Bộ trưởng Cao Đức Phát |
PV: Thưa Bộ trưởng, một số hộ nông dân ở đồng bằng Sông Cửu Long có chia sẻ năm nay năng suất lúa khá cao, nhưng từ đầu tháng 4 đến nay giá lúa giảm mạnh. Không chỉ gạo mà mấy tháng nay hàng loạt mặt hàng nông sản khác như dưa hấu ở Quảng Ngãi, thanh long ở Bình Thuận, hành tây ở Đà Lạt, hành tím ở Sóc Trăng cũng rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá” và khó tiêu thụ. Thực tế thì vấn đề này không hề mới nhưng đang tiếp tục đẩy nông dân vào tình trạng khó khăn. Vậy Bộ NN&PTNT đang có giải pháp gì cho thực trạng này?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Thứ nhất, chúng tôi theo dõi sát sao diễn biến thị trường của các loại nông, lâm, thủy sản. Như đối với dưa hấu, chúng ta chủ yếu xuất khẩu đi Trung Quốc. Vì thế, việc đàm phán để tăng khả năng thông quan là yếu tố quan trọng.
Đối với hành tím của Sóc Trăng, nguyên nhân chính dẫn đến giá giảm là do 70% hành tím xuất khẩu đi các nước, trong đó chủ yếu là Indonesia. Nhưng từ cuối 2014, Indonesia đã dừng nhập khẩu hành của nước ta. Chúng tôi đã liên hệ với các đồng nghiệp tại Bộ Nông nghiệp, Bộ Thương mại của Indonesia để bàn các biện pháp tháo gỡ và tiếp tục tác động qua các kênh khác nữa. Tương tự như vậy đối với thị trường lúa gạo, cao su… Chúng tôi đã làm các biện pháp có thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh xuất khẩu trở lại.
Thứ hai, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các Bộ, tìm kiếm cơ hội và mở cửa những thị trường tiềm năng cho nông sản của nước ta. Vừa rồi, Chính phủ đã ký kết hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do, tạo ra cơ hội mới cho nông sản nước ta.
Chúng tôi cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông sản của nước ta, tổ chức lại sản xuất trong đó tập trung thực hiện những giải pháp khuyến khích doanh nghiệp (DN) đầu tư và hoạt động nhiều hơn trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất và kinh doanh xuất khẩu những loại nông sản.
Thưa Bộ trưởng, năm ngoái xuất khẩu nông sản của chúng ta đạt mức kỷ lục là 31 tỷ USD. Trong khi đã gần nửa năm rồi, nhưng xuất khẩu nông sản năm nay mới chỉ đạt hơn 11 tỷ đô la Mỹ, tức là mới được bằng 1/3 so với năm ngoái. Vậy Bộ NN&PTNT đang làm gì để có thể đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Trong tình hình đó, chúng tôi tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc với từng loại sản phẩm và trên từng thị trường cụ thể, để hỗ trợ các DN đẩy mạnh xuất khẩu. Trong nước, chúng tôi cũng hướng dẫn và hỗ trợ nông dân tập trung vào đẩy mạnh sản xuất mặt hàng có thị trường thuận lợi, tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao khả năng cạnh trạnh của các loại nông sản chủ lực của nước ta.
Ví dụ như đối với lúa gạo, chúng tôi chủ trương không tăng số lượng mà tập trung vào nâng cao chất lượng và hạ giá thành. Tôi đề nghị các địa phương hướng dẫn và hỗ trợ nông dân trồng những giống lúa bán được giá cao hơn. Như ở Thái Bình, với giống lúa thường chỉ bán được ở mức 6.500 đồng/kg, nhưng những giống lúa có chất lượng cao hơn có thể bán ở mức 8.000 đồng/kg.
Một nông dân trồng vải ở Bắc Giang gửi thư về chuyên mục cho biết chỉ còn hơn chục ngày nữa là đến vụ chính của quả vải. Gia đình tôi và hàng trăm hộ đã phải tuân thủ các điều kiện trồng ngặt nghèo để được nằm trong diện 1.000 tấn vải đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Mỹ và Australia. Đến thời điểm này, chúng tôi đang băn khoăn vì sản lượng của chúng tôi đến cả nghìn tấn nhưng số DN xuất khẩu nông sản đến làm việc chỉ có 3 - 4 DN. Xin hỏi Bộ trưởng, năm nay, liệu quả vải của chúng tôi có thực hiện được giấc mơ đến Mỹ, Australia hay không hay sẽ lại chịu cảnh ùn ứ tại cửa khẩu như nhiều năm trước?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Vừa qua, Mỹ và Australia đã tuyên bố chấp thuận để nước ta xuất khẩu vào thị trường của hai nước. Tin vui là vào ngày 30/5 và 1/6 vừa qua, đã có 2 công ty đưa những lô hàng đầu tiên sang những thị trường này. Đó là một khởi đầu rất tốt, giúp chúng ta đa dạng hóa thị trường.
Tuy nhiên, những thị trường này có yêu cầu chất lượng rất cao, đồng thời chi phí bảo quản, vận tải cũng cao, nên ở giai đoạn đầu cũng còn một số khó khăn nhất định và cần thời gian để DN tiếp cận, tìm hiểu để xuất khẩu hàng nông sản sang các thị trường này.
Hiện nay, Bộ NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao làm việc với các nước để khơi thông về mặt thủ tục pháp lý, tạo điều kiện cho các loại rau quả của nước ta bán được sang các thị trường nước ngoài nhiều hơn.
Ngoài ra, chúng tôi cũng làm việc trực tiếp với các nước để thống nhất những thủ tục có liên quan đến kiểm dịch thực vật, quản lý chất lượng và liên tục làm việc với các DN xuất khẩu để lắng nghe các ý kiến, những khó khăn vướng mắc để giải quyết.
Một nông dân ở Tây Nguyên rất quan tâm đến hạt macca. Đây vốn là một nông sản mới được giới thiệu ở Việt Nam nhưng đã có những quan điểm trái chiều về việc nên hay không nên đưa loại cây này vào trồng rộng rãi. Xin được hỏi quan điểm chính thức của Bộ NN&PTNT về vấn đề này?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Sau 20 năm theo dõi, chúng tôi có thể khẳng định nước ta có thể trồng cây macca ở nhiều vùng, đặc biệt là ở Tây Nguyên và Tây Bắc. Tuy nhiên, việc phát triển cây macca phải tuân thủ các quy trình rất chặt chẽ về mặt kỹ thuật, đặc biệt là về giống.
Chúng tôi đã khảo nghiệm và công nhận khoảng 10 giống; đồng thời khuyến cáo bà con nông dân chỉ trồng cây macca đã khảo nghiệm và khẳng định trồng có hiệu quả cao hoặc có điều kiện tương tự. Người dân cần tuân thủ quy trình hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, sử dụng cây ghép bằng những giống mà Bộ đã khảo nghiệm và công nhận.
Đối với câu hỏi nước ta nên trồng trên diện tích là bao nhiêu; sau khi cân nhắc các mặt về điều kiện tự nhiên, khả năng chuẩn bị giống, thị trường, chúng tôi đề nghị trước mắt đến năm 2020 nước ta phát triển khoảng 10.000 ha. Mặt khác, bà con chỉ nên trồng với giá thành sản xuất dưới 30.000/kg quả khô thì mới đảm bảo khả năng phát triển bền vững, lâu dài.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo: baodientu.chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn