Tăng trưởng cao nhất trong 10 năm
Đánh giá chung về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn 6 tháng đầu năm 2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành Nông nghiệp và PTNT triển khai thực hiện kế hoạch năm 2018 trong điều kiện khá thuận lợi về thời tiết, khí hậu; cây trồng - vật nuôi sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo đó, sản xuất toàn ngành tiếp tục tăng trưởng mạnh; tốc độ tăng trưởng vượt mục tiêu đề ra và đạt mức cao. Dự kiến GDP nông - lâm- thủy sản 6 tháng đầu năm tăng từ 3,95% - 4,05%, đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây. Giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản tăng trưởng 4,2%; trong đó, trồng trọt tăng 4,12%, chăn nuôi tăng 2,04%, lâm nghiệp tăng 5,21%, thuỷ sản tăng 6,49%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 19,4 tỷ USD, tăng 12%. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt 3,9 tỷ USD, tăng 13,1%.
“Nhiều mặt hàng nông sản là điểm sáng của ngành như: gạo, lâm sản và các sản phẩm ngoài gỗ, rau quả… Đây là tiền đề, tạo đà để nông nghiệp hướng đến mục tiêu cả năm đạt mức tăng trưởng 3,5%, kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, độ che phủ rừng đạt 41,65%...”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đến nay đã đạt và vượt các mục tiêu kế hoạch đề ra (đến cuối tháng 6, cả nước có 37,76% số xã, 52 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM); tích cực giải quyết nợ đọng xây dựng cơ bản trong XDNTM.
Công tác thủy lợi đã làm tốt nhiệm vụ điều tiết nước phục vụ sản xuất, công tác phòng chống thiên tai được quan tâm chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ, giảm nhẹ thiệt hại cho các địa phương và người dân trong vùng bị thiên tai.
Công tác xây dựng thể chế; cải cách hành chính mà trọng tâm là cắt giảm thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực trong giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ và các đơn vị; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành.
Công tác quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản và vật tư nông nghiệp được quyết liệt chỉ đạo thực hiện, tạo chuyển biến tích cực.
Hoạt động nghiên cứu khoa học và khuyến nông, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế và tổ chức bộ máy quản lý ngành đã thực hiện được khối lượng lớn công việc, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, năng lực chỉ đạo điều hành của Bộ, ngành.
Thị trường vẫn là khâu yếu
Thẳng thắn nhìn nhận những hoạt động của ngành trong 6 tháng qua, bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận, ngành vẫn còn một số hạn chế, tồn tại.
Về cơ cấu lại nông nghiệp, mặc dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng chưa đồng đều; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và người dân chưa trở thành phổ biến, chủ đạo; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao và tiếp tục bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.
“Thị trường tiêu thụ nông sản đã có nhiều chuyển biến, nhưng nhìn chung vẫn là khâu yếu. Công tác dự báo cung - cầu còn bất cập nên có lúc, có nơi đã xảy ra tình trạng nông sản bị tồn đọng, tiêu thụ chậm, giá giảm, nhất là vào thời điểm thu hoạch chính vụ, ảnh hưởng đến sản xuất, thu nhập và đời sống của một bộ phận người dân hoặc nguồn cung thiếu (như thịt lợn) nên giá tăng cao”, Bộ trưởng cho hay.
Cùng với đó, theo Bộ trưởng, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, công nghiệp phụ trợ từng bước được nâng cao năng lực, một số tập đoàn lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến (riêng rau quả có 8 nhà máy hiện đại được khánh thành trong năm nay) nhưng vẫn chậm so với yêu cầu sản xuất hàng hóa lớn; tổn thất sau thu hoạch còn cao, sản phẩm chế biến sâu chiếm tỷ lệ thấp, giá cả sản phẩm phụ thuộc nhiều vào mùa vụ.
Bên cạnh đó, mặc dù thời gian qua, ngành thủy sản đã nỗ lực thực hiện các biện pháp để khắc phục các khuyến cáo của EC nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm việc gỡ “thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản Việt Nam.
Vượt rào cản
Kết quả sản xuất ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm cho thấy bức tranh hết sức khả quan, kết quả này là tiền đề, tạo đà cho phát triển những tháng cuối năm. Tuy nhiệm vụ từ nay đến cuối năm còn hết sức nặng nề, nhưng với sự quan tâm hỗ trợ, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp đồng bộ của các địa phương, khả năng toàn ngành sẽ đạt và vượt các mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Theo dự báo của Tổ chức Lương - Nông Liên Hợp quốc (FAO), thương mại gạo toàn cầu tiếp tục tăng, trái cây nhiệt đới tăng mạnh, nhu cầu tiêu thụ thủy sản của thế giới tăng trong năm 2018. Bởi vậy, nhiều khả năng xuất khẩu nông sản sẽ tiếp tục giữ mức tăng trưởng cao hơn 6 tháng đầu năm (trên 12%) và kim ngạch xuất khẩu năm 2018 sẽ đạt từ 40-41 tỷ USD.
Từ nay đến cuối năm, ngành còn thu hoạch thêm 3 vụ lúa. Nếu điều kiện thời tiết không bất thường, có khả năng lúa đạt 23,3 triệu tấn, nâng sản lượng lúa cả năm lên 43,9 triệu tấn, tăng ít nhất 1,2 triệu tấn so với năm 2017. Sản xuất cây công nghiệp tiếp tục phát triển, các cây ăn quả có thị trường và giá trị cao tăng mạnh. Xuất khẩu các mặt hàng chè, cà phê, cao su, tiêu, điều có khả năng đạt trên 5,5 tỷ USD, rau quả đạt từ 4,5 - 4,7 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt, ngành tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có thị trường và hiệu quả hơn như: cây ăn quả, các loại rau, hoa theo hướng công nghệ cao và sang nuôi trồng thủy sản, các sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả và ổn định sản xuất.
Đặc biệt, ngành sẽ tăng cường sử dụng giống tốt, giống chất lượng cao phù hợp với vùng sinh thái kết hợp với các quy trình thâm canh tốt, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, tăng nhanh giá trị và khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm.
Để đạt mục tiêu 9 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2018, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, ngành lâm nghiệp sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp từ nguyên liệu, công nghệ chế biến, thị trường. Với thị trường sẽ cố gắng giữ ổn định thị trường truyền thống, mở rộng thêm thị trường mới. Đồng thời, khuyến cáo doanh nghiệp phải sử dụng nguyên liệu hợp pháp, nói không với nguồn nguyên liệu bất hợp pháp.
“Trong tương lai, ngành lâm nghiệp xây dựng các vùng nguyên liệu gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ. Cùng với đó, tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy cơ chế khuyến khích việc hình thành các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn ở từng vùng kinh tế. Ngoài ra, lấy các doanh nghiệp mạnh hiện có làm trung tâm liên kết chuỗi sản xuất đối với mỗi sản phẩm chủ lực, nhất là sản phẩm xuất khẩu”, ông Trị nhấn mạnh.
Chăn nuôi lợn đang phục hồi, dự báo sẽ có tăng trưởng dương, sản lượng thịt hơi có thể tăng thêm 0,4%. Sản xuất và xuất khẩu cá tra duy trì tốt, các doanh nghiệp đã linh hoạt chuyển hướng sang các thị trường mới như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN. Nuôi tôm nước lợ tiếp tục phát triển do thời tiết thuận lợi (trừ tôm thẻ chân trắng giá giảm nên có thể người nuôi không mở rộng diện tích nuôi).
Dự báo 6 tháng cuối năm, thị trường xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, giá cả cơ bản ổn định, sản lượng xuất khẩu nhiều khả năng tăng cao do nhu cầu tiêu dùng quốc tế những tháng cuối năm tăng. Thị trường trong nước ổn định.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, các đơn vị cần vừa tập trung tháo gỡ thị trường, vừa mở thị trường mới. Mặt khác, khâu sản xuất làm sao phải đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật về an toàn thực phẩm, kiểm dịch. Cùng với đó, tiếp tục cải cách hành chính, các quy trình thủ tục, thanh tra chuyên ngành cần phải giảm đầu mối, giảm bớt thủ tục. Một lô hàng chỉ làm ở một đầu mối để giảm bớt khó khăn, chi phí cho doanh nghiệp.
Nhiệm vụ còn lại của ngành Nông nghiệp và PTNT từ nay đến hết năm là rất lớn trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước vẫn diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu được dự báo tiếp tục gây nên những hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai khó lường. Vì vậy, rất cần sự quyết tâm, nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, đơn vị, các cấp, ngành với các chính sách, giải pháp toàn diện để ngành Nông nghiệp và PTNT hoàn thành kế hoạch năm 2018, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước và bảo đảm an sinh xã hội.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2018 là 3,25%, 6 tháng cuối năm giá trị sản xuất toàn ngành phải đạt được mức tăng trưởng từ 2,3% trở lên. Theo đó, giá trị sản xuất toàn ngành 6 tháng cuối năm phải tăng thêm ít nhất 12 nghìn tỷ đồng, để giá trị sản xuất của cả năm 2018 tăng thêm so với năm 2017 ít nhất 29,1 nghìn tỷ đồng (tăng 3,25% như mục tiêu đề ra). |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn