Đó là xã Thanh Tân (huyện Kiến Xương), Quỳnh Minh (huyện Quỳnh Phụ), Thụy Phúc (huyện Thái Thụy) và Hồng Minh (huyện Hưng Hà).
Bằng cách làm và hướng đi cụ thể, các xã đã huy động sức mạnh nội lực và sự đồng thuận của nhân dân làm đường giao thông, kiên cố hóa thủy lợi, hiến đất và tự phá dỡ công trình để hình thành bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp.
Hệ thống chính trị được kiện toàn, các tổ chức Đảng được củng cố trên ba mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức gắn với nâng cao chất lượng Đảng viên; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo theo hướng mở rộng dân chủ, tăng cường kỷ cương, sâu sát cơ sở.
Theo thống kê, tổng kinh phí huy động đầu tư cho xây dựng nông thôn mới ở Thái Bình đạt hơn 1.800 tỷ đồng, trong đó Ngân sách T.Ư 476,9 tỷ đồng, Ngân sách địa phương 669 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 459 tỷ đồng, còn lại là nguốn tín dụng ưu đãi, vốn ODA…
Mục tiêu xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thái Bình là sản xuất phát triển, giao thông thuận tiện, đời sống sung túc, làng xã văn minh, quản lý dân chủ và lấy mục tiêu sản xuất phát triển là bước đột phá đầu tiên.
Theo đó, hiện nay 70 xã điểm xây dựng nông thôn mới được hỗ trợ 100 triệu đồng/một xã để triển khai sản xuất hàng hóa, trong đó 43 xã quy hoạch vùng sản xuất tập trung, trồng cây có hiệu quả kinh tế.
Chín xã xây dựng thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn được UBND tỉnh hỗ trợ 50% tiền mua giống, hơn 11 tỷ đồng xây dựng kênh mương, hơn 6,5 tỷ đồng làm đường giao thông nội đồng và cải tạo, xây mới trạm bơm.
Thái Bình đề ra mục tiêu đến năm 2015 có 70 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới; 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn ở nông thôn đạt 80%; tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp đạt 4,3%/năm.
Mai Tú
Nguồn nhandan.org.vn