Cầu cập tàu kiểm soát Trạm KSBP Cổ Lũy làm chủ đầu tư. |
Nổi bật trong các sự kiện đó là 3 dự án cầu cập tàu kiểm soát biên phòng Bình Châu, Sa Kỳ và Cổ Lũy, phục vụ cho nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, tìm kiếm cứu nạn và phát triển kinh tế với tổng vốn đầu tư 12 tỉ đồng. Sau 2 năm đưa vào sử dụng đã phát huy tác dụng tốt. Hằng ngày, mỗi cầu tàu đón hàng trăm lượt tàu thuyền ra vào, neo đậu làm thủ tục xuất bến, vận chuyển hải sản lên bờ tiêu thụ... Có mặt tại cửa biển Cổ Lũy từ lúc trời vừa hửng sáng, được tận mắt chứng kiến không khí nhộn nhịp trên bến, dưới thuyền ở công trình tiêu biểu này, mới cảm nhận được hết ý nghĩa của dự án nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng "nền biên phòng toàn dân".
Trung úy Nguyễn Thanh Nam, Trạm trưởng Trạm KSBP Cổ Lũy cho biết: Trước đây, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ kiểm soát hành chính vô cùng khó khăn, ngư dân hành nghề trên biển ra vào trạm không thể kiểm tra, kiểm soát, nắm tình hình chặt chẽ được. Từ ngày xây dựng công trình này, lưu lượng tàu, thuyền ra vào buôn bán, khai thác hải sản tăng lên, ngư dân chấp hành nghiêm thủ tục đăng ký, kiểm chứng. Thông qua bà con, đơn vị nắm được tình hình, vụ việc xảy ra trên biển phục vụ cho công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo của tỉnh, đồng thời tuyên truyền cho người dân hiểu rõ các chính sách, pháp luật liên quan đến biển, đảo, các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, hỗ trợ chia sẻ thông tin, động viên ngư dân yên tâm ra khơi đánh bắt, tham gia bảo vệ chủ quyền.
Ông Đỗ Môn, quê ở Nghĩa An, Tư Nghĩa, Thuyền trưởng tàu QNg 22562TS, cho biết: Cửa biển Cổ Lũy thường xuyên bị bồi lấp, tàu thuyền đi lại nguy hiểm, lại không có nơi cập tàu. Trước đây, khi ra khơi đánh bắt trở về, tôi thường cho tàu vào cảng Kỳ Hà (Quảng Nam) hoặc Quy Nhơn (Bình Định) để bán, vừa đi xa vất vả, vừa tổn phí xăng dầu. Từ ngày BĐBP xây cầu tàu, ngư dân chúng tôi không phải đi xa, về đến bến bán sản phẩm rồi về nhà nghỉ ngơi và chuẩn bị nhiên liệu cho chuyến đi biển tiếp theo.
Tại Trạm KSBP Sa Kỳ, nơi tập trung số lượng lớn tàu thuyền từ các địa phương như Bình Châu, Tịnh Khê, Tịnh Kỳ, Lý Sơn và tàu thuyền ngoại tỉnh đến làm ăn, buôn bán, neo đậu tránh trú bão, ông Ngô Văn Dũng, quê Bình Châu, Bình Sơn, Thuyền trưởng tàu QNg 90036TS nói: Từ ngày xây dựng cầu tàu, ra vào làm thủ tục xuất, nhập phương tiện, tôi yên tâm hơn, không còn cảnh tàu thuyền va đập, tông nhau như ngày xưa, trật tự bến bãi được sắp xếp ổn định, luồng lạch lúc nào cũng thông thoáng, nhiều phương tiện có thể làm thủ tục đăng ký, kiểm chứng cùng một lúc, không phải chờ đợi lâu. Hiệu ứng tích cực của công trình không những tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm quốc phòng, an ninh của lực lượng Biên phòng mà từ đây, các dịch vụ hậu cần nghề cá như xăng dầu, ngư lưới cụ, thu mua hải sản, đá lạnh, nhu yếu phẩm và nhiều dịch vụ khác cũng phát triển theo, tạo điều kiện cho nhân dân buôn bán, trao đổi hàng hóa, nâng cao thu nhập, động viên bà con phấn khởi tích cực tham gia mọi hoạt động của địa phương.
Đánh giá việc BĐBP Quảng Ngãi tham gia phát triển kinh tế - xã hội, gắn với quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, Thượng tá Huỳnh Tấn Phiến, Chủ nhiệm Hậu cần BĐBP tỉnh cho rằng, đây là một chủ trương lớn, thiết thực, có tính lâu dài và là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của đơn vị. Trong thời gian tới, BĐBP Quảng Ngãi tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh giao cho BĐBP làm chủ đầu tư, khai thác các công trình mang tính phục vụ cộng đồng, phục vụ dân sinh, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo bền vững, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần xây dựng khu vực biên giới biển của tỉnh vững mạnh về mọi mặt.
Văn Tánh
Theo bienphong.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn