàn, an ninh. Phát triển đồng bộ hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ; chú trọng thương mại điện tử; chủ động tham gia vào mạng phân phối toàn cầu. Phát triển và nâng cao chất lượng các dịch vụ tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh. Phát triển vận tải với cơ cấu hợp lý, hiệu quả, chú trọng vận tải đa phương thức và logistics. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, văn hoá, thể thao... Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân 6,6-7,1%/năm, tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP đạt 45% vào năm 2020.

Phát triển mạnh kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển đảo. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các ngành khai thác, chế biến dầu khí; cảng biển, đóng và sửa chữa tàu, vận tải biển; khai thác và chế biến hải sản, các dịch vụ hậu cần nghề cá; du lịch biển đảo. Đẩy nhanh điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển đảo.

Chú trọng phát triển kinh tế vùng, nâng cao chất lượng xây dựng và quản lý quy hoạch, bảo đảm công khai, minh bạch. Phát triển hài hòa các khu vực, các địa bàn khó khăn. Phát triển các hành lang, vành đai kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu. Xây dựng một số đặc khu kinh tế với thể chế có tính đột phá, có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Triển khai thực hiện hiệu quả Luật Đầu tư công và kế hoạch đầu tư công trung hạn, bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất, phù hợp với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, khả năng cân đối vốn của Nhà nước và tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước. Bố trí vốn tập trung, công khai, minh bạch; ưu tiên vốn đối ứng cho các dự án ODA quan trọng, thu hồi vốn ứng trước, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, vốn cho các công trình chuyển tiếp cấp thiết, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng, trong đó có các dự án PPP, xây dựng nông thôn mới và các vùng khó khăn. Từng bước hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, thân thiện môi trường, nhất là tại các đô thị lớn. Tăng cường phân cấp, đề cao trách nhiệm, tính chủ động cho các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư.

Tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nâng cao năng lực quản trị, tiềm lực tài chính, hiệu quả hoạt động. Thực hiện công khai, minh bạch và áp dụng chuẩn mới về quản trị ngân hàng theo thông lệ quốc tế. Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Tăng cường thanh tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm, các hành vi thao túng gây hậu quả nghiêm trọng, bảo đảm an toàn hệ thống.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Tăng cường quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu; nâng cao năng lực quản trị và hiệu quả hoạt động; thực hiện tốt quy định về phá sản doanh nghiệp. Tập trung cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, bán hết phần vốn Nhà nước không cần nắm giữ theo cơ chế thị trường; sử dụng một phần số tiền thu được cho đầu tư phát triển. Phân định rõ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo cơ chế thị trường và thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao. Đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp. Phát triển mạnh các loại hình và nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân làm động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp xã hội, kinh tế hộ gia đình. Thu hút đầu tư nước ngoài có công nghệ cao, thân thiện môi trường, tạo nhiều việc làm và thu nhập. Phát triển bền vững và nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả.

3. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và phân bổ lao động hợp lý, khai thác tốt cơ hội dân số vàng. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo hướng mở, hội nhập, xây dựng xã hội học tập, phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách đạo đức, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân. Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học, đánh giá kết quả. Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo nghề và giáo dục đại học;  gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đẩy mạnh tự chủ và đề cao trách nhiệm của các cơ sở giáo dục công lập đại học và dạy nghề. Phát triển hợp lý và bảo đảm bình đẳng giữa giáo dục công lập và ngoài công lập. Ngân sách nhà nước bảo đảm cho giáo dục phổ cập; hỗ trợ phát triển giáo dục đào tạo cho các vùng khó khăn và các đối tượng chính sách. Có cơ chế đặc thù để tuyển chọn và trọng dụng nhân tài.

Tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao tiềm lực và hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ. Xây dựng hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, khuyến khích mạnh các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ. Thực hiện cơ chế đặc thù để phát triển các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ theo mô hình tiên tiến, triển khai những dự án quan trọng, các sản phẩm trọng điểm quốc gia. Nâng cao hiệu quả sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước và các quỹ phát triển khoa học công nghệ; khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm. Tăng cường thực thi pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao.

4. Phát triển văn hoá và thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hoà với phát triển kinh tế. Triển khai thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững sau năm 2015 của Liên Hợp Quốc. Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt các chính sách xã hội, nhất là chính sách đối với người có công; phát triển hệ thống an sinh xã hội hiệu quả. Tập trung giải quyết việc làm, nhất là khu vực nông thôn và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; giảm nghèo bền vững theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, chú trọng giảm nghèo nhanh trong đồng bào dân tộc thiểu số và địa bàn đặc biệt khó khăn. Mở rộng đối tượng tham gia, phát triển bền vững quỹ bảo hiểm xã hội; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Nghiên cứu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phù hợp. Làm tốt công tác trợ giúp xã hội. Cải cách chính sách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường gắn với tăng năng suất lao động. Nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, tiến bộ. Có cơ chế để công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động và tổ chức đại diện người sử dụng lao động giám sát thực hiện thoả ước lao động tập thể. Thực hiện tốt các quy định về an toàn lao động và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam.  

Tăng cường quản lý nhà nước về y tế. Nâng cao hiệu quả công tác y tế dự phòng, chất lượng khám chữa bệnh,  khắc phục nhanh tình trạng quá tải bệnh viện. Hoàn thành xây dựng một số bệnh viện tuyến cuối; nhân rộng mô hình bệnh viện vệ tinh và bác sĩ gia đình, chuyển giao kỹ thuật và luân chuyển bác sỹ cho tuyến dưới. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khám chữa bệnh. Phát triển đội ngũ cán bộ y tế, nhất là nhân lực trình độ cao và nâng cao y đức. Phát huy hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, chú trọng phát triển y tế ở miền núi, biên giới, hải đảo. Đổi mới cơ chế tài chính, điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo lộ trình, hỗ trợ phù hợp các đối tượng chính sách, người nghèo. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Phát triển y học cổ truyền và công nghiệp dược. Tăng cường quản lý thuốc chữa bệnh và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Phát triển dân số bền vững, phấn đấu tuổi thọ trung bình đến năm 2020 đạt 74-75 tuổi. 

Tiếp tục xây dựng văn hoá, con người Việt Nam phát triển toàn diện. Khắc phục các biểu hiện xuống cấp về đạo đức xã hội. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá. Khuyến khích tự do sáng tạo trong hoạt động văn hoá, văn học nghệ thuật; làm tốt công tác bảo hộ quyền tác giả. Bảo tồn, phát huy các di sản và giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Chủ động hợp tác và giao lưu quốc tế, quảng bá văn hoá Việt Nam. Thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, người cao tuổi, người khuyết tật, gia đình, thanh thiếu niên, bình đẳng giới, bà mẹ, trẻ em và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Phát triển thể dục, thể thao cho mọi người và thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí.

5. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, tăng cường quản lý nhà nước, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội; chú trọng thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.

Đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, hoàn thiện quy hoạch và tăng cường quản lý khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa xuất khẩu nguyên liệu thô. Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất. Khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước và chủ động hợp tác quốc tế trong việc quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước xuyên quốc gia.

Cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của người dân. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo vệ và xử lý môi trường. Hạn chế, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, lưu vực sông, khu công nghiệp, các đô thị và khu dân cư tập trung ở nông thôn. Khắc phục có hiệu quả ô nhiễm môi trường do chiến tranh để lại. Phát triển và bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao khả năng chống chịu, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở ven biển, ven sông; ưu tiên đầu tư các dự án quan trọng, cấp thiết; có các giải pháp phù hợp để bảo đảm cuộc sống của người dân ở vùng bị thiên tai. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu. Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và các nguyên vật liệu thân thiện môi trường. Thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính (Hội nghị COP-21).

6. Nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm quyền tự do, dân chủ của người dân đi đôi với tuân thủ pháp luật; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn để kinh tế thị trường vận hành đầy đủ, thông suốt, hiệu quả và hội nhập quốc tế; phát huy mạnh mẽ dân chủ, quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo của người dân. 

Nâng cao hiệu lực hiệu quả bộ máy nhà nước, bảo đảm tinh gọn, trong sạch vững mạnh. Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, đạo đức, năng lực, trách nhiệm và tính chuyên nghiệp cao. Đổi mới công tác tuyển dụng, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ, công chức. Đẩy mạnh ứng dụng, thuê dịch vụ công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và Chính phủ điện tử. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật. Hoàn thiện cơ chế phân cấp, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền địa phương các cấp.

Tập trung chỉ đạo, phối hợp tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, phát huy quyền của công dân trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách, kiện toàn mô hình tổ chức cơ quan chuyên trách và thực hiện đồng bộ các giải pháp về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí. Tăng cường giám sát và phòng chống tham nhũng trong các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các cơ quan thông tin truyền thông. Có cơ chế khuyến khích và bảo vệ người phát hiện, tố cáo tham nhũng. Thực hiện nghiêm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng.

7. Tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện tốt Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường hoà bình để xây dựng và phát triển đất nước; không để bị động, bất ngờ. Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; ưu tiên hiện đại hoá một số quân chủng, binh chủng, lực lượng. Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Chú trọng xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, công an xã và dự bị động viên. Kết hợp tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế-xã hội, nhất là ở những địa bàn trọng yếu, chiến lược. Quan tâm xây dựng đường tuần tra biên giới. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu kinh tế quốc phòng và phát triển bền vững kinh tế, xã hội khu vực biên giới và biển đảo. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh; tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế; khẩn trương hoàn thành phân định biên giới. Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Tăng cường an ninh, an toàn thông tin mạng. Bảo đảm trật tự, an toàn và giảm tai nạn giao thông.

8. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia dân tộc.  Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại đa phương, nhất là trong ASEAN, Liên hợp quốc. Tăng cường hợp tác quốc tế và khu vực trong bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Kiên trì thúc đẩy giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các thỏa thuận của khu vực, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý.

Thực hiện hiệu quả các cam kết quốc tế và các Hiệp định thương mại tự do đã ký, tiếp tục đàm phán các Hiệp định mới. Nâng cao năng lực giải quyết các tranh chấp đầu tư, thương mại quốc tế. Tăng cường công tác thông tin đối ngoại. Làm tốt công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân; tạo thuận lợi để kiều bào tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dương Thanh

Nguồn: kinhtenongthon.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 180


Hôm nayHôm nay : 15338

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 161211

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 73208182