Nông dân Phan Ngọc Tuấn ở thôn Thuận Lợi, xã Phước Thuận (Ninh Phước) cho biết, cùng nho, táo xanh là trái cây đặc thù tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên người trồng táo thường đối mặt mất mùa, nếu không quản lý tốt sâu bệnh, nhất là ruồi vàng và bướm 2 chấm đục quả.
“Những năm gần đây ruồi vàng và bướm 2 chấm tấn công vườn táo rất dữ dội. Vì vậy, nhà vườn nào siêng phòng trừ tốt, thu hoạch 1 tấn sản phẩm thì được 6-7 tạ còn ngon, bán được. Còn nếu lơ là phòng trừ, xem như mất trắng”, anh Tuấn nói.
Táo năng suất cao nhờ bao lưới. |
Trước tình hình đó, gần đây, nông dân trồng táo ở Ninh Thuận đã áp dụng phương pháp bao lưới chống ruồi vàng. Biện pháp này không chỉ giúp quả táo không bị thối, hỏng, mà còn tăng năng suất, sản phẩm đạt chất lượng tốt. Hơn nữa còn giúp bà con tiết kiệm chi phí công lao động chăm sóc, hạn chế sử dụng thuốc BVTV.
Tại các vườn táo ở xã Phước Thuận, nông dân đang nhân rộng mô hình bao lưới cho trái. Anh Thuận cho biết thêm, ban đầu tại xã chỉ có vài hộ áp dụng phương pháp này với diện tích vài sào, nay đã tăng lên hàng chục hộ với diện tích gần 20 ha.
“Sở dĩ tôi nắm được thông tin này vì ngoài làm việc tại xã, tôi còn làm thêm thi công lắp ráp bao lưới cho các nhà vườn”, anh Thuận chia sẻ.
Cũng theo các nông dân trồng táo, chi phí áp dụng bao lưới cho táo dao động từ 18-20 triệu đồng/1.000m2, tuy nhiên hiệu quả mang lại thì đáng đồng tiền họ bỏ ra.
Nông dân xã Phước Thuận áp dụng bao lưới cho táo. |
Chị Nguyễn Thị Xuân, xã Phước Thuận cho biết, gia đình có gần 1 sào trồng táo. Trước đây khi chưa bao lưới, mỗi năm vườn táo cho thu hoạch 2 vụ. Mỗi vụ cho sản lượng gần 3 tấn, nhưng chỉ hái được từ 1- 1,5 tấn do quả bị ruồi vàng đục hư hỏng hết. Từ năm 2018, gia đình bao lưới cho vườn táo, thì sản lượng thu hoạch đều bán hết, chứ không vứt bỏ như trước đây.
Ông Trần Tấn Thắng ở thị trấn Phước Dinh, huyện Ninh Phước cho hay, trung bình 1 sào táo bao lưới cho năng suất 4 tấn. Hơn nữa giá táo bán ra cũng cao hơn từ 20-40% so với táo không bao lưới.
Theo Sở NN-PTNT Ninh Thuận, việc ứng dụng bao lưới chống ruồi vàng gây hại táo được nông dân thực hiện mang tính tự phát, chưa có hướng dẫn đồng bộ như thời giao bao lưới, màu sắc lưới… Hiện có 3 phương thức bao lưới, trong đó phương thức bao lưới xung quanh phủ trùm được người dân sử dụng nhiều nhất. Phương thức này có chi phí cao nhưng dễ thực hiện, phòng trừ sâu bệnh tốt, giảm được số lần phun thuốc; năng suất, sản lượng cao....
Tính đến cuối tháng 8/2019, toàn tỉnh có hơn 60 ha/1.020 ha ứng dụng bao lưới chống ruồi vàng hại táo.
Áp dụng bao lưới cây táo cho năng suất cao, ổn định . |
Ông Phạm Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt-BVTV Ninh Thuận cho biết, qua khảo sát các vườn táo áp dụng bao lưới, thì chỉ có hơn 29% vườn xuất hiện ruồi vàng gây hại với tỷ lệ thấp từ 1-2%. Số vườn còn lại hầu hết không phát hiện ruồi vàng gây hại, trong khi đó những vườn táo không bao lưới đều nhiễm ruồi vàng 100%, với tỷ lệ phổ biến từ 5-20%, cá biệt có vườn bị nhiễm tới 60%.
"Sâu đục trái gây hại 100% đối với vườn táo không bao lưới, cao hơn 2 lần vườn táo bao lưới. Ngoài ra, vườn ứng dụng bao lưới có số lần phun thuốc BVTV chỉ bằng 1/3 đến 1/2 lần phun thuốc so với vườn không bao lưới. Hiện đa số vườn bao lưới không phun thuốc trừ ruồi vàng và sâu đục trái, mà họ chỉ đặt bẫy dẫn dụ diệt côn trùng", ông Phạm Dũng.
Theo: Kim Sơ/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn