36 xã và 2/4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
Ông Nguyễn Ngọc Hè - Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh văn phòng điều phối xây dựng NTM TP.Cần Thơ cho biết, sau gần 10 năm thực hiện, 36 xã và 2/4 huyện của thành phố đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Đường giao thông nông thôn ở ấp Thầy Ký, huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Xây
"Hiện tất cả các xã đều có đường giao thông kết nối với trung tâm huyện, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, giúp thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 45,5 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 3 lần so năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 giảm còn 2,06%. Hiện mạng lưới điện quốc gia đã bao phủ 100% số xã, 99% hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh,..." - ông Hè nói.
Theo ông Hè, thời gian qua, chương trình xây dựng NTM được phát động sâu rộng, sôi nổi, huy động được nguồn lực lớn trong nhân dân. Nhiều hộ dân ở nông thôn đã chủ động hiến đất, đóng góp ngày công lao động và tiền của để làm đường giao thông, xây cầu, nạo vét kinh thủy lợi và các công trình phúc lợi khác. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng mạnh dạn đầu tư trong sản xuất kinh doanh, tiêu thụ nông sản, giải quyết việc làm, góp phần tăng thu nhập cho lao động nông thôn.
Ông Đoàn Trung Kiên - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết: "Vĩnh Thạnh là huyện thứ 2 của thành phố được Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM vào tháng 8 vừa qua. Để đạt được kết quả nêu trên, ngành chức năng địa phương đã đồng tâm hiệp lực huy động mọi nguồn lực đầu tư. Trong từng giai đoạn, chúng tôi phải xác định tiêu chí trọng tâm, trọng điểm cần tập trung thực hiện trước. Từ đó phân kỳ đầu tư, bố trí vốn và chỉ đạo tổ chức thực hiện hợp lý, đúng kế hoạch đề ra".
Phấn đấu 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025
Theo lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh, công tác xây dựng NTM là việc làm thường xuyên, liên tục và lâu dài. Vì vậy, huyện vẫn tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng xã NTM, hướng đến xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Thu nhập bình quân trên đầu người ở TP.Cần Thơ tăng gấp 3 lần so năm 2011 (Ảnh: Huỳnh Xây)
"Mục tiêu của việc xây dựng NTM là cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Do đó, chúng tôi luôn đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng, trong đó chú ý phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả. Đồng thời, đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất, nhất là các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã" - ông Kiên chia sẻ.
Trên cơ sở những kết quả đạt được, huyện Phong Điền - huyện đầu tiên của TP.Cần Thơ được Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM tiếp tục gắn chặt với việc thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU của Thành ủy về xây dựng và phát triển huyện Phong Điền thành huyện đô thị sinh thái.
Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền nói: "Phong Điền có lợi thế phát triển vườn cây ăn trái gắn với du lịch sinh thái. Theo đó, huyện sẽ tập trung hình thành và phát triển vùng đô thị sinh thái, tạo nhiều sản phẩm du lịch về đặc trưng sinh thái…".
Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM vừa tổ chức mới đây, TP.Cần Thơ định hướng từ nay đến năm 2025, phấn đấu có 15/36 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (42% số xã), 9/36 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 100% số huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM.
Ngoài ra, TP.Cần Thơ khuyến khích các huyện đã được công nhận trong giai đoạn 2016-2020 tiếp tục phấn đấu trở thành huyện NTM kiểu mẫu.
Để đạt được định hướng trên, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng yêu cầu các địa phương tiếp tục xem việc xây dựng NTM là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, các địa phương phải đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tiếp tục nâng cao thu nhập cho người dân. Riêng huyện Thới Lai và huyện Cờ Đỏ, ông Dũng yêu cầu cố gắng hoàn thành sớm các nhiệm vụ, chỉ tiêu, tiến tới ra mắt huyện NTM Thới Lai vào quý I năm 2020 và huyện NTM Cờ Đỏ vào quý II năm 2020. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn