Ai đang lỗ vì nông nghiệp hãy nhìn Masan để thấy làm nông đúng hướng sẽ lãi đến thế nào
Mới đây, Tập đoàn Masan (mã giao dịch MSN trên sàn HOSE) đã công bố báo cáo tài chính quý II và lũy kế 6 tháng đầu năm 2016. Doanh thu từ mảng chuỗi giá trị đạm động vật của Masan trong quý II giữ phong độ như thời gian trước khi vẫn tăng 2 con số, khiến cho lũy kế 6 tháng, tăng trưởng doanh thu mảng này là hơn 200% so với cùng kỳ.
Rõ ràng, những thông tin này đã giúp mảng kinh doanh đạm động vật của tập đoàn Masan trở thành một hiện tượng đáng được nhắc đến, trong hơn 250 công ty hoạt động trong lĩnh vục nông, lâm nghiệp và đang có tổng lỗ lũy kế đến hơn 1000 tỷ đồng, theo phát biểu từ Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn mới đây.
Các doanh nghiệp làm nông vẫn khó khăn
Hiện tại, cứ 100 doanh nghiệp thì chưa có nổi 1 doanh nghiệp làm nông nghiệp. Ít là vậy nhưng tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp làm nông cũng đang rất khó khăn.
Trong buổi hội nghị sơ kết công tác sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp năm 2015 – 2016 tổ chức tháng 7 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn đã công bố một con số giật mình rằng, tổng lỗ lũy kế các công ty nông, lâm nghiệp tính đến cuối năm 2015 lên đến gần 1.100 tỷ đồng. Cá biệt, có công ty lỗ tới hơn 330 tỷ đồng.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm rằng hiện đã có tới 8 công ty nông nghiệp và 2 công ty lâm nghiệp bị buộc phải giải thể do lỗ lũy kế vượt quá 3/4 vốn chủ sở hữu.
Cũng theo báo cáo từ hội nghị, tình hình công nợ của các công ty nông, lâm nghiệp cũng đang ở mức rất báo động khi tổng dư nợ tại tổ chức tín dụng là gần 6.500 tỷ đồng, tính đến hét quý I/2016. Trong đó tổng số nợ xấu là lên đến gần 39 tỷ động.
Masan lãi “riêng một góc trời”
Ngược với các doanh nghiệp làm nông đang lỗ ở trên, Masan lại đang thu lãi rất to từ bán cám, là mảng hoạt động liên quan đến nông nghiệp duy nhất của tập đoàn này.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, Masan đã nâng sở hữu của mình tại Anco và tại Vissan. Những thương vụ M&A này đã thể hiễn rõ ý đồ của tập đoàn này là muốn khép kín chu trình sản xuất, qua đó trở thành công ty hàng đầu trong ngành đàm động vật.
Mua bán và sáp nhập xong, Masan thu doanh thu tới 11.051 tỷ đồng từ đạm động vật. So với cùng kỳ năm trước, đây là mảng có tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong ba mảng kinh doanh chính của Masan.
Tuy mới thành lập vào tháng 4/2015 năm ngoái, nhưng hiệu quả kinh doanh đạm động vật của Masan đã tạo ra một bất ngờ lớn, khác hẳn những khó khăn mà các doanh nghiệp làm nông đang gặp phải.
Cuối năm 2015, bán cám từng mang về cho Masan hơn 14.000 tỷ, chiếm luôn phân nửa tổng doanh thu, áp đảo mảng ngành hàng tiện dụng và khai khoáng. Giữ phong độ, sang quý I/2016, đóng góp của bán cám tăng tới tới gần 60% trong tổng doanh thu của tập đoàn.
Chứng khoán Bản Việt từng nhận định rằng Masan Nutri Science sẽ tiếp tục đạt kết quả cao hơn so với trung bình toàn ngành chăn nuôi trong những năm tới. Doanh thu bán cám được dự đoán sẽ tăng với tốc độ 30% trong năm 2016 này và tỷ trọng đóng góp vào doanh thu toàn tập đoàn được dự đoán là hơn một nửa, vượt trội so với những mảng còn lại.
Masan đang chứng minh “không phải cứ làm nông nghiệp là... để từ thiện”?
Rõ ràng, Masan hay Masan Nutri Science (công ty con kinh doanh mảng đạm động vật của tập đoàn Masan) đang chứng minh một điều ngược lại với các doanh nghiệp cùng ngành. Đó là nông nghiệp, nếu biết lựa chọn chính xác, thì đây vẫn là một mảnh đất vàng cho các doanh nghiệp Việt để thu lãi nghìn tỷ.
Lựa chọn chính xác đầu tiên của Masan chính là việc tập trung vào ngành đạm động vật trong nước, vốn có giá trị tới 18 tỷ USD. Ngành này được dự báo sẽ tăng trưởng rất nhanh cùng với tốc độ tăng của thu nhập khả dụng tại Việt Nam.
Lựa chọn chính xác thứ hai của Masan là đã tập trung vào mảng cám heo với cám Bio – zeem chính là sản phẩm chủ lực.
Hiện nay, Việt Nam nằm trong top 10 các nước sản xuất và tiêu thụ nhiều thịt heo nhất trên thế giới. Lựa chọn thịt heo là sản phẩm chính, với lợi thế về vốn, Masan đã dễ dàng vươn lên vị trí nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi heo hàng đầu, trở thành đối tác chiến lược của nhiều công ty chế biến và cung cấp các sản phẩm từ thịt lớn nhất Việt Nam.
Sản lượng từ bán cám heo của Masan chiếm đến 63,2% tổng sản lượng đầu năm 2016. Chỉ riêng sản phẩm chủ lực Bio – zeem cũng đã đóng góp 36,1% vào tổng doanh thu mảng đạm động vật. Cám heo giờ đây trở thành mặt hàng mang về biên lợi nhuận cao nhất trong các mặt hàng thức ăn chăn nuôi mà Masan đang bán.
Trong tương lai, người tiêu dùng Việt Nam sẽ đòi hỏi cao hơn về vệ sinh an toàn sản phẩm, giá cả phải chăng và thực phẩm truy xuất nguồn gốc. Việc Masan thâu tóm các công ty khác để tạo ra một chuỗi sản xuất đạm động vật khép kín khi đó sẽ phát huy hiệu quả, giúp Masan từ một “đại gia mì gói, nước chấm” chuyển dần dần sang một “ông lớn làm nông nghiệp”.
Vượng Lê
Theo Trí Thức Trẻ
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn