9 quy định về việc làm, tiền lương và BHXH có hiệu lực từ 1/1/2016
1. Việc trả lương sẽ không nhất thiết diễn ra trong tháng.
Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH có quy định sửa đổi thời gian trả lương được quy định tại Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH: “Người lao động hưởng lương tháng được trả tháng một lần hoặc nửa tháng một lần và được trả vào thời điểm trả lương”.
Điểm mới của Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH là việc quy định thời gian trả lương sẽ do 2 bên cùng thỏa thuận, không nhất thiết phải diễn ra ngay trong tháng làm việc. Điều này nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động và nhịp độ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trước đó, Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH quy định việc trả lương phải được thực hiện ngay trong tháng. Tuy nhiên, thực tế có nhiều doanh nghiệp sử dụng đông lao động sẽ khó thực hiện được quy định này.
Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ 1/1/2016.
2. Mức đóng BHXH sẽ tính trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng lao động.
Trong nội dung của Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động, có ghi: “Từ ngày 01/01/2016 đến 31/12/2017, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động”.
Theo quy định trên, mức lương sẽ quy định rõ ràng bao gồm cả các khoản phụ cấp khác. Quy định này giúp người lao động có thêm nhiều quyền lợi khi hưởng lương hưu cũng như các chế độ tai nạn lao động, thai sản…
Nghị định 115/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
3. Lao động nữ mang thai hộ được nghỉ chế độ thai sản
Nghị định 115/2015/NĐ-CP cũng quy định chế độ thai sản đối với lao động nữ mang thai hộ theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội được quy định như sau:
Lao động nữ mang thai hộ đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản, trong thời gian mang thai được nghỉ việc để đi khám thai 5 lần, mỗi lần 1 ngày; trường hợp ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 2 ngày cho mỗi lần khám thai.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Khoản này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Đồng thời, Nghị định 115/2015/NĐ-CP còn quy định lao động nữ mang thai hộ đang đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản, khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền. Thời gian nghỉ việc tối đa được quy định như sau:
Không quá 10 ngày nếu thai dưới 5 tuần tuổi; 20 ngày nếu thai từ 5 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi; 40 ngày nếu thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi; 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại Khoản này tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.
4. Lương tối thiểu vùng tăng thêm 12,4%
Nghị định 122/2015/NĐ-CP về mức lương tối thiểu vùng cho người lao động quy định, từ ngày 1/1/2016, mức lương tối thiểu vùng tăng trung bình 12,4%. Cụ thể, 4 vùng sẽ có mức lương mới như sau: Vùng I: Mức 3.500.000 đồng/tháng; Vùng II: Mức 3.100.000 đồng/tháng; Vùng III: Mức 2.700.000 đồng/tháng; Vùng IV: Mức 2.400.000 đồng/tháng.
Nghị định 122/2015/NĐ-CP cũng nêu rõ: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó.
Nghị định 122/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
5. Phụ cấp đặc thù cho giáo viên tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập
Nghị định số 113/2015/NĐ-CP quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.
Theo đó, Nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập dành riêng cho người khuyết tật hoặc lớp học dành riêng cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, được hưởng: Phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,3 so với mức lương cơ sở và phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật mức 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Nhà giáo không chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các lớp học dành riêng cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, được hưởng: Phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,3 so với mức lương cơ sở và phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật mức 40% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Đồng thời, Nghị định 113/2015/NĐ-CP quy định nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các lớp hòa nhập cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,2 so với mức lương cơ sở và phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật gồm các mức sau đây:
Mức 35% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với lớp hòa nhập có từ 5% đến dưới 10% học viên là người khuyết tật; Mức 40% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với lớp hòa nhập có từ 10% đến dưới 20% học viên là người khuyết tật; Mức 45% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với lớp hòa nhập có từ 20% đến dưới 30% học viên là người khuyết tật;
Nghị định số 113/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2016
6. Người lao động đi XKLĐ được tham gia BHXH bắt buộc.
Nghị định 115/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc với các quy định về một số chế độ của BHXH bắt buộc, nêu rõ người lao động được quy định tại Luật “Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo với các hợp đồng sau:
Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề;
7. Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú nhận trợ cấp khó khăn
Nghị định 109/2015/NĐ-CP về hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn.
Theo đó, đối tượng được áp dụng là nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được nhà nước phong tặng thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở do Chính phủ quy định (tại thời điểm ban hành Nghị định này là 1.150.000 đồng).
Mức hỗ trợ bao gồm:
Mức 1.000.000 đồng áp dụng đối với đối tượng quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 2 Nghị định 109/2015/NĐ-CP thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng dưới 50% mức lương cơ sở.
Mức 850.000 đồng áp dụng đối với đối tượng sau: Đối tượng quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều 2 Nghị định này thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng từ 50% mức lương cơ sở đến dưới mức lương cơ sở; Đối tượng quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 2 Nghị định này thuộc hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người hàng tháng dưới 50% mức lương cơ sở.
Mức 700.000 đồng áp dụng đối với đối tượng quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 2 Nghị định này thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng từ 50% mức lương cơ sở đến dưới mức lương cơ sở.
Ngoài ra, đối tượng nhận trợ cấp còn được hưởng các chế độ về bảo hiểm y tế và hỗ trợ chi phí mai tang.
Nghị định 109/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2016.
8. Học nghề dưới 3 tháng, nhận hỗ trợ tối đa 6 triệu đồng
Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 28/9 quy định việc hỗ trợ đào tạo người lao động tham gia học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Mức hỗ trợ cao nhất là 6 triệu đồng, trường hợp ở xa 15 km sẽ được hỗ trợ thêm 200.000 đồng/khóa.
Quyết định 46/2015/QĐ-TTg điều chỉnh đối tượng phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật tham gia học các chương trình đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng. Trong đó ưu tiên người khuyết tật và người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Mức hỗ trợ chi phí đào tạo:
Mức tối đa 6 triệu đồng/người/khóa học: Người khuyết tật.
Mức tối đa 4 triệu đồng/người/khóa học: Người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Mức tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học: Người dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm, ngư dân.
Mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học: Người thuộc hộ cận nghèo.
Mức tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học: Người học là phụ nữ, lao động nông thôn không thuộc các đối tượng quy định của Điều này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.
9. Thay đổi cách tính lương hưu
Từ 1/1/2016, luật BHXH năm 2014 sẽ có hiệu lực. Tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 của Luật BHXH năm 2014 sẽ được tính như sau:
Người lao động nghỉ hưu từ ngày 1/1/2016 đến trước ngày 1/1/2018, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%.
Lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Lao động nam nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với số năm đóng BHXH theo bảng dưới đây, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%.
Mốc tuổi để tính số năm nghỉ hưu trước tuổi làm cơ sở tính giảm tỷ lệ hưởng lương hưu được xác định như sau:
Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 60 tuổi đối với nam và đủ 55 tuổi đối với nữ; Người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 55 tuổi đối với nam và đủ 50 tuổi đối với nữ; Người lao động làm công việc khai thác than trong hầm lò thì lấy mốc tuổi để tính là đủ 50 tuổi.
Theo Hoàng Mạnh/Dân trí
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn