Theo ông Tạo, vai trò lớn nhất của báo chí đối với Tân Thịnh vẫn là đào tạo nghề gắn với phát triển sản xuất mô hình và nhân rộng mô hình.
Tham gia tích cực
Ông Mê Văn Đạt, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Đàm Thủy (Trùng Khánh - Cao Bằng) tâm sự, đến nay xã vẫn chưa được phê duyệt Đề án XDNTM vì đang phải chờ đồ án du lịch thác Bản Giốc và đề án nâng từ xã thành thị trấn du lịch nhưng xã đã đạt 8/19 tiêu chí. Kết quả này có vai trò rất lớn của báo chí trong việc tuyên truyền giúp người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức về NTM, từ đó giúp xã kêu gọi sự hỗ trợ của doanh nghiệp, nhà hảo tâm, sự đóng góp của nhân dân thông qua ngày công lao động, hiến đất mở đường giao thông. Vừa rồi xã mở rộng Trường mầm non thác Bản Giốc, đã có 5 hộ tự nguyện hiến 2.293m2 đất và nhiều hộ khác đóng góp bằng tiền mặt.
Là xã điểm XDNTM của Trung ương, khi triển khai thực hiện, Tân Thịnh (Lạng Giang - Bắc Giang) gặp không ít khó khăn. Ông Đặng Quang Tạo, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã, cho biết, ban đầu, người dân còn lơ mơ về NTM, thế nhưng nhờ công tác truyền thông mà người dân đã thay đổi suy nghĩ, quan niệm. “Theo tôi, báo chí có 2 định hướng. Thứ nhất là tuyên truyền cách làm hay, đặc biệt là những nơi làm thành công, đây gọi là định hướng cốt lõi, để các địa phương khác học tập. Thứ hai, báo chí vào cuộc phản ánh nhiều mặt, cả mặt trái giúp định hướng cho những địa phương thực hiện sau. Điều này càng có ý nghĩa với Tân Thịnh. Qua thông tin báo chí, tôi hiểu được trước những mặt trái như thế, tôi phải làm gì... Ví dụ như hiện tượng nợ đọng xây dựng cơ bản trong NTM, nhiều xã nợ tới hàng chục tỷ đồng nhưng ở Tân Thịnh, do xã không làm đao to búa lớn nên không mắc nợ”.
Cũng theo ông Tạo, vai trò lớn nhất của báo chí đối với Tân Thịnh là định hướng đào tạo nghề gắn với phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình. Đến nay, nhiều mô hình kinh tế ở địa phương như trồng cà tím, đu đủ… đã được nhân rộng, người trồng được bao tiêu 100% sản phẩm.
Thay đổi tiêu chí trong XDNTM
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Anh Cương, Chủ tịch UBND huyện Na Hang (Tuyên Quang), cho biết, báo chí có vai trò quan trọng trong việc phản ánh kịp thời cách làm hay, điểm sáng tại nhiều địa phương trong cả nước. Báo chí cũng đã nêu, phản ánh, làm việc trực tiếp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền nhằm trao đổi, làm rõ, từ đó kịp thời điều chỉnh chính sách làm sao cho phù hợp, đúng theo chương trình, kế hoạch huyện đề ra.
Còn theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), báo chí đã giúp cho nhân dân, cấp ủy cơ sở nắm bắt được mục đích, ý nghĩa của XDNTM, đồng thời, là kênh truyền tải tinh thần chỉ đạo của của cấp ủy, chính quyền; bên cạnh đó giúp cấp ủy, chính quyền nắm rõ mặt được và chưa được, những vấn đề còn bất cập cần điều chỉnh, từ đó có sự thay đổi phù hợp.
Ông Dưng lấy ví dụ, nhờ sự phản ánh của báo chí mà Ban chỉ đạo quốc gia về XDNTM đã kịp thời điều chỉnh tiêu chí chợ, không nhất thiết xã nào cũng cần có chợ mà phải theo điều kiện của từng vùng miền. Hay trước đây theo tiêu chí nhà ở dân cư cần đáp ứng đủ 3 cứng, khung cứng, nền cứng và mái cứng. Nếu mái cứng áp dụng trên huyện Lâm Bình theo đúng khái niệm là không cần thiết. Bởi nhà sàn khung và nền chắc chắn là đạt cứng nhưng mái có thể người dân lợp bằng lá cọ vẫn đảm bảo phong tục tập quán, vẫn đảm bảo nhà ở dân cư. Cũng chính nhờ những phân tích sâu sắc, hợp lý của báo chí mà công cuộc XDNTM ở nhiều địa phương có cách làm sáng tạo khác nhau, phù hợp với điều kiện văn hóa của từng vùng.
Hành trình XDNTM còn nhiều gian nan, đạt được tiêu chí đã khó, giữ vững tiêu chí còn khó hơn, đồng nghĩa với thực tế báo chí còn nhiều việc phải làm. Thế nhưng , vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân, chắc hẳn các nhà báo đều thấy vinh dự khi được đóng góp sức lực của mình vào công cuộc XDNTM văn minh, hiện đại.
Theo: kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn