Nhà nước hỗ trợ
Để tạo điều kiện đi lại, lưu thông hàng hóa giữa các vùng, miền trong tỉnh, những năm qua Đảng bộ và chính quyền tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng GTNT, như Quyết định số 05/2010/QĐ-UBND, ngày 19-1-2010, về việc ban hành Quy định hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình GTNT trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó các xã khu vực III được tỉnh hỗ trợ 80%; các xã khu vực II được hỗ trợ 65%; các xã khu vực I là 50% chi phí xây dựng. Tỉnh còn chủ động thu hút vốn hỗ trợ từ bên ngoài bằng các dự án đầu tư hạ tầng của các bộ, ngành T.Ư, cũng như lồng ghép nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn các chương trình mục tiêu trên địa bàn như các Chương trình xóa đói, giảm nghèo, định canh, định cư, Chương trình 135CP, Chương trình 30a,... Đồng thời quan tâm đúng mức đến nguồn vốn hỗ trợ của nước ngoài như: Bỉ, Luých-xăm-bua, WB, JBIC, các tổ chức phi chính phủ.
Đặc biệt, trên cơ sở Quyết định số 315/QĐ-BGTVT ngày 23-2-2011 của Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành các quyết định hỗ trợ xi-măng làm đường GTNT, theo đó các xã làm đường bê-tông xi-măng cấp A được hỗ trợ 200 tấn xi-măng/km, đường cấp B được hỗ trợ 150 tấn xi-măng/km, tức là chiếm khoảng 28 đến 30% tổng mức đầu tư xây dựng một tuyến đường. Nhờ cơ chế hỗ trợ xi-măng của tỉnh, từ tháng 8-2012 đến 6-2014, các địa phương đã được cấp gần 309 nghìn tấn xi-măng để làm 1.589 km đường bê-tông xi-măng.
Nhân dân đồng lòng
Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có các cơ chế, chính sách phù hợp để huy động mọi nguồn lực, trong đó vai trò chủ thể của người dân nông thôn được đặc biệt quan tâm. Trước khi triển khai xây dựng đường GTNT, chính quyền xã đã chỉ đạo thôn, bản tổ chức họp dân, tuyên truyền, phân tích để bà con hiểu rõ mục đích, ý nghĩa. Nhiều đồng chí lãnh đạo địa phương còn trực tiếp xuống đối thoại với người dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, công khai chủ trương của tỉnh trong việc hỗ trợ xi-măng làm đường GTNT. Phần lớn người dân nhận thấy việc bê-tông hóa đường nông thôn là chủ trương đúng đắn, nhiều hộ đã đồng lòng nhất trí, sẵn sàng hiến đất. Đến nay, người dân tại các huyện, thành phố trong tỉnh đã hiến hơn 5,218 triệu m2 đất để xây dựng NTM, trong đó có đường GTNT. Nhiều hộ gia đình đã lùi hàng rào, chặt bỏ cây cối, hiến hàng trăm mét đất để làm đường mà không đòi hỏi bất kỳ chế độ bồi thường nào. Một số huyện như Thanh Chương, Quỳ Hợp, Tương Dương, Con Cuông, Thái Hòa… còn vận động các công ty, doanh nghiệp, doanh nhân đóng trên địa bàn hỗ trợ vật liệu, máy móc, ngày công để làm đường GTNT cho các xóm, bản, với tổng trị giá hơn 110 tỷ đồng.
Đường thông, hàng hóa cũng thông
Có thể nói, xây dựng đường GTNT là phong trào được đông đảo người dân đồng tình, ủng hộ mạnh nhất trong các tiêu chí xây dựng NTM ở tỉnh Nghệ An thời gian qua. Vì vậy không có gì khó hiểu khi tổng vốn huy động được trong 5 năm cho xây dựng các công trình GTNT là hơn 8.520 tỷ đồng, thì vốn huy động nhân dân đóng góp đã là 1.674 tỷ đồng (chiếm 19,6%); ngân sách T.Ư giao 2.024 tỷ đồng; địa phương đóng góp gần 3.700 tỷ đồng, số còn lại là vốn ODA và các nguồn vốn khác hơn 1.200 tỷ đồng. Nhờ đó các địa phương trong tỉnh đã xây mới, sửa chữa được hơn 300 cầu lớn, nhỏ; gần 3.200 km đường huyện, xã, và đường thôn, xóm (bản); và nâng cấp hơn 3.430 km đường các loại. Từ chỗ không có xã nào đạt chuẩn tiêu chí về GTNT, đến nay đã có 83 xã đạt tiêu chí này. Quan trọng hơn, giao thông thuận lợi đã tạo điều kiện cho việc đi lại, trao đổi nông sản hàng hóa ngày càng thuận lợi, góp phần tăng thu nhập cho người dân nông thôn miền núi xứ Nghệ.
Nói vậy không có nghĩa là GTNT Nghệ An đã thông suốt. Với tình hình thực tế của một tỉnh miền núi có nhiều xã còn khó khăn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, mật độ dân cư thưa thớt, các tuyến GTNT hiện chiếm hơn 80% tổng chiều dài đường bộ trong tỉnh, việc huy động các nguồn lực trong dân vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, nhất là tiêu chí về giao thông đòi hỏi nguồn lực rất nhiều. Do đó, trong thời gian tới, bên cạnh sự nỗ lực của địa phương, nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh Nghệ An cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành sớm phê duyệt đề án huy động vốn hỗ trợ cứng hóa mặt đường GTNT bằng bê-tông xi-măng trong Chương trình xây dựng NTM. Tiếp tục quan tâm hỗ trợ xây dựng hệ thống đường giao thông miền núi của tỉnh; đường từ trung tâm xã đến các thôn, bản vùng cao; xây dựng cầu cứng thay thế bến đò và cầu treo tạm bợ qua sông suối vào các bản vùng sâu, vùng xa.
Theo: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn