Đó là một trong bốn giải pháp được Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình - Đại biểu TP Hà Nội - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Hanel đưa ra trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV về Chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 - 2025 tầm nhìn đến năm 2035.
Sau khi ghi nhận những kết quả đạt được trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 và nhìn lại những vấn đề còn tồn tại, Đại biểu Nguyễn Quốc Bình đã đưa ra 4 giải pháp đẩy nhanh việc xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, đó là:
Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cần lấy doanh nghiệp làm chủ lực, đề ra cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đây là đòn bẩy để tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Tái cơ cấu chính sách nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ: Quốc Hội, Chính phủ cần có chủ trương mạnh mẽ và định hướng chuyển nhanh sang phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, trước tiên là để bảo vệ sức khỏe của nhân dân - được sử dụng thực phẩm an toàn - bên cạnh đó là để nước ta có thể chủ động hội nhập với quốc tế dựa trên tiềm năng và lợi thế phát triển nền nông nghiệp của mình.
Đẩy nhanh xã hội hóa chương trình xây dựng nông thôn mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới đóng vai trò vô cùng quan trọng vì mục tiêu của chúng ta không chỉ là thay đổi bộ mặt hạ tầng xã hội của vùng nông thôn mà là xây dựng nông thôn hiện đại (với 70% dân số) theo tinh thần Nghị quyết TW 26 khóa X. Nông thôn mới của nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn. Mục đích nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân phải đưa lên hàng đầu. Nông thôn mới không chỉ là con đường mới, nhà văn hóa, chợ mới hay bưu điện, Internet,... Nếu không bán được sản phẩm, thu nhập của người dân không tăng lên thì sự nghiệp xây dựng nông thôn mới sẽ không còn ý nghĩa.
Kết thúc bài phát biểu Đại biểu Nguyễn Quốc Bình nhấn mạnh: Việc xây dựng nông thôn mới bền vững, lâu dài phải gắn với một nền sản xuất nông nghiệp theo mô hình công nghiệp hóa, phải có sự đóng góp của người dân và doanh nghiệp dưới sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc xã hội hóa chương trình xây dựng nông thôn mới là một giải pháp cần được nghiên cứu đẩy nhanh.
Theo PV/baogiaothong.vn