Năm 2017 là một năm rất nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành nông nghiệp. Một năm có đến 16 cơn bão, 4 cơn áp thấp nhiệt đới… đi kèm với đó là những dị hình về thời tiết nắng nóng/lạnh bất thường, mưa lũ lớn và tập trung. Tuy nhiên, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, ngành nông nghiệp đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu xuất khẩu trong năm 2017.
Nhân dịp đầu xuân 2018, Phóng viên VOV.VN phỏng vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về những định hướng phát triển ngành trong năm 2018.
PV: Nhìn lại năm qua, Bộ trưởng ấn tượng với điều gì nhất trong tăng trưởng nông nghiệp?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Năm 2017 vừa qua, mặc dù trước những thử thách rất là lớn, về thiên tai, về mặt thị trường tuy nhiên bức tranh tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp đã đạt được những mốc rất quan trọng. Trong đó ấn tượng nhất phải nói là hai ngành ngành thủy sản và rau quả. Đây là những ngành hàng mà ngay từ lúc đầu chúng ta xác định còn dư địa để phát triển và tất cả hệ thống chính trị cũng như các thành phần kinh tế, người nông dân tập trung vào hai nhóm ngành hàng chủ lực quan trọng này. Riêng rau quả, chúng ta đã tăng trưởng tới 40%, mặt hàng tôm tăng trưởng tới 22%.
Trong các mặt hàng xuất khẩu của ngành nông nghiệp có giá trị cao thì thủy sản có đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành. Xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt trên 8,3 tỷ USD, tăng trên 18% so với năm 2016. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ luôn dẫn đầu toàn ngành thủy sản đạt trên 3,8 tỷ USD, chiếm tỷ lệ khoảng 46% tổng giá trị kim ngạch của ngành thủy sản. Sản phẩm tôm của nước ta đã có mặt ở trên 90 thị trường. Việt Nam hiện là nước đứng đầu sản xuất và cung cấp tôm sú cho thị trường thế giới.
PV: Theo đánh giá của các chuyên gia, tăng trưởng ấn tượng của năm 2017 sẽ trở thành áp lực cho ngành trong năm 2018. Để đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong năm nay, ngành nông nghiệp phải bám vào những trụ cột nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Giai đoạn vừa qua, đặc biệt năm 2017, đạt được những kết quả ban đầu nhưng chúng ta không được chủ quan, phải tiếp tục làm sâu sắc hơn những tiềm năng đó biến thành hiện thực bằng các hình thức tổ chức sản xuất và theo một nguyên tắc chung đó là chuỗi giá trị tất cả các nhóm ngành hàng, kể cả những ngành hàng chủ lực quốc gia, nhóm ngành hàng chủ lực của các tỉnh và nhóm ngành hàng đặc sản của các địa phương qua phong trào UCOOP. Theo đó, chúng ta cần tập trung ứng dụng KHCN nhiều hơn nữa và đặc biệt phải tiếp tục chú ý hai nút thắt mà hiện nay chúng ta chưa làm tốt, đó là: khâu phát triển vùng nguyên liệu tập trung, tập trung chế biến sâu, xúc tiến tiếp thị, mở rộng thị trường.
Riêng thủy sản, hiện nay 2 đối tượng chủ lực là con tôm và con cá tra, chúng ta đang rà soát lại tất cả từ khoanh vùng nuôi, riêng con cá tra hiện nay 5.100ha chúng ta đã định dạng cơ bản đến ao nuôi để khống chế không tăng diện tích nhưng đi sâu vào chuỗi giá trị. Tổng số 143 cơ sở chế biến, 62 cơ sở xuất khẩu hiện nay được giám sát chặt chẽ để đảm bảo chất lượng.
Hay ngành hàng rau quả, tiềm năng dư địa của thị trường thế giới còn rất lớn. Tổng thương mại về rau quả là 270 tỷ USD so với lúa gạo, tổng giá trị giao dịch thương mại chỉ 36 tỷ USD, gấp 8 lần..
Nhưng rõ ràng muốn làm tốt khâu này thì chúng ta không chỉ chú ý đến quy hoạch sản xuất vùng nguyên liệu một cách ổn định, một cách tập trung mà quan trọng hơn nữa đó là tập trung cho công tác chế biến. Trong số 22 triệu tấn rau, củ, quả, chúng ta mới chế biến được 9%.
Năm 2018 sẽ tập trung nhiều hơn ở công tác chế biến và chúng ta đã và đang khởi công 5-6 nhà máy ở 6 vùng kinh tế trọng điểm, tập trung vào những nhà máy lớn với công suất và công nghệ hiện đại. Tổng công suất dự kiến các nhà máy này lên tới 1 triệu tấn, tức là bằng công suất của 142 nhà máy hiện có.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp tập trung xây dựng vùng nguyên liệu để đảm bảo hình thành mối liên kết chặt chẽ với bà con nông dân thông qua các HTX kiểu mới, các trang trại… tập trung phát triển mạnh hơn về mặt thị trường, bao gồm thị trường truyền thống và các thị trường mới.
Như vậy, chúng ta phải tập trung đồng bộ cả 3 khâu: phát triển nguyên liệu tập trung theo lợi thế từng vùng miền để lựa chọn đối tượng; thứ hai, đi sâu hơn vào công tác chế biến; thứ ba công tác mở rộng thị trường. Đây là những việc tiền đề năm 2017 đã đặt ra, nhưng năm 2018 phải làm quyết liệt hơn, cụ thể hơn để đưa những định hướng, tiềm năng này vào thực tiễn, biến thành những cơ sở thực tiễn để thực hiện các tiềm năng này.
PV: Trong năm 2018, ngành nông nghiệp có cơ chế, chính sách gì để thu hút các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào phát triển nông nghiệp, tái cơ cấu ngành theo hướng nâng giá trị gia tăng, chế biến, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Đúng là sự nghiệp phát triển nông nghiệp rất cần huy động hình thức công tư. Phải huy động tất cả các lực lượng tham gia thì mới có đủ tiềm lực đầu tư và không chỉ đầu tư mà quan trọng nhất, đó là quản trị sau đầu tư và quan trị bền vững.
Khi có tư nhân tham gia thì hiệu quả đầu tư, chất lượng đầu tư thể hiện rất rõ và rất nhanh. Các ngành hàng như cà phê, lúa gạo, chăn nuôi, cá tra, tôm… chúng ta đang đi đúng hướng. Do đó, cần phải khẳng định rằng đầu tư hợp tác công - tư đang là một xu hướng, chúng ta phải xác định đây là giải pháp nội thân để tiếp cận, tạo động lực và quản trị xã hội với nền kinh tế thị trường. Muốn làm được như vậy, rõ ràng đòi hỏi thứ nhất khuôn khổ chính sách. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đang chi đạo sửa một loạt các chính sách, thu hút thêm nguồn nhân lực bên ngoài, tạo dựng cơ sở pháp lý để các doanh nghiệp yên tâm.
Việc kêu gọi doanh nghiệp tham gia không phải chỉ các doanh nghiệp lớn, quan trọng hơn là các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp vì đây mới là lực lượng nòng cốt, chủ đạo để góp phần chuyển cơ cấu kinh tế hộ tự phát sang nền kinh tế tập trung hàng hóa, chuỗi giá trị.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!/.
An Nhi/vov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn