Hăm hở mùa nghêu mới
Dòng người tham gia cào nghêu giống đông nhất ở làng chài ấp Kinh Đào Tây, đối diện trung tâm hành chính của xã Đất Mũi. Dân xóm ấy cất nhà tựa lưng vào những vạt rừng phòng hộ, mặt trước ngó ra con sông Rạch Tàu ăn thông ra Biển Đông.
Mùa này nước kiệt, con lộ bê-tông độc đạo trong xóm không bị ngập như trước; nhiều căn nhà đã được thay vách lá bằng vách thiết, còn mới toanh. Hỏi ra mới biết, hơn tháng nay, nghêu giống xuất hiện ven bãi biển Khai Long, bà con cào nghêu có tiền sửa sang nhà cửa trước khi mưa sòng ập đến. Nơi đây, gần 50% trong tổng số hơn 200 hộ dân của ấp sinh kế nhờ "ăn mót" sản vật ven rừng, ven biển, như: bắt ốc len, giăng lưới mé, nhất là cào nghêu. Vì lẽ đó, trước đây khi tới làng chài Kinh Đào Tây, nhiều người còn gọi là "xóm nghêu tặc". Cái tên bất đắc dĩ ấy vẫn còn nhưng giờ ít ai gọi nữa. Đơn giản, chính quyền địa phương đã cho dân khai thác nghêu giống, không cấm đoán như trước.
Gặp lại lần này, anh Lê Văn Bon, vui mừng cho hay, bãi nghêu Khai Long đã bình yên, khai thác giống an ninh trật tự, không còn cảnh tranh giành như trước. "Tôi đi cào nghêu được hai con nước, thu nhập hơn sáu triệu đồng", anh Bon hồ hởi cho hay và thú thiệt rằng, phải chi hồi trước được "tự do" như vầy thì hai đứa em vợ của anh không làm "nghêu tặc". Nắm bắt thời cơ, nhiều hộ dân trong vùng đào ao, khoanh ương nghêu giống bán kiếm lời. Đại diện cán bộ xã Đất Mũi cho biết, nghêu giống xuất hiện ở "bãi vàng" hồi cuối tháng 4. Vào cao điểm, có hơn 500 phương tiện với hàng nghìn người tham gia cào nghêu. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có vụ việc tranh giành, xung đột phức tạp xảy ra ở bãi nghêu. "Nguồn lợi tự nhiên từ biển ban tặng ấy giúp cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn và nhân dân một số xã lân cận có thêm sinh kế, thu nhập, cải thiện cuộc sống", Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi Võ Công Trường cho biết.
Vụ đầu sau khi hợp nhất HTX
Một phần lớn mặt nước ven biển Khai Long giờ đây do HTX nuôi nghêu Đất Mũi quản lý, khai thác sau ngày chính quyền địa phương hợp nhất 16 HTX nuôi nghêu kém hiệu quả ở Đất Mũi thành một HTX vào giữa tháng 5-2013. Ông Tư Sánh (Lê Phú Sánh), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đất Mũi cùng 15 thành viên khác cả đời gắn bó với mảnh đất cuối cùng cực nam Tổ quốc tham gia vào Hội đồng quản trị, ban chủ nhiệm HTX nuôi nghêu Đất Mũi, quyết tâm vực dậy tiềm năng kinh tế từ con nghêu. Không ngồi đợi hỗ trợ, ngay khi thành lập, các thành viên Hội đồng quản trị vận động 1.409 xã viên tham gia nhưng chỉ một số ít hộ xã viên chịu hùn vốn, số tiền thu về chỉ khoảng 100 triệu đồng. Vì vậy, ông Tư Sánh đã cùng cộng sự ngồi lại, tìm rõ nguyên nhân vì sao xã viên còn hoài nghi, không mặn mà với loại hình kinh tế tập thể này và biết được do xã viên chưa tin tưởng vào quản lý, điều hành của ban chủ nhiệm mới. Sau nhiều lần vận động, thuyết phục, 129/1.409 xã viên trong HTX chịu tham gia hùn vốn, được 5 tỷ đồng. Nhờ số tiền ấy mà cuối quý III-2014, HTX mua được 150 tấn nghêu giống (hết 3,8 tỷ đồng) ở Cần Giờ, Tiền Giang, Bến Tre về thả xuống vùng nghêu, chia thành mười "tổ nuôi nghêu cộng đồng". Sau thời gian quản lý, bảo vệ, nghêu lớn dần. Đến cuối tháng 5 vừa qua, HTX thu hoạch dạng "tỉa thưa", xuất bán được 40 tấn nghêu lớn, thu về 800 triệu đồng và dự kiến sẽ thu hoạch dứt điểm vụ nghêu thương phẩm vào cuối năm 2015 này.
Từ căn chòi canh nghêu của ông Tư, phóng tầm mắt ra chung quanh, có hơn mười chòi canh tương tự, lúc nào cũng có các thành viên trong đội bảo vệ của HTX túc trực, từ hai đến ba người/chòi canh. Đêm xuống, một vài chòi còn cử người chạy xuồng ra tận ranh giới vùng nuôi được rào chắn bằng kẽm gai để kiểm tra, tiện thể cảnh báo người lạ không được vào khu nuôi nghêu thương phẩm. Trong số 3.000 ha mặt nước mà HTX nuôi nghêu Đất Mũi đang quản lý, khai thác hiện chỉ mới khoanh nuôi có 100 ha. Diện tích còn lại để xã viên trong HTX tự do cào nghêu, ương nghêu giống. Cách làm để cộng đồng cùng hưởng lợi ấy góp phần giúp xã viên có thêm công ăn việc làm, thu nhập, bảo vệ bình yên "bãi vàng" Khai Long.
Bài và ảnh Công Minh
Theo: nhandan.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn