Già làng Nông Văn Phùng (1955), dân tộc Tày, ngụ ấp Đồng Bia, xã Tân Lợi được nhiều người biết đến bởi uy tín và tài dân vận khéo, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Theo kinh nghiệm của ông, làm dân vận không được rập khuôn, máy móc mà phải tùy tình hình thực tế của địa phương. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Tân Lợi đa phần sống bằng nghề làm rẫy, ít có thời gian rảnh rỗi nên việc tập hợp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật là điều không đơn giản. Do vậy, ông thường chọn thời gian họp dân vào buổi tối hay trực tiếp đến từng hộ nói chuyện với thành viên trong gia đình. Đồng thời, lồng ghép vào các buổi gặp này là những câu chuyện liên quan đến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Già làng Điểu Sết ở ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi (Đồng Phú, Bình Phước) giới thiệu về văn hóa cồng chiêng của đồng bào S’tiêng
Già làng Điểu Sết được xem là biểu tượng tiêu biểu cho văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc S’tiêng tại ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi. Cả cuộc đời ông tâm huyết bảo tồn, gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Ông nói: Để gìn giữ bản sắc dân tộc, phải vận động đồng bào cùng thực hiện, một mình không làm được đâu. Ông đã tập hợp thanh niên trong ấp để truyền dạy những truyền thống văn hóa đặc trưng của đồng bào S’tiêng... Ngoài ra, ông còn dạy con cháu nghề đan gùi, dệt thổ cẩm... nhằm định hướng giáo dục, truyền tải tri thức về cội nguồn dân tộc, quê hương đất nước... Nhờ sự say mê và gìn giữ văn hóa dân tộc của già làng Điểu Sết mà đến nay, ấp Thuận Tiến vẫn duy trì đội cồng chiêng. Vào dịp lễ, tết, liên hoan văn hóa do tỉnh, huyện tổ chức đều có sự tham gia của đội cồng chiêng ấp Thuận Tiến.
Đồng Phú hiện có 52 già làng, người uy tín. Trong những năm qua, huyện thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà già làng, người có uy tín nhằm động viên, khích lệ và cung cấp những thông tin liên quan đến tình hình chung trên địa bàn huyện. Từ đó, các già làng, người có uy tín phát huy tốt vai trò của mình ở cộng đồng dân cư trong vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua ở địa phương, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Từ năm 2014 đến nay, già làng, người có uy tín cùng với UBMTTQVN từ huyện đến cơ sở đã phối hợp vận động nhân dân trên địa bàn được hơn 46 tỷ đồng, 19.755 ngày công lao động tu sửa, làm mới hơn 209km đường giao thông nông thôn, kéo 120km đường điện thắp sáng phục vụ nhân dân. Các cuộc vận động, quy ước, hương ước được phát huy; công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được duy trì, ý thức của nhân dân ngày càng nâng cao; quy chế dân chủ ở cơ sở được mở rộng.
Theo Minh Hiền/mattran.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn