Cần đẩy mạnh kiểm soát các tàu cá và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm thủy sản để tháo gỡ thẻ vàng của EC |
Bến Tre hiện là tỉnh đứng hai cả nước về số lượng tàu cá vi phạm trong lĩnh vực thủy sản với 117 trường hợp từ năm 2010 đến tháng 3/2019. Bên cạnh đó, năm 2018, tại Thái Lan, Ủy ban châu Âu (EC) đã kiểm tra trong hơn 100 trường hợp tàu nước ngoài bị nước này bắt giữ thì có đến 4 hồ sơ xác định là tàu của Bến Tre quản lý. Vì vậy, rất có thể đây là địa phương EC sẽ kiểm tra vào tháng 6 tới.
Báo cáo với Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT, ông Đồng Văn Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre cho biết, toàn tỉnh hiện có gần 4.000 tàu cá đăng ký, tàu đánh bắt xa bờ chiếm 52,2%, sản lượng khai thác hàng năm dao động ở mức 200.000 tấn, tập trung các ngư trường biển Đông và Tây Nam bộ. Hiện nay, ngư dân trong tỉnh cũng đã liên kết trong khai thác đánh bắt với hình thức tổ hợp tác (THT), với số lượng 160 THT, 1.850 tàu tham gia.
Nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh cũng có bước phát triển ổn định, dù diện tích nuôi không lớn, diện tích chỉ khoảng 46.000ha, nhưng nhờ nuôi thâm canh, bán thâm canh, nuôi tôm 2 giai đoạn, công nghệ cao nên sản lượng hàng năm đạt trên 266.000 tấn.
Công tác triển khai thi hành Luật Thủy sản trên địa bàn tỉnh được UBND tỉnh quan tâm và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành. Sở NN-PTNT Bến Tre là đơn vị chủ trì và tổ chức nhiều hội nghị, lớp tập huấn, triển khai Luật Thủy sản đến các sở, ngành, địa phương, ngư dân.
Công tác chống đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện theo Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 19/9/2018 và Chỉ thị 45/CT-TTg ngày 13/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện quyết liệt để ngăn chặn có hiệu quả, chấm dứt tình trạng ngư dân tỉnh Bến Tre khai thác đánh bắt thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và thực hiện nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu (EC).
Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như nhân sự kiểm soát đang thiếu, số lượng tàu cập bến, xuất không qua cảng chưa được kiểm soát còn nhiều, thuyền trưởng không ghi nộp nhật ký, báo cáo khai thác hoặc có ghi nhưng không đủ, không chính xác, không nghiêm túc.
Tại hội nghị, sau khi nghe Ban chỉ đạo 689 tỉnh Bến Tre báo cáo tình hình cũng như chuyến khảo sát thực địa tại các cảng cá Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã có những ý kiến chỉ đạo đối với công tác quản lý trong ngành thủy sản cũng như ngành nông nghiệp nói chung.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, ngành thủy sản cần phải tập trung quyết liệt hơn nữa để giữ đà tăng trưởng cao hơn năm 2018, bù đắp cho ngành chăn nuôi, trồng trọt bị thiệt hại bởi dịch bệnh.
"Nghề cá của chúng ta là nghề cá nhân dân, đối tượng quản lý nhìn chung chưa thực hành tốt các quy định pháp luật. Có những quy định chưa phù hợp trên cơ sở tham khảo ý kiến quốc tế, luật pháp quốc tế. Vì vậy, Luật Thủy sản có hiệu lực vào tháng 1/2019 hướng ngành thủy sản sản xuất theo chuỗi khép kín, phù hợp với quy định luật pháp quốc tế. Tuy nhiên khi triển khai sẽ có những khó khăn, vì vậy các sở ban ngành tỉnh Bến Tre khi tổ chức thông tin tuyên truyền phải đúng đối tượng, quyết liệt hơn nữa", Thứ trưởng nói.
Ông Nguyễn Hữu Lập, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, đã đề xuất và tập trung đẩy mạnh nhiều nhiệm vụ trọng tâm như thực hiện tốt chương trình thủy sản giai đoạn 2018 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2030, tiếp tục triển khai nghiêm túc Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn.
Bên cạnh đó, Bến Tre sẽ nghiêm túc, quyết liệt thực hiện công tác kiểm soát các tàu cá hơn nữa để kéo giảm số vụ vi phạm. Ông cũng rất hoan nghênh việc Tổng cục Thủy sản ủng hộ Bến Tre thực hiện lắp đặt giám sát hành trình movimar và cho biết công việc sẽ được khẩn trương thực hiện và hoàn thành trước 1/7 này.
Ông Lập kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm xây dựng quy chế phối hợp giữa các tỉnh. Đối với tàu cá Bến Tre, nếu vi phạm, sẽ xử phạt cứng rắn là rút giấy phép hành nghề vĩnh viễn.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn