17:16 EST Thứ năm, 16/01/2025
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Tin tức nông thôn mới » Tin trong nước


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Biến lòng tự hào dân tộc thành sức mạnh để đưa các doanh nghiệp Việt Nam tiến lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu

Thứ tư - 25/12/2019 10:34
(MPI)- Phát biểu Kết luận Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra ngày 23/12/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh bền vững có khả năng cạnh tranh toàn cầu, với những doanh nhân Việt Nam có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt, chính là những tiền đề quan trọng để Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập tự cường và thịnh vượng vào năm 2045.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: MPI

Hội nghị với sự tham dự của khoảng 3 nghìn đại biểu và diễn ra trong gần 5 tiếng đồng hồ, là dịp để Chính phủ trực tiếp lắng nghe, trao đổi với cộng đồng doanh nghiệp. Hội nghị đã nhận được các ý kiến trao đổi rất sôi nổi, thẳng thắn với nhiều ý kiến tâm huyết để đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao nhiều ý kiến tâm huyết, trong đó có cả những ý kiến “trái chiều, nghịch nhĩ”, phản ánh các tồn tại, nhưng Chính phủ rất lắng nghe. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ đặc biệt quan tâm việc tổ chức các hội nghị để phát triển doanh nghiệp, có nhiều cải cách, đổi mới để phát triển doanh nghiệp Việt Nam và đã đạt được những thành tựu đáng kể về năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo và đạt được những thứ hạng đáng mừng. Việt Nam cũng là quốc gia thành công về thu hút đầu tư, thực hiện mục tiêu xuất, nhập khẩu; xóa đói giảm nghèo, tập trung nguồn lực cho vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số…

Môi trường cạnh tranh được cải thiện đáng kể, nhờ đó, đến nay Việt Nam có hơn 800 nghìn doanh nghiệp. Bình quân, mỗi năm có thêm 17% doanh nghiệp thành lập mới. Sự lớn mạnh này rất đáng mừng nhưng so với nhiều nước phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp trên quy mô dân số vẫn còn thấp (120 người dân mới có 1 doanh nghiệp, các nước ASEAN 90 người dân có 1 doanh nghiệp, còn các nước phát triển thì cứ 10 người dân, có 1 doanh nghiệp). Việt Nam mới có 7 doanh nghiệp trong top 200 doanh nghiệp tốt nhất châu Á có doanh thu dưới 1 tỷ USD. Đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, đến nay, Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào vào top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới.

Tại Hội nghị, có nhiều ý kiến đề cập đến sự đơn lẻ của từng doanh nghiệp nhưng nếu doanh nghiệp Việt Nam biết hợp lực lại, đoàn kết lại thì kết quả sẽ khác. Đoàn kết lại để làm lớn hơn doanh nghiệp Việt Nam là vấn đề đặt ra hiện nay và trong thời gian tới, sẽ có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn ra đời tại Việt Nam, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng.

Phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ hơn về số lượng và quy mô

Thủ tướng đề nghị, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, giải pháp và các Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, cơ cấu, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn FDI.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan xây dựng một nghị quyết của Chính phủ về định hướng phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới để tháo gỡ những bất cập, tồn tại và đề ra giải pháp để phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ hơn về số lượng và quy mô.

Nhắc lại thông điệp, trừ cứu hỏa và thiên tai, việc giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp phải nằm ở trang đầu quyển sổ tay hành động của lãnh đạo. Không thể biết doanh nghiệp rất khó khăn trên địa bàn của mình, trong lĩnh vực của mình phụ trách mà không quan tâm giải quyết, đừng có bệnh thờ ơ trong việc phát triển này, Thủ tướng nhấn mạnh.

Mỗi Bộ, ngành phải khẩn trương xây dựng một chương trình hành động nhằm thực hiện các cam kết hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải làm đầu mối đốc thúc cập nhật, tổng hợp gửi báo cáo Thủ tướng, trong đó nhấn mạnh những việc mà Hội nghị đã nêu ra như phối hợp trong đào tạo nguồn nhân lực, cùng doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, xây dựng những trung tâm triển lãm sản phẩm ở các thành phố, thị xã lớn.

Các bộ, ngành tiếp tục có những chính sách cởi mở hơn, thực sự cởi trói, ủng hộ để doanh nghiệp bứt phá, làm được nhiều hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước, cởi trói cho doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực, các ngành mà trước đây chỉ có Nhà nước đảm trách, ngoại trừ những lĩnh vực nhạy cảm liên quan đến an ninh, quốc phòng và điều hành vĩ mô thì Nhà nước phải tiếp tục nắm.

Tiếp tục đổi mới tư duy và năng lực quản lý

Ảnh: MPI

Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta phải thực sự thay đổi tư duy không phải những gì mà Nhà nước không muốn làm thì chuyển cho tư nhân làm mà là những gì tư nhân làm được và làm tốt thì nên để tư nhân tham gia, kể cả tham gia cung cấp dịch vụ công, những quan điểm mới này Thủ tướng đề nghị các địa phương, các ngành nên quán triệt để triển khai. Không phải cái khó đẩy cho tư nhân mà cái gì tư nhân làm được nên ủng hộ.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện nhất quán và triệt để trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tập trung vào những khâu còn yếu mà UNDP, WB và các ý kiến được chỉ ra tại Hội nghị như xử lý việc mất khả năng thanh toán, độ dễ dàng khi nộp thuế, thủ tục mở doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, tính thực thi pháp luật, nhất là tiếp cận đất đai.

Cùng với đó, tiếp tục giảm đáng kể danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cải thiện mạnh mẽ, rõ nét chỉ số phá sản doanh nghiệp và giải quyết tranh chấp hợp đồng. Chính vì vậy, phải rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường, những vấn đề này thường làm cho doanh nghiệp chờ đợi, mất nhiều thời gian.

Cần rà soát và thiết lập cơ chế ưu đãi tài chính tốt hơn, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững bao trùm như ứng dụng công nghệ tiên tiến, sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, sản xuất thông minh, bảo vệ môi trường, khuyến khích các doanh nghiệp FDI và cả doanh nghiệp nội địa liên kết với nhau trong việc hình thành chuỗi giá trị.

Cải cách triệt để thủ tục hành chính, thuế, giấy phép là một yêu cầu đặt ra, trong đó có việc áp dụng công nghệ, quy trình tinh giản thủ tục, xóa bỏ các trở ngại liên quan đến quy hoạch, nhất là tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, thủ tục xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp ở địa phương.

Chấm dứt ngay tình trạng các nhân viên công quyền sử dụng quyền lực mềm để hù dọa doanh nghiệp mỗi khi doanh nghiệp có sai sót hay chỉ là bất đồng. Phải bảo đảm rằng tất cả các ý kiến của doanh nghiệp đều phải được lắng nghe và tôn trọng, còn việc tiếp thu hay không phải thảo luận, phân tích, phản biện để đi đến chính sách tốt nhất. Các cơ quan quản lý Nhà nước phải loại đi những cán bộ nhũng nhiễu phiền hà, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh do tham nhũng tiêu cực hoặc do trình độ yếu kém để kéo dài thời gian, làm mất thời gian, cơ hội đầu tư của doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu chính quyền các địa phương mạnh mẽ đổi mới tư duy và năng lực quản lý của các cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương mình để tương thích với mặt bằng nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, phải tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chống phân biệt đối xử giữa kinh tế trong nước và nước ngoài, kinh tế Nhà nước với tư nhân, doanh nghiệp với hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ… Tuyệt đối không được có tư duy phân biệt đối xử, “tham lớn bỏ nhỏ”.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng đánh giá cao sự quyết tâm, quyết liệt trong việc đồng hành cùng Chính phủ để phát triển đất nước thịnh vượng và đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam phát huy tinh thần quý báu của dân tộc, phải nâng cao tinh thần đoàn kết, tương tác và khuyến khích sự chủ động hợp tác, tương trợ lẫn nhau trên thương trường, phát huy tinh thần yêu nước, gắn bó với nhau khi khó khăn và cùng nhau vươn ra biển lớn.

Cộng đồng doanh nghiệp cần phải chủ động đổi mới chính mình, phải thực sự tái cấu trúc và cải tiến liên tục, nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng uy tín thương hiệu, sản phẩm, chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ, luôn nghĩ đến chìa khóa công nghệ mỗi khi cần giải quyết một bài toán sản xuất, tận dụng cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các hiệp định FTA.

Đồng thời, phải tuân thủ luật pháp, cần thực hành các chuẩn mực kinh doanh tiến bộ, cần nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính bắt buộc, thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động như đóng bảo hiểm cho người lao động, bảo vệ môi trường, bảo vệ, giữ gìn thương hiệu, uy tín quốc gia. Đặc biệt, cần phải nói không với các hành vi gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Cần phải tiếp tục xây dựng thương hiệu, tạo dựng chỗ đứng cho doanh nghiệp, kể cả trong nước và nước ngoài, đóng góp xứng đáng và tự hào vào sự vững mạnh của thương hiệu quốc gia.

Cùng với đó, doanh nghiệp Việt Nam cần đi đầu trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, nhất là không được đưa hối lộ và kịp thời phát hiện tình trạng tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt.

Thủ tướng “đích thân mời” cộng đồng doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng các quy định chuẩn mực về môi trường và văn hóa kinh doanh, các quy định này cũng được xem là một khế ước cam kết hành động có trách nhiệm giữa cộng đồng doanh nghiệp với các Bộ, ngành. Đồng thời mong muốn với những thành quả quan trọng về kinh tế - xã hội đạt được trong năm 2019 và khí thế mới trong năm 2020, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hãy tự tin đặt mục tiêu lớn hơn trong năm 2020, dám đặt tầm nhìn và nuôi dưỡng khát vọng lớn hơn trong giai đoạn tới.

Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh

Về phía Chính phủ, Thủ tướng khẳng định, tiếp tục duy trì và củng cố vững chắc ổn định kinh tế vĩ mô và trực tiếp hỗ trợ hợp lý đối với tăng trưởng kinh tế. Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy không ngừng và mạnh mẽ hơn nữa các cải cách, tích cực rà soát rào cản pháp lý, chính sách, quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, xóa bỏ các rào cản độc quyền Nhà nước để trao cơ hội tham gia nhiều hơn cho khu vực tư nhân bao gồm các dịch vụ công cộng.

Chính phủ cam kết bảo vệ quyền tài sản chính đáng của người dân và doanh nghiệp. Chính phủ sẽ nghiên cứu và sớm ban hành thiết chế bảo vệ quyền tài sản của người dân và doanh nghiệp, kiểm soát quyền lực, tránh lạm dụng quyền lực công, đụng chạm đến tài sản và lợi ích của doanh nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh, một doanh nghiệp hay một thương hiệu chính đáng nào đó của Việt Nam biến mất thì đó không chỉ là thất bại của riêng doanh nghiệp mà là thất bại của cả Chính phủ, chính quyền địa phương và tất cả chúng ta trong tiến trình cạnh tranh và hội nhập toàn cầu. Một cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh bền vững có khả năng cạnh tranh toàn cầu, những doanh nhân Việt Nam có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt, chính là những tiền đề quan trọng để Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập tự cường và thịnh vượng vào năm 2045.

Thủ tướng tin tưởng rằng, những lời nói sẽ đi đôi với hành động, trước hết phải khắc phục những yếu kém, bất cập mà các doanh nghiệp, các hiệp hội đã phản ánh tại Hội nghị. Đây cũng chính là trách nhiệm rất lớn của các đồng chí Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch tỉnh, các đồng chí Bộ trưởng phải kiểm soát tốt hơn công chức, viên chức, ứng xử bình đẳng, tạo điều kiện để phát triển đất nước nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng.

Với chủ đề Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến, tham luận của cộng đồng doanh nghiệp. Thông qua Hội nghị, Chính phủ tiếp tục thể hiện quyết tâm luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát huy tinh thần đoàn kết, biến lòng tự hào dân tộc thành sức mạnh để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, đưa các doanh nghiệp Việt Nam tiến lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, cùng nhau xây dựng đất nước độc lập, tự chủ, bền vững và hùng cường./.

 

Tùng Linh
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
http://www.mpi.gov.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 258

Máy chủ tìm kiếm : 87

Khách viếng thăm : 171


Hôm nayHôm nay : 48552

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 877451

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 73924422