Là một nông dân “Hai lúa” chính gốc, không hề học qua bất cứ trường lớp nào về cơ khí, máy móc… thế nhưng lão nông Nguyễn Văn Sáng (Tư Sáng) 67 tuổi, ngụ phường 1, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang lại là người chế tạo thành công nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp hiệu quả. Máy của ông giúp nhiều nông dân tiết giảm chi phí và công lao động nên ai cũng mê. Mới đây, lão nông Tư Sáng là đại diện duy nhất của tỉnh Hậu Giang được trao giải “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2016.
TÁC PHẨM DỰ THI CUỘC THI
“BÁO CHÍ VIẾT VỀ NÔNG THÔN MỚI GẮN VỚI CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP" GIAI ĐOẠN 2017-2020
Tác giả: Huỳnh Uyên, Tạp chí Nông thôn Việt
Chế tạo máy cho… bớt cực
Nhà sáng chế “Hai lúa” Tư Sáng được rất nhiều người trong tỉnh Hậu Giang biết đến, bởi ông là người nhiều năm lăn lộn với nông dân khắp các cánh đồng trong tỉnh. Ông kể: “Tôi lớn lên bên dòng kênh xáng Xà No, gia đình đông anh em, kinh tế khó khăn nên học hành chưa đến đâu đã nghỉ. Vừa làm ruộng, vừa làm thuê để tích lũy tiền mua thêm đất đai mở rộng sản xuất. Ruộng nhiều, cơ cực lại tăng thêm, bởi hầu hết các khâu canh tác lúa, từ sạ lúa, chăm sóc, phun xịt, cắt lúa, vận chuyển về nhà…đều dựa vào sức người, mà tay chân là chủ yếu. Hồi đó, sợ nhất là vụ hè thu, vì thường hay gặp mưa bão khiến lúa bị đổ ngã, việc thu hoạch vô cùng khó khăn. Đến khi phơi lúa càng vất vả bởi mưa gió liên miên, nhiều khi lúa bị lên mộng kêu bán thương lái không mua, buộc lòng phải cho vịt ăn…”.
Từ những nhọc nhằn của bản thân và bà con xung quanh, ông Tư Sáng nảy sinh ý định sáng chế chiếc máy xúc lúa để giảm sức lao động và tránh bị mưa làm ướt. Năm 2004, ông dành nhiều thời gian để đi quan sát các máy suốt lúa, máy gặt đập liên hợp… nhằm tìm ra công thức chế tạo máy xúc lúa. Do không có chuyên môn về cơ khí và trên thị trường thời điểm đó cũng không có “mẫu” về máy xúc lúa, vì vậy nhiều cơ sở cơ khí đành “bó tay” không giúp được gì cho Tư Sáng. Khó khăn vô cùng, nhưng hình ảnh nông dân xúc lúa bằng tay giữa trời mưa, xúc lúa vô bao từ các lò sấy nóng hầm hập khiến mồ hôi ướt cả áo… đã thôi thúc ông Sáng nỗ lực hơn.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng hình ảnh “chiếc khoan” nhả lúa vào miệng bao trên máy suốt lúa và máy gặt đập liên hợp, đã gợi cho ông ý tưởng. Ông tự tay vẽ mẫu mã, rồi đi mua sắt, mua cưa… về cắt làm khung. Ông làm bộ phận xúc lúa là một mũi khoan bự đặt trong ống tròn, lấy lúa từ dưới lên theo hình xoắn ốc khi trục khoan quay. “Phải làm đi, làm lại hàng chục lần, tốn kém không biết bao nhiêu sắt, thép, dụng cụ…mãi đến đầu năm 2008 chiếc máy xúc lúa đầu tay mới ra đời. Máy làm bằng sắt và tôn, được gắn mô tơ điện 3 mã lực, công suất xúc lúa vào bao từ 10-12 tấn/giờ”- Tư Sáng kể lại. Theo ông Sáng, nếu như ngày trước việc xúc bằng thủ công phải cần tới 4 người, làm trong 5 giờ liền mới xong khoảng 10-12 tấn lúa; thì chiếc máy của ông chỉ cần 2 người vận hành trong 1 giờ là xong, chi phí về nhiên liệu chỉ tốn có 3Kw điện.
Ngoài ra, ông còn sáng chế chiếc máy cào lúa, chỉ cần 1 người điều khiển nhưng hiệu suất lao động tương đương 4 người cào bằng tay. Đặc biệt, các lò sấy rất mê máy cào lúa bởi không còn phụ thuộc vào việc thuê mướn lao động thủ công…
Nhiều sáng chế hữu ích
Những thành công bước đầu cùng sự động viên của gia đình và chính quyền địa phương đã tiếp thêm sức mạnh để ông Tư Sáng nảy ra nhiều ý tưởng. Ông liên tục cho ra đời máy trộn trở lúa dùng khi phơi; rồi máy hút trấu; máy phun xịt lúa…
Ông Tư Sáng cho biết: “Vụ Đông Xuân 2014, gia đình tôi canh tác 2,5ha nhưng thuê người sạ lúa mãi không được, phải mất cả tuần sau mới sạ được”. Thấy việc sạ lúa thủ công quá bất tiện nên ông quyết tâm sáng chế cho bằng được máy sạ lúa. Sau hơn 5 tháng nghiên cứu, máy sạ lúa của Tư Sáng ra đời và thử nghiệm tại xã Hỏa Lựu (thành phố Vị Thanh) với sự chứng kiến của nhiều nông dân. Kết quả, chỉ cần 1 người lái và 1 người tiếp giống vào các lưỡi quạt… thì máy có thể giúp gieo sạ từ 50-80 công (1 công = 1.000m2) ruộng mỗi ngày đối với diện tích đất nhỏ, còn những cánh đồng lớn thì có thể sạ được từ 10 đến 20 ha/ngày.
Mới đây nhất, lão nông Tư Sáng đã gây “sốt” cả vùng ĐBSCL khi cho ra đời “Nông cụ diệt cỏ” có thể diệt được 3 loại cỏ dại gồm: đuôi phụng, cỏ gạo và lúa cỏ. Tư Sáng bộc bạch: Tình trạng cỏ dại mọc ở ruộng rất nhiều, rồi những hộ sử dụng giống không đạt thì lúa thường lên chỗ cao, chỗ thấp… khiến việc phun xịt thuốc diệt cỏ rất khó khăn. Tư Sáng đã sáng chế ra chiếc gậy được làm bằng ống nước nhựa PVC dài 1,9m, bịt hai đầu để đựng thuốc diệt cỏ bên trong. Trên thân ống nhựa dài có thiết kế gắn một đoạn ống nhựa ngắn khoảng 2 tấc để làm nơi rót thuốc vào ống. Trong quá trình sử dụng thì ống được pha 1 thuốc – 1 nước, với khoảng 250ml thuốc đậm đặc. Cây được khoan 19 lỗ đục trên ống nhựa và khi lượng thuốc phun ra thấm qua lớp vải quấn trên ống nhựa sẽ dính lên cây cỏ và diệt cỏ, nhưng không ảnh hưởng tới lúa… Ưu điểm của dụng cụ này là diệt cỏ 2 tầng chết hầu như 100%, trong khi lúa không hề ảnh hưởng. Người dân tiết kiệm rất nhiều so với thuê phun xịt hoặc diệt cỏ bằng tay. Từ đầu năm 2016 đến nay nông dân các tỉnh ĐBSCL đã đặt mua hơn 600 cây dụng cụ diệt cỏ này với giá chỉ 50.000 đồng/cây.
Đến nay, đã có hàng chục loại máy móc và công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp do lão nông Tư Sáng sáng chế. Những sáng chế của ông Tư Sáng được đánh giá cao bởi giá thành rất rẻ, dễ sử dụng mà hiệu quả mang lại khá cao. Nhờ vậy, nhiều năm liền ông Tư Sáng được chọn là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh; riêng năm 2016 ông là đại diện duy nhất của Hậu Giang đạt danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. Lão nông Tư Sáng còn được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng 3, cùng nhiều bằng khen của các cấp…
Chia tay chúng tôi, ông tâm sự: “Rất trân trọng những phần thưởng mà các cấp, các ngành trao tặng, nhưng niềm vui lớn nhất vẫn là góp sức giảm bớt những nhọc nhằn của bà con nông dân, nâng cao chất lượng nông sản nước nhà, để nông sản Việt ngày càng vươn xa ra thế giới…”./.