Sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Công ty TNHH Cargill Việt Nam.
Nguyên nhân do đâu? Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, hiện giá TĂCN bị "đội" lên khoảng từ 15 đến 20% so với các nước trong khu vực, vì chúng ta chưa tự cung cấp được nguồn nguyên liệu, phần lớn vẫn phải nhập khẩu. Ðây là nguyên nhân khiến sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro, bởi TĂCN chiếm tới 60% chi phí sản xuất và giá thành. Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, chúng ta chỉ tự túc được khoảng 40% nguyên liệu chế biến thức ăn công nghiệp. Hiện nay, toàn bộ ngô nhập về dùng cho sản xuất TĂCN; đậu nành hạt nhập về để ép lấy dầu, còn 80% bã dùng cho chăn nuôi. Việt Nam chỉ chủ động được nguồn cám gạo, khoai mì. Một số vùng sản xuất TĂCN của nước ta không phát triển được vì năng suất cây trồng kém, người dân chưa tham gia vào chuỗi cung ứng TĂCN cho doanh nghiệp (DN). Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện sản xuất ngô trong nước chỉ đáp ứng được khoảng từ 40 đến 45% nhu cầu ngô hạt phục vụ chế biến TĂCN. Trong khi đó, giá ngô, đậu tương nhập khẩu luôn thấp hơn giá ngô, đậu tương trồng trong nước. Hàng nhập khẩu muốn mua bao nhiêu cũng có, trong khi hàng trong nước không ổn định về sản lượng, chất lượng mỗi lúc khác nhau gây khó cho nhà sản xuất. Nước ta lại thiếu các gói kỹ thuật sản xuất ngô cho từng vùng sinh thái nên năng suất còn thấp, giá thành cao, ít lợi thế cạnh tranh so với ngô ngoại nhập. Mặc dù chỉ có 71 DN liên doanh, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) so với 147 DN trong nước, nhưng các DN này lại chiếm từ 65 đến 70% thị phần TĂCN. Không chỉ mạnh về tiềm lực tài chính, có sự hỗ trợ từ công ty mẹ, cùng nhiều năm kinh nghiệm, các nhà đầu tư nước ngoài còn có chiến lược khá bài bản trong việc chiếm lĩnh thị trường, nhất là đối với việc liên kết, bao tiêu sản phẩm từ khâu đầu đến khâu cuối, bắt tay với người chăn nuôi. Ðã có nhiều ý kiến cảnh báo, rủi ro lớn về biến động giá và tỷ giá, cộng với tỷ lệ chiết khấu "hoa hồng" cao của các DN FDI cho đại lý sẽ đẩy giá TĂCN gia tăng. Việc nắm, chi phối thị phần sẽ giúp các DN ngoại dễ dàng định giá và tăng giá TĂCN hơn. Trong khi đó, DN trong nước còn khá yếu, liên kết lỏng lẻo, chỉ chiếm khoảng 30 đến 35% thị phần. Ðiều đáng lo ngại hơn, thị phần của DN trong nước đang có nguy cơ sụt giảm trước sự mở rộng quy mô, cạnh tranh của DN nước ngoài. Không ít DN trong nước phải cắt giảm công suất, thu hẹp thị phần. Nếu không kịp thời có hướng đi thích hợp, "sân chơi" này sẽ bị DN nước ngoài chi phối, thiệt thòi nhất vẫn là các hộ chăn nuôi trong nước. Bởi với giá bán từ 8.000 đồng đến 9.000 đồng/kg tùy loại, để có 1 kg thịt lợn, hộ chăn nuôi cần 4 kg TĂCN. Nếu giá lợn hơi trên thị trường từ 28 nghìn đồng đến 36 nghìn đồng ở thời điểm này thì người chăn nuôi không có lãi, thậm chí bị lỗ. Tìm hướng tháo gỡ Ðể bảo vệ quyền lợi của người chăn nuôi, các cơ quan quản lý nhà nước cần có ngay các giải pháp thích hợp để bình ổn thị trường TĂCN, đồng thời có biện pháp tổ chức, sắp xếp lại các DN chế biến. Hiện, nhiều nước quản lý giá TĂCN bằng cách áp giá trần lên sản phẩm, khống chế tỷ lệ lợi nhuận hoặc nguyên liệu đầu vào. Ðơn cử như Thái-lan khống chế lợi nhuận của ngành này không vượt quá 5%. Hay Trung Quốc, giá trần khống chế từ nguyên liệu đầu vào, tham khảo giá thế giới và mức chênh lệch cũng không được quá 5%. Ðây là cách làm khá hiệu quả, chúng ta cần tham khảo để từ đó khắc phục tồn tại, quản lý thị trường này hữu hiệu, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện, nguồn cung TĂCN đã vượt cầu, cần phải tổ chức lại sản xuất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có thông báo yêu cầu các tỉnh không phát triển nữa, chuyển một phần sang sản xuất cám truyền thống, giảm nhập nguyên liệu về làm cám công nghiệp. Sớm có chính sách xem xét lại quy hoạch phát triển ngành TĂCN, cân đối giữa diện tích trồng lúa và diện tích trồng ngô, nguồn nguyên liệu chính để làm TĂCN. Hướng đến sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, cùng lựa chọn DN phù hợp tình hình chăn nuôi ở khu vực để mua chung đơn hàng, tiến tới mua trực tiếp của các nhà máy để hưởng ưu đãi về giá, không phải qua trung gian. Cần tiếp tục thực hiện chu trình khép kín "sản xuất - tiêu thụ" theo chuỗi giá trị, chú trọng giảm chi phí, phòng chống dịch bệnh tốt, tận dụng nguyên liệu sẵn có để giảm giá thành TĂCN, tăng khả năng cạnh tranh. |
ANH PHƯỜNG http://www.nhandan.com.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn