Nỗ lực nhiều...
Đồng chí Hoàng Thu Trang, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn cho biết: 5 năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, quân và dân trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có những nỗ lực rất lớn trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Thực hiện chương trình này, bộ mặt nông thôn ở Bắc Kạn đã có nhiều đổi mới, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện.
Đoàn công tác của Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn giúp đồng bào Mông thôn Khuổi Sáp, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn thu hoạch lúa vụ Xuân Hè năm 2016. Ảnh: Hà Nam Trang
Theo báo cáo của UBND tỉnh: Trong 5 năm qua, với tổng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là 93.420 tỷ đồng, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 192 công trình giao thông nông thôn với tổng chiều dài 103,3km. Từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ và thực hiện các chương trình lồng ghép, toàn tỉnh thực hiện được 90 công trình với 91,8km kênh mương nội đồng, 2,84km kè; nạo vét, tu sửa được 10,3km kênh mương và xây dựng mới 3 trạm bơm. Đồng thời, đầu tư cải tạo 105,7km đường điện, xây mới trạm biến áp, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia lên 94%. Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mới 4 chợ nông thôn, cải tạo nâng cấp 19 điểm phục vụ bưu chính viễn thông. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 104/112 xã có internet (đạt 92,8%), 84 xã đạt tiêu chí về bưu điện, 40 xã đạt tiêu chí về thủy lợi...
Chung sức cùng bà con các dân tộc tỉnh Bắc Kạn xây dựng NTM, hơn 5 năm qua, các đơn vị quân đội trên địa bàn tỉnh đã huy động hàng nghìn ngày công để giúp đỡ nhân dân làm đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng và tư vấn cách làm ăn.
Đồng chí Phan Thị Na, Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Kạn đã kể cho chúng tôi nghe về mô hình “4 cùng” rất có hiệu quả tại tỉnh. Hằng quý, ba cơ quan là Bộ CHQS tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy và Hội Nông dân tỉnh đều tổ chức các tổ công tác xuống cơ sở “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) với bà con tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Với thời gian 15 ngày, tổ công tác này đã phát huy hiệu quả tích cực, vừa tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, vừa “cầm tay, chỉ việc” hướng dẫn bà con cách làm kinh tế gia đình. Bộ CHQS tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng tặng địa phương 6 nhà văn hóa thôn, 24 nhà tình nghĩa cho những hộ đặc biệt khó khăn và nhận đỡ đầu xây dựng xã Trung Hòa (huyện Ngân Sơn) trở thành xã NTM. “Có thể khẳng định rằng cứ ở đâu có những khó khăn vất vả, hoạn nạn là các anh Bộ đội Cụ Hồ sẵn sàng có mặt. Chính vì thế mà bà con rất tin tưởng, yêu quý các anh bộ đội” - Đồng chí Phan Thị Na nhấn mạnh.
...Nhưng đích vẫn còn xa
Tuy có những nỗ lực rất lớn, nhưng đích đến NTM của Bắc Kạn vẫn còn khá xa. Đến nay, toàn tỉnh chưa có xã nào đạt đủ 19 tiêu chí của NTM, hiện mới chỉ có 2 xã đạt 15-16 tiêu chí; 29 xã đạt 10-14 tiêu chí; 73 xã đạt 5-9 tiêu chí. Đặc biệt vẫn còn 6 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Năm 2015, tỉnh phấn đấu có xã đầu tiên đạt NTM nhưng mục tiêu này không hoàn thành. Năm nay tỉnh đang chỉ đạo quyết liệt việc xây dựng 4 xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới gồm: Xã Quân Bình, Cẩm Giàng (huyện Bạch Thông), xã Cao Trĩ (huyện Ba Bể) và xã Cường Lợi (huyện Na Rì), nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có xã nào cán đích.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân dẫn đến việc xây dựng NTM ở Bắc Kạn chậm hơn so với các địa phương khác có nhiều, trong đó có nguyên nhân từ việc ngân sách Trung ương phân bổ còn quá thấp so với nhu cầu, ngân sách địa phương còn hạn hẹp, việc huy động các tổ chức và nhân dân đóng góp còn hạn chế. Cán bộ cơ quan thường trực ban chỉ đạo, cán bộ chuyên trách các cấp còn thiếu và yếu, chủ yếu là kiêm nhiệm, công tác phối hợp thực hiện chưa hiệu quả; năng lực quản lý đầu tư xây dựng của cấp xã còn hạn chế, việc lựa chọn mô hình sản xuất thường chưa sát với mục tiêu của đề án...
Bắc Kạn có diện tích khá rộng, nhưng dân số lại ít nhất cả nước. Nếu so sánh với tỉnh Bắc Ninh (cùng trong Quân khu 1) thì dân số của Bắc Kạn chưa bằng một phần ba, nhưng diện tích của Bắc Kạn lại lớn gấp 6 lần diện tích của Bắc Ninh. Nếu cứ phân bổ ngân sách Trung ương cho địa phương theo số dân thì bao giờ Bắc Kạn cũng được nhận thấp nhất cả nước. Đã vậy, ngân sách địa phương lại quá nhỏ nhoi. Tổng thu ngân sách của cả tỉnh Bắc Kạn trong 6 tháng đầu năm 2016 chỉ được 230 tỷ đồng. Trong khi đó tại Bắc Ninh, chỉ tính riêng các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn đã nộp ngân sách Nhà nước 3.700 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước của Bắc Kạn trong 6 tháng đầu năm 2016 còn nhỏ hơn một phần mười số tiền mà Nhà máy Samsung ở Thái Nguyên nộp vào ngân sách Nhà nước trong năm 2015.
Cần thay đổi cách thức đầu tư và tiêu chí NTM
Khảo sát thực tế tại Bắc Kạn, chúng tôi thấy rằng, Bộ tiêu chí xây dựng NTM được xây dựng và đang áp dụng cho mọi địa phương trên cả nước, nhưng đối với các tỉnh miền núi thì còn nhiều điều chưa phù hợp với thực tế. Điển hình là tiêu chí nhà văn hóa. Rất nhiều thôn, bản của Bắc Kạn chỉ có từ 10 đến 30 hộ. Vì thế, việc xây dựng nhà văn hóa cũng chỉ cần sức chứa khoảng từ 30 đến 70 chỗ ngồi là đủ, nhưng nếu làm như vậy lại chưa đúng với tiêu chí của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Nếu làm theo đúng tiêu chí thì sẽ rất lãng phí, dư thừa so với nhu cầu sử dụng. Hay như tiêu chí đường giao thông nông thôn, nếu giữ quy định mặt đường rộng 3m sẽ khiến nhiều nơi trên tỉnh Bắc Kạn khó thực hiện vì địa hình núi đá, xây dựng đường rất khó mà nếu muốn xây dựng được thì sẽ cần rất nhiều kinh phí để phá núi, mở đường...
Mục tiêu lớn nhất của việc xây dựng NTM là nâng cao đời sống của người dân, muốn làm được điều này thì phải có giải pháp tìm “đầu ra” cho nông sản, điều này ở Bắc Kạn còn lúng túng. Huyện Chợ Mới đang vận động người dân trồng mía, nhưng cả vùng lại chưa có nhà máy chế biến nên việc tiêu thụ mía hoàn toàn phải dựa vào tiểu thương ở các tỉnh khác...
Một đồng chí lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn tâm sự với tôi rằng: “Ước gì Bắc Kạn ở sát biên giới như Cao Bằng, Lạng Sơn để được hưởng các chính sách an sinh xã hội như các tỉnh biên giới, hoặc có vị trí địa lý thuận lợi như Thái Nguyên để thu hút đầu tư”.
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, bên cạnh sự nỗ lực của địa phương là chủ yếu, Bắc Kạn rất cần sự chung tay giúp sức của Trung ương và đồng bào cả nước. Bên cạnh việc phân bổ ngân sách Nhà nước theo số dân, cũng cần phải xem xét thêm yếu tố diện tích, vị trí quy hoạch quốc phòng-an ninh. Mặt khác, cần phải thay đổi cơ chế chính sách đầu tư xây dựng NTM, thay đổi tiêu chí xây dựng NTM để không có sự chênh lệch giữa các địa phương trong cả nước khi thực hiện mặt bằng chung về xây dựng NTM.
Theo ĐỖ PHÚ THỌ/qdnd.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn