Theo tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW (Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X) thì xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 ở nước ta, lấy xã làm địa bàn tổ chức thực hiện, có mục tiêu là: Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao nhanh; Nông thôn phát triển theo quy hoạch, có hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài; Môi trường xanh - sạch - đẹp; Bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; Chất lượng hệ thống chính trị cơ sở được nâng cao.
TS Tăng Minh Lộc - nguyên Chánh Văn phòng Điều phối chương trình MTQG XD Nông thôn mới Trung ương |
Đó là những nội dung định hướng và cũng là những đặc trưng định tính của Nông thôn mới nước ta giai đoạn 2010-2020. Định tính đó đã được cụ thể hóa, lượng hóa bằng 19 tiêu chí quốc gia Nông thôn mới (theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ). Thực tiễn hơn 5 năm qua (2010-2015), Bộ Tiêu chí đã thể hiện rõ sự cần thiết cho xây dựng Nông thôn mới. Tuy nhiên, trải qua thực tế với sự biến đổi của nhiều yếu tố kinh tế xã hội, Bộ Tiêu chí cũng bộc lộ một số vấn đề cần phải xem xét, điều chỉnh mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đáp ứng được yêu cầu nâng cao tiến độ, chất lượng xây dựng Nông thôn mới theo yêu cầu mục tiêu đã đặt ra.
1. Nhóm tiêu chí hạ tầng:
a) Về giao thông (tiêu chí số 2)
Theo Quyết định 491/QĐ-TTg nội dung tiêu chí là: “2.1 Tỷ lệ km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải”; “2.2 Tỷ lệ đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn, xe cơ giới đi lại thuận tiện”.
Trong hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải lại quy định: “đường trục xã, liên xã có mặt rộng 3m trở lên” (Bộ Giao thông Vận tải giải thích đây là quy định mặt rộng tối thiểu) nhưng các địa phương đều hiểu đó là quy định cứng, chỉ cần có đường trục xã, liên xã đạt 3m rộng, bê tông hoặc nhựa hóa là được công nhận đạt chuẩn. Các tuyến đường cấp liên xóm, liên gia đương nhiên là nhỏ hơn. Do đó, ở nhiều xã ngay khi được công nhận đạt chuẩn thì tiêu chí này đã bộc lộ bất cập, nhất là những nơi dân cư đông, kinh tế phát triển, vận chuyển bằng cơ giới tăng nhanh. Trong khi đó, ở các xã miền núi, nhất là khu vực Tây Bắc hoặc biên giới, hải đảo - dân cư thưa thớt, địa hình phức tạp, lưu thông bằng ô tô còn chậm phát triển. Nếu phải phấn đấu đạt chuẩn về giao thông theo quy định chung như khu vực đồng bằng thì chưa cần thiết và sẽ rất tốn kém nguồn lực.
Có thể nói quy định về “chuẩn giao thông” trong Bộ tiêu chí và hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải hiện nay là vừa thiếu, vừa thừa do không tính đến yếu tố đặc thù của các vùng kinh tế - xã hội, trước mắt gây lãng phí nguồn lực và lâu dài sẽ không đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong tương lai.
b) Về thủy lợi (tiêu chí số 3)
Theo quy định, nội dung tiêu chí thủy lợi là: “3.1 Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh” “3.2 Tỷ lệ km kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa”.
Mục tiêu của tiêu chí này là định hướng và thúc đẩy các xã xây dựng hệ thống thủy lợi đạt đến trình độ: cơ bản tưới tiêu chủ động cho các loại cây trồng, cho yêu cầu nước của thủy sản và chăn nuôi; cấp nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân (trừ trường hợp thiên tai). Tuy nhiên, chỉ tiêu 3.1 không có yêu cầu định lượng cụ thể nên rất khó đánh giá đầy đủ chất lượng, hiệu quả của công tác này. Chỉ tiêu 3.2 về kiên cố hóa kênh mương thì chỉ là một giải pháp để thực hiện mục tiêu. Khi đưa vào tiêu chí nó đặc biệt không phù hợp với điều kiện đồng ruộng miền núi, nhỏ hẹp, độ dốc cao; cũng không phù hợp với Đồng bằng sông Cửu Long; các vùng trồng cây công nghiệp ở Tây nguyên và Đông Nam bộ. Ngay cả vùng đồng bằng, những nơi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao sử dụng tưới bằng đường ống theo phương pháp tiết kiệm thì giải pháp kiên cố hóa kênh mương cũng không còn ý nghĩa. Do đó không chỉ gây lúng túng cho cơ quan chuyên môn khi hướng dẫn thực hiện và đánh giá kết quả mà còn làm cho nhiều địa phương dù không cần kiên cố hóa kênh mương nhưng để đạt chuẩn vẫn phải tốn nguồn lực cho công việc này.
Ở một khía cạnh khác, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu thường xuyên, gây tổn thất ngày càng lớn cho sản xuất nông nghiệp và nông thôn nước ta thì yêu cầu chủ động chuẩn bị các điều kiện để phòng, chống thiên tai nhằm giảm thiểu các thiệt hại là rất cần thiết. Do đó, cần bổ sung chỉ tiêu này vào tiêu chí thủy lợi như một yêu cầu bắt buộc đối với tất cả các địa phương (các nội dung cụ thể của chỉ tiêu này sẽ do cơ quan chuyên môn nghiên cứu đề xuất giống như quy định “4 tại chỗ” đã rất hiệu quả trong phòng chống lụt bão của các tỉnh Bắc và Bắc Trung bộ nhiều năm trước đây)
c) Về chợ nông thôn (tiêu chí 7)
Sau khi có hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những năm gần đây, hầu hết các xã đã hiểu không phải mỗi xã có một chợ mà chợ theo quy hoạch được cấp huyện phê duyệt (huyện có 20-30 xã có khi chỉ quy hoạch 5-7 chợ).
Với quy định của tiêu chí “chợ theo quy hoạch, đạt chuẩn theo quy định”, đạt chuẩn ở đây là theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng với yêu cầu diện tích tối thiểu 3.000m2, có đủ các phân khu chức năng, thì nhiều xã hoàn thành tiêu chí chợ phải tốn phí khoảng 6-7 tỷ đồng. Tuy nhiên trong thực tế, xu thế chung của các địa phương, nhất là khu vực đồng bằng, thì một huyện chỉ cần 1-2 chợ đầu mối là cần có quy mô lớn theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng. Còn lại, chợ thực sự cần ở nông thôn hiện nay chính là chợ “mini”, tồn tại ở hầu hết (95%) các thôn, bản, ấp với diện tích khoàng 100-300 m2, họp buổi sáng và buổi chiều, chủ yếu bán rau quả thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày của nhân dân. Qua đánh giá thực tế cho thấy, loại hình này sẽ vẫn phù hợp với nhu cầu thiết thực của người dân nông thôn. Do đó giai đoạn 2016-2020 rất cần được bổ sung vào nội dung tiêu chí chợ thay vì quy hoạch xây các chợ to mà hiệu quả thấp.
Thương lái thu mua cá tại thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Phú Khuynh. |
2. Nhóm tiêu chí về giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường
a) Về y tế (tiêu chí số 15)
Để đạt chuẩn Nông thôn mới thì “y tế xã phải đạt chuẩn quốc gia”; theo quy định của Bộ Y tế để đạt chuẩn quốc gia về y tế thì riêng về cơ sở vật chất: Trạm Y tế xã phải có đủ 14 phòng chức năng, được trang bị đủ các thiết bị cần thiết, có máy siêu âm màu. Theo đó, hầu như trạm y tế xã đều phải mở rộng quy mô phòng và trang thiết bị. Nếu xây mới cũng phải chi phí 2,5 - 3 tỷ đồng.
Trong thực tế, trừ khu vực miền núi, vùng sâu, biên giới, hải đảo còn lại thì dù có trang bị đầy đủ thì việc sử dụng cơ sở vật chất ở trạm y tế xã cũng kém hiệu quả do điều kiện nhân lực và niềm tin của người dân. Công việc thiết thực của các trạm y tế chủ yếu chỉ là: Sơ cứu, đỡ đẻ, làm y tế dự phòng (tiêm chủng, phòng dịch...). Vì vậy, rất cần phải điều chỉnh lại quy định cơ sở vật chất trạm y tế xã cho phù hợp với thực tế này nhằm tránh lãng phí nguồn lực.
b) Về vệ sinh môi trường (tiêu chí số 17)
Nội dung cơ bản của tiêu chí này vẫn là phù hợp. Tuy nhiên, còn một số vấn đề “nóng” về vệ sinh môi trường nông thôn lại chưa được thể hiện rõ và cụ thể hóa vào tiêu chí như: Tỷ lệ hộ có 3 công trình thiết yếu (nhà tiêu, nhà tắm, bể nước sạch) hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh... Hoặc chưa đề cập đến vấn đề sản xuất, chế biến, kinh doanh rau quả thực phẩm phải đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm... đã gây lúng túng, khó khăn cho chỉ đạo thực hiện và khi đánh giá thẩm định đạt chuẩn. Do đó, trong điều kiện hiện nay, chúng tôi thấy rằng rất cần bổ sung những nội dung này vào tiêu chí môi trường Nông thôn mới.
3. Nhóm tiêu chí về hệ thống chính trị
a) Về an ninh (tiêu chí 19)
Nội dung tiêu chí hiện nay là “an ninh, trật tự xã hội được giữ vững” với quy định như vậy sẽ rất khó cho tổ chức thực hiện và đánh giá kết quả tiêu chí. Mặc dù Bộ Công an đã hướng dẫn một số nội dung cụ thể nhưng dường như những vấn đề thiết thực với người dân như: tệ nạn trộm cắp, phá hoại tài sản ngoài đồng; rượu chè, cờ bạc; lừa đảo; ma túy; gây rối trật tự công cộng, đánh nhau; tai nạn giao thông... lại chưa được đề cập cụ thể. Đến nay 94% xã đạt tiêu chí an ninh, nhưng ngay cả những xã đã đạt chuẩn Nông thôn mới thì dư luận người dân vẫn lo ngại chưa thấy được sống thực sự an toàn.
Đó là những vấn đề đang “nổi cộm” trong quá trình thực hiện các tiêu chí nông thôn mới vì vậy rất cần rà soát, điều chỉnh bổ sung những nội dung cần thiết để Bộ Tiêu chí Nông thôn mới quốc gia thực sự là công cụ định hướng cho xây dựng Nông thôn mới, đồng thời thuận lợi cho đánh giá kết quả khách quan, giảm thiểu ý kiến chủ quan, cảm tính, tạo động lực tốt hơn cho nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới.
Thực tiễn hơn 5 năm qua (2010-2015), Bộ Tiêu chí đã thể hiện rõ sự cần thiết cho xây dựng Nông thôn mới. Tuy nhiên, trải qua thực tế với sự biến đổi của nhiều yếu tố kinh tế xã hội, Bộ Tiêu chí cũng bộc lộ một số vấn đề cần phải xem xét, điều chỉnh mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn và đáp ứng được yêu cầu nâng cao tiến độ, chất lượng xây dựng Nông thôn mới theo mục tiêu đã đặt ra.”
TS Tăng Minh Lộc
Nguồn: nongthonviet.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn