Tạo dựng nền tảng phát triển kinh tế
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Trăm - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước - cho biết, Bình Phước là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cầu nối giữa Đông Nam bộ với Tây nguyên, là cửa ngõ quan trọng của hành lang kinh tế Đông - Tây, đặc biệt nằm ngay cạnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế lớn và năng động bậc nhất. Bên cạnh đó, Bình Phước cách các khu sân bay, cụm cảng quốc tế như Tân Sơn Nhất, Long Thành, Tân Cảng, Cái Mép - Thị Vải.
Bình Phước có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn và màu mỡ, khí hậu ôn hòa, là tỉnh có thế mạnh rất lớn về nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao.
Mặt khác, để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa, trong thời gian qua tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc phát triển công nghiệp. Đến nay, tỉnh Bình Phước có 8 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động với tổng diện tích là 1.194 ha.
Ông Nguyễn Văn Trăm - Chủ tịch UBND Bình Phước - cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp |
Để phát huy các tiềm năng của địa phương, thời gian qua, Bình Phước đã chủ động đề ra những chính sách tích cực thu hút đầu tư trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy chuyển dịch nhanh, mạnh cơ cấu phát triển kinh tế.
“Môi trường đầu tư tại tỉnh Bình Phước ngày càng được cải thiện, thể hiện qua các nỗ lực của tỉnh để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, ngành công nghiệp sản xuất và công nghiệp hỗ trợ trong khu, cụm công nghiệp” - Chủ tịch Nguyễn Văn Trăm khẳng định.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 6.425 doanh nghiệp với vốn đăng ký kinh doanh 53.506 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp thành lập mới là 568 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 7.465 tỷ đồng.
Về thu hút FDI, Bình Phước đã có 185 dự án với vốn đăng ký 1,85 tỷ USD. Riêng từ đầu năm đến nay thu hút được 22 dự án với số vốn đăng ký 314 triệu USD. Trong tổng số 185 dự án FDI, đến nay đã có 125 dự án đi vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm cho hơn 48.000 lao động, trong đó lao động của địa phương chiếm 60%.
Nông nghiệp và công nghiệp chế biến là trọng điểm gọi vốn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lãnh đạo tỉnh Bình Phước trao chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp |
Theo lãnh đạo tỉnh Bình Phước, trong thời gian tới, địa phương này sẽ tập trung thu hút những dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; các dự án chế biến nông, lâm sản thuộc thế mạnh của địa phương như chế biến sản phẩm từ cao su, điều, tiêu, cây ăn trái; chế biến thực phẩm từ gia súc, gia cầm; các dự án công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ làm nguyên liệu đầu vào cho các dự án đầu tư tại các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Liên quan đến những ưu đãi cụ thể dành cho DN, lãnh đạo tỉnh Bình Phước chia sẻ, ngoài các chính sách pháp luật của Trung ương, Bình Phước đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư hấp dẫn.
Lãnh đạo tỉnh Bình Phước trao giấy chứng nhận đầu tư cho DN |
Tiêu biểu, về thuế thu nhập doanh nghiệp, tỉnh dành thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm áp dụng với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn đặc biệt ưu đãi đầu tư, khu kinh tế, khu công nghệ cao. Đồng thời cũng áp dụng với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Bình Phước vừa trao 24 quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn lên tới trên 1 tỷ USD, cho thấy tỉnh đã chuẩn bị công phu, trách nhiệm trong công tác xúc tiến đầu tư.
Nhắc đến sự thành công của Bình Dương sau khi tách tỉnh, Thủ tướng cho rằng, Bình Phước hiện nay cũng hội tụ đủ điều kiện để phát triển như Bình Dương. Dẫn ra minh chứng sinh động là Quảng Nam - Đà Nẵng sau tách tỉnh, Thủ tướng cho rằng, 20 năm trước ít ai hình dung được Quảng Nam có thể đuổi kịp và thậm chí vượt Đà Nẵng như hôm nay.
Theo đó, Bình Phước với địa kinh tế cho thấy điều kiện kinh doanh thuận lợi, nhất là tính quốc tế, sự thuận lợi giao thông của Bình Phước. Theo đó, những điều kiện và lợi thế Bình Dương từng có thì ngày nay Bình Phước cũng đã xuất hiện.
Thủ tướng cũng thông tin đến nhà đầu tư về lợi thế của Bình Phước, nằm tiếp giáp 2 trong 3 góc nhọn của tam giác phát triển TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Bình Phước còn là tỉnh xung yếu ở vị trí yết hầu giữa Tây Nguyên và TP. Hồ Chí Minh, có khả năng kết nối giao thông đến các cảng hàng không gồm sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành, và các cảng nước sâu Sài Gòn, Thị Vải, Đồng Nai...
Điều là một trong những sản phẩm chủ lực của Bình Phước |
Nêu lên lợi thế địa kinh tế đó, ngay tại hội nghị, Thủ tướng giao nhiệm cho Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu khả năng kết nối giao thông Bình Phước đến sân bay Long Thành và kết nối đường sắt xuống cảng từ Bình Phước, từ đó tạo cú huých lớn cho Bình Phước trong tương lai.
Thủ tướng cũng cho rằng, một địa phương như Bình Phước muốn thu hút những nhà đầu tư lớn, những “đại bàng” về đây làm tổ, ngoài những lợi thế quan trọng về địa chiến lược, về điều kiện tự nhiên, khí hậu, địa lý, đất đai, tài nguyên... nhân tố con người, đặc biệt là quyết tâm hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền của Bình Phước có ý nghĩa quyết định.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Bình Phước đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho cho 24 dự án, với số vốn 1,133 tỷ USD. Trong đó: 10 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 315 triệu USD và 14 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 18.824 tỷ đồng, tương đương 818 triệu USD. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn