Ảnh: Thái Sơn |
Cuộc tọa đàm có sự tham dự của các vị khách mời: Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM Trung ương Trần Văn Môn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định Nguyễn Sinh Tiến, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Nông thôn mới Hoàng Trọng Thủy.
Nội dung của tọa đàm:
Thưa ông, sau gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 (Chương trình NTM), ông có thể khái quát qua diện mạo bức tranh NTM hiện nay so với những thời điểm trước?
Ông Trần Văn Môn: Dù mức độ đạt được có khác nhau ở các vùng miền, nhưng nhìn tổng thể bức tranh nông thôn Việt Nam đã có khởi sắc thay đổi rất nhiều, từ không gian đến cảnh quan, điều kiện đời sống vật chất tinh thần của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Điều này khẳng định tính đúng đắn và định hướng rất rõ của Nghị quyết 26, cũng như Chương trình NTM là một giải pháp cụ thể hóa Nghị quyết đi vào cuộc sống.
Những khó khăn, cản trở khi thực hiện Chương trình NTM như nhận thức của cấp uỷ, chính quyền và người dân đối với NTM, tình trạng lạm thu, quy hoạch không đến nơi đến chốn gây lãng phí trong đầu tư xây dựng… được báo chí, truyền thông nhắc đến nhiều. Ông thấy sau 10 năm các vấn đề này được giải quyết như thế nào?
Ông Trần Văn Môn: Đây là vấn đề xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu của Chương trình, đã được Ban chỉ đạo (BCĐ) Trung ương cũng như BCĐ các tỉnh đã đặt ra và có giải pháp chỉ đạo quyết liệt. Nó xuất phát từ nguyên nhân, đó là nhận thức lúc đầu của cả cán bộ và người dân là Nhà nước đầu tư-người dân hưởng thụ; do đó đã có chỉ đạo quyết liệt về chủ chương dân làm-Nhà nước hỗ trợ. Thứ hai là phát huy vai trò cao độ của các cơ quan truyền thông để nắm bắt, giám sát, phản ánh kịp thời, giúp BCĐ các cấp phát hiện điểm còn hạn chế ở từng địa phương. Vừa rồi, nhiều địa phương cũng đã kiên quyết thu hồi lại danh hiệu khi địa phương đó không đạt chuẩn.
Nam Định được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện Chương trình NTM tốt nhất. Vậy, tỉnh đã thực hiện Chương trình như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Sinh Tiến: Những năm qua, Nam Định luôn xác định mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp cũng như xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng, liên tục và không có điểm dừng. Kết cấu hạ tầng nông thôn tại Nam Định cũng đã được đầu tư, cải tạo, nâng cấp tương đối đồng bộ, góp phần phục vụ tốt cho sản xuất và phòng chống thiên tai. Kinh tế nông nghiệp, nông thôn cũng đã có những bước phát triển mới. Thu nhập người dân nông thôn so với năm 2010 tăng gấp 3,5 lần; tỷ lệ hộ nghèo tính đến tháng 6/2019 còn dưới 2%; các giá trị văn hóa truyền thống đã được bảo tồn, phát huy; phong trào văn hoá, văn nghệ được phát triển.
Đến hết năm 2018, Nam Định có 100% số xã, thị trấn đạt tiêu chí NTM. Đến hết tháng 7/2018, 100% số huyện, thành phố đã được Trung ương công nhận đạt tiêu chí NTM cấp huyện. Nam Định đã về đích sớm hơn so với mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ lần thứ 19 của tỉnh đặt ra (sớm hơn 1,5 năm). Cùng với Đồng Nai, Nam Định là một trong hai địa phương dẫn đầu toàn quốc về phong trào xây dựng NTM.
Ông đánh giá thế nào về ý kiến của hai vị khách mời trước? Trong 10 năm qua, ông nhận thấy điểm tích cực gì trong chủ trương, giải pháp thực thiện Chương trình NTM?
Ông Hoàng Trọng Thủy: Tôi đồng thuận với hai ý kiến trên. Bên cạnh đó có 3 điểm cần nhìn nhận. Thứ nhất là sự bền bỉ để đi từ không đến có, từ số ít đến số nhiều, từ làng quê đến thành phố, thậm chí là sự huy động con em ở nước ngoài tham gia. Thứ hai, trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp để tăng thu nhập cho người dân, chúng ta đã kịp thời điều chỉnh xoay trục nông sản, vì vậy vẫn giữ ổn định xuất khẩu nông sản. Thứ ba, kích hoạt du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái không chỉ ở những vùng đồng bằng, làng nghề mà ở cả Thái Nguyên, Lai Châu, Điện Biên,…
NTM đã tạo ra một giá trị mới cho định hướng phát triển trong kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn.
Với vai trò là chuyên gia, theo ông, chúng ta cần rút ra những bài học gì để giai đoạn tiếp theo triển khai được tốt hơn?
Ông Hoàng Trọng Thủy: Bài học thứ nhất, việc thiết kế mẫu hình NTM trong kinh tế của nông thôn về làng, về nghề thủ công, du lịch và sản xuất nông nghiệp phải ăn khớp với nhau, nương tựa vào nhau cùng phát triển. Nếu cấu trúc ấy không được hoạch định, thiết kế ngay từ ban đầu thì chúng ta thấy là trong quá trình vận hành sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bài học thứ hai là sự chuẩn bị của cấp ủy, vào cuộc của chính quyền, địa phương, các tổ chức xã hội. Chúng ta phải chống bằng được sự ỷ lại, trông chờ vào vốn của Nhà nước, cũng như việc ngại khó, ngại khổ, ngại vận động nhân dân trong quá trình tổ chức lại sản xuất hoặc quá trình giải quyết vấn đề môi trường. Bài học thứ ba là không nên gò ép về mặt chỉ tiêu, không nên nóng vội. Nó sẽ dẫn đến hậu quả là bệnh thành tích và đầu tư không hiệu quả.
Nhưng dù có muốn phát triển kinh tế mà không có hạ tầng thì cũng khó có thể làm được. Như ông thấy, gần 50% số xã chưa hoàn thành NTM đều là các xã ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, cần suất đầu tư lớn. Chính phủ và BCĐ đã có giải pháp gì để huy động và sử dụng nguồn lực trong giai đoạn tới để phát triển các xã này, không để phong trào chùng xuống?
Ông Trần Văn Môn: Những xã càng về sau mà chưa đạt NTM thì càng khó, nó xuất phát từ địa hình và điều kiện tự nhiên, dân cư. Giải pháp cụ thể trước mắt: BCĐ Trung ương nhân rộng và xây dựng đề án xây dựng NTM ở cấp thôn bản, thí điểm trong giai đoạn 2018-2020. Thứ hai, ưu tiên nguồn lực cho xã khó khăn gấp 4-5 lần xã bình thường. Thứ ba, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn; huy động doanh nghiệp, nhà tài trợ tập trung đâu tư vào các vùng khó khăn, đặc biệt là các vùng căn cứ cách mạng; phát triển du lịch gắn với NTM. Bên cạnh đó, tiếp tục phát động phong trào thi đua giai đoạn 2021-2030 để huy động mọi nguồn lực và động viên, khuyến khích sự thi đua đúng nghĩa.
Thưa ông Hoàng Trọng Thủy, ông có đánh giá thêm gì về nội dung này? Theo ông, chúng ta cần phải làm gì để duy trì được nhịp độ của Chương trình NTM trong giai đoạn tới, nhất là ở các khu vực còn nhiều khó khăn?
Ông Hoàng Trọng Thủy: Nhịp độ phụ thuộc vào nguồn ngân sách và nguồn tài chính, bởi chủ chương đổi đất lấy công trình ở miền núi càng ngày càng khó khăn. Trước hết, cần phải có cơ chế đặc thù cho những vùng đặc biệt và vùng khó khăn như hỗ trợ đất ở, hỗ trợ đất sản xuất để tất cả mọi người đến tuổi lao động được lao động và tạo nên yếu tố thu nhập. Thứ hai, bố trí, sắp xếp lại khu dân cư để người dân tránh được lũ quét, ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu. Thứ ba, hỗ trợ tín dụng cho người nông dân, các tổ nhóm hợp tác xã. Thứ tư, đào tạo đội ngũ cán bộ cơ sở để họ có thể vận động nhân dân, tổ chức sản xuất.
Đối với địa phương, có 5 việc cần làm: Thứ nhất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nông nghiệp để họ liên kết, dẫn dắt. Thứ hai, đầu tư cho thủy lợi, nước tưới tiêu, giao thông từ vùng nguyên liệu đến nơi sản xuất, nếu không giải quyết được thì chất lượng nông sản rất thấp. Thứ ba, hỗ trợ dự án khởi nghiệp cho nông dân, người trẻ để tạo ra những gương sản xuất tiêu biểu, mô hình tiên tiến ngay trên địa bàn. Thứ tư, đào tạo chương trình khoa học kỹ thuật cho người nông dân, chủ trang trại để tạo ra các sản phẩm nông sản sạch cung ứng cho thị trường. Thứ năm, phải nghiêm cấm việc vay quá lớn, vượt quá năng lực, hấp thụ không hết thì sẽ gây ra hậu quả rất lớn.
Thưa ông Nguyễn Sinh Tiến, Nam Định là tỉnh nghèo, nhưng lại về đích NTM sớm. Vậy bài học của Nam Định trong huy động nguồn lực này như thế nào?
Ông Nguyễn Sinh Tiến: Nam Định là tỉnh có nguồn lực thu ngân sách không lớn, tuy nhiên, trong quá trình triển khai, tỉnh đã có những sáng tạo. Đó là vận động sự tham gia của các doanh nghiệp, của những người con quê hương Nam Định có điều kiện; đặc biệt xác định người dân đóng vai trò chủ thể, người dân và doanh nghiệp là người hưởng lợi… Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng NTM vừa qua, tổng số nguồn lực xây dựng NTM của Nam Định là trên 22.000 tỷ đồng. Nguồn ngân sách Nhà nước chỉ chiếm 26,3%, còn lại là các nguồn lực khác như vốn tín dụng để phát triển kinh tế-xã hội, vốn người dân đóng góp, vốn huy động của các “Mạnh Thường Quân”. Nhờ đó, Nam Định mới hoàn thành và đạt được những kết quả như ngày hôm nay.
Hướng đi tiếp theo của tỉnh sẽ là gì, và với những tiêu chí cụ thể gì, thưa ông? Nếu nói về nông thôn của Nam Định trong thời gian tới, ông muốn người dân Nam Định và cả nước biết đến đặc trưng gì?
Ông Nguyễn Sinh Tiến: Nam Định có trên 70% dân số vẫn sống ở nông thôn. Hiện nay, Nam Định đã về đích NTM, tuy nhiên trong giai đoạn tới, tỉnh vẫn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn đóng vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Nông nghiệp, nông thôn, nông dân ổn định mới góp phần làm nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đồng thời xác định NTM là có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc.
Chính vì vậy, mục tiêu tổng quát, cốt lõi cũng như đặc trưng của Nam Định trong thời gian tới là phấn đấu xây dựng nông thôn Nam Định có kết cấu hạ tầng, kinh tế-xã hội theo hướng hiện đại và kết nối đồng bộ với đô thị; kinh tế phát triển, người dân có thu nhập ổn định; có môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp và xã hội văn minh.
Kinh tế nông nghiệp nông thôn sẽ tập trung triển khai theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đó là triển khai theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững và có sức cạnh tranh. Trước đây, sản xuất nông nghiệp của Nam Định chủ yếu theo hướng phục vụ tiêu dùng là chính, tự cung tự cấp là chính. Nhưng những năm gần đây, chúng tôi đang chuyển hướng dần theo hướng vừa phục vụ tiêu dùng, vừa sản xuất lớn để làm hàng hóa gắn với truy xuất nguồn gốc theo chuỗi, bảo đảm chất lượng, phục vụ tốt sản xuất và người tiêu dùng.
Về mục tiêu phấn đấu cụ thể của Nam Định thời gian tới, là phấn đấu đến năm 2020 có 25% số xã, thị trấn đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có ít nhất 10 mô hình NTM kiểu mẫu ở xã, thôn. Riêng huyện Hải Hậu, hình thành cơ bản rõ nét cũng như các tiêu chí của huyện NTM nâng cao.
Mục tiêu đến năm 2025 có 70% số xã, thị trấn đạt NTM nâng cao, trong đó có 20% số xã, thị trấn đạt NTM kiểu mẫu và có ít nhất 5 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao và riêng huyện Hải Hậu sẽ về đích NTM kiểu mẫu.
Chúng ta vừa nghe tới các cụm từ NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao. Vậy hiểu các danh xưng này thế nào thưa ông?
Ông Trần Văn Môn: NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu trong giai đoạn này và giai đoạn sau là cần thiết. Bởi mục tiêu của Chương trình là không ngừng nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân. Trưởng BCĐ Trung ương đã nêu rõ, có khởi đầu, không có kết thúc. Nghĩa là chúng ta phải tiếp tục, không có tính nhiệm kỳ và không bao giờ dừng lại. Khi được công nhận đạt chuẩn NTM, một số địa phương có tư tưởng là thỏa mãn, chững lại. Điều này thể hiện chúng ta chưa làm đúng quan điểm chỉ đạo của Trung ương.
Các đơn vị đã được công nhận hoàn thành NTM phải thực hiện tiếp NTM nâng cao. NTM nâng cao được hiểu theo nghĩa, tất cả các tiêu chí đều phải tập trung nâng cao. Trong đó xác định những tiêu chí trọng tâm liên quan đến đời sống của người dân như thu nhập, môi trường, chăm sóc sức khỏe, BHYT… Bắt buộc các xã phải thực hiện NTM nâng cao để không có tư tưởng chững lại.
Về NTM kiểu mẫu, chúng ta làm trên cơ sở phát huy lợi thế của từng địa phương, xây dựng mẫu hình về một lĩnh vực nào đó. Ví dụ như huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) xây dựng về lĩnh vực cảnh quan môi trường; huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) phát triển công nghệ cao theo hướng thông minh, phát triển sản xuất nông nghiệp; huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) về lĩnh vực du lịch và bảo tồn bản sắc. Chúng ta không phải bắt buộc cho tất cả các tiêu chí, các cơ sở phải trọng tâm các tiêu chí liên quan đến đời sống của người dân, nhưng phải chọn được lợi thế để xây dựng NTM kiểu mẫu. Trên cơ sở đó, năm 2020, sẽ tổng kết NTM kiểu mẫu để hoàn thiện tiêu chí. Mẫu thì không bắt buộc, chỉ khuyến khích và giao chỉ tiêu làm thử, trên cơ sở đó tổng kết rút kinh nghiệm, phục vụ cho việc xây dựng tiêu chí giai đoạn 2021-2025.
Nhiều người hiểu rằng, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là sự kết hợp của kinh tế, văn hoá và môi trường ngày càng tốt lên, xoay quanh trung tâm là mỗi con người trong cộng đồng thôn, xóm. Nhưng nông thôn mỗi nơi một kiểu khác nhau, rất cần sự quy hoạch, định hướng của chính quyền địa phương? Ý kiến của ông như thế nào?
Ông Nguyễn Sinh Tiến: Tôi cơ bản đồng tình với ý kiến này. Phát triển nông thôn theo hướng nông thôn hay kiểu mẫu, chúng ta thực hiện theo chỉ đạo và bộ tiêu chí quốc gia của Trung ương, phù hợp với từng vùng miền. Tuy nhiên, theo tôi, trong đó nên có những tiêu chí Trung ương phân cấp cho địa phương, đặc biệt là các tỉnh để phù hợp với những điều kiện đặc thù, cũng như để địa phương phát huy được thế mạnh của mình.
Như ông Môn vừa chia sẻ, thông qua những tiêu chí này, các địa phương khi xây dựng NTM nâng cao hay NTM kiểu mẫu cũng thể hiện được điểm nhấn đặc thù trong xây dựng NTM của từng vùng miền, địa phương.
Một địa phương đã đạt NTM, nhưng nếu bị mất mùa diện rộng, hay bị thiên tai bão lũ hoành hành, cơ sở hạ tầng bị huỷ hoại, thu nhập của người dân về 0 hoặc âm... thì khi ấy, địa phương đó không còn là NTM nữa. Để khắc phục, chúng ta đã nói đến gắn NTM với cơ cấu lại nông nghiệp, gắn với thích ứng biến đổi khí hậu. Nhà nước đã có những quyết pháp gì cho vấn đề này, thưa ông?
Ông Hoàng Trọng Thủy: Nhà nước đã triển khai rất tích cực và thành công vấn đề này. Tôi chọn 5 vấn đề lớn để chia sẻ: Thứ nhất, chúng ta đã điều tra, khảo sát, lắp đặt ở một số vùng trọng điểm những thiết bị về mặt kỹ thuật, dự báo cảnh báo truyền tin về các trạm. Các trạm dự báo ở những khu vực miền núi phía Bắc, gần đây, dự báo thời tiết tương đối chính xác. Rõ ràng Nhà nước đã khảo sát và làm việc này tốt.
Thứ hai, Nhà nước hỗ trợ rất lớn về nguồn lực kinh tế để cho giao thông, thủy lợi, xây dựng các khu trung tâm thương mại... để kết nối giữa miền núi với miền xuôi, giữa nông thôn và thành thị, giữa nông nghiệp và công nghiệp. Sự định hướng trong quy hoạch và kiểm soát này cộng với nguồn lực, đối với các tỉnh miền núi, chúng ta có thể thấy rõ nét hơn sự thay đổi giữa sản xuất nông sản và kinh doanh nông sản.
Thứ ba, điều tra hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu về đất ở, đất sản xuất... Chính phủ và Quốc hội đang làm quyết liệt vấn đề này để các nông trường quốc doanh phải trả lại đất nếu chưa sử dụng hết và không có hiệu quả nhằm điều tiết lại cho địa phương và đồng bào dân tộc miền núi. Những khu vực điều tiết này phải thuận lợi và tạo ra giá trị cho nông sản phát triển. Tôi cho rằng đây là một sự quan tâm rất lớn và đáp ứng được nguyện vọng của người nông dân ở miền núi.
Thứ tư, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, chế biến, kết nối nông sản, đặc biệt là Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm, nhằm khuyến khích đồng bào dân tộc có nhiều sản phẩm địa phương để tham gia vào trục nông sản của quốc gia và toàn cầu. Đây là hướng để chúng ta khai thác triệt để nguồn lợi nông sản của vùng nhiệt đới, phát triển thị trường nông sản hướng ra xuất khẩu.
Thứ năm, sự hỗ trợ về thông tin, bao gồm báo chí, tuyên truyền, đưa khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây mới lên vùng cao, giúp cho đồng bào sản xuất bằng những dự án. Bộ NN&PTNT, các tổ chức đoàn thể, thanh niên, phụ nữ, nông dân, mặt trận… đều có những dự án để thực hiện. Đây là quá trình chuyển từ đường lối chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến từng người dân.
Tôi tin rằng, rút được những bài học, kinh nghiệm giai đoạn 10 năm đã qua, những năm tiếp theo, chắc chắn những vẫn đề này sẽ được sửa đổi.
Liên quan đến việc thực hiện tiêu chí văn hóa gắn với xây dựng NTM, đã có nhiều nơi, đặc biệt một số địa phương tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, ngoài việc giúp đồng bào phát triển kinh tế, còn đầu tư cho việc bảo tồn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, thực hiện tốt công tác thống kê, giới thiệu, tuyên truyền về các di sản văn hóa, các sản phẩm hàng hóa đặc thù của địa phương. Tuy nhiên hiện còn khá nhiều địa phương vẫn đang trăn trở với câu chuyện giữa bảo tồn các giá trị văn hóa với việc phát triển kinh tế. Ông nghĩ sao về những băn khoăn này?
Ông Trần Văn Môn: Cả nước có rất nhiều di sản văn hóa, lịch sử và nhiều di sản đã được thế giới công nhận. Thực tế, việc bảo tồn gắn với phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập từ trước nay rất khó, vì công tác bảo tồn đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Tuy nhiên, việc này đã có hướng đi và giải pháp, đó là phát huy lợi thế của các di sản văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch; đã giao cho Bộ VHTT&DL xây dựng đề án “Phát triển du lịch nông thôn gắn với NTM”. Tại các địa phương hằng năm vẫn tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa, văn nghệ để thu hút và đã thu hút được nhiều nhà đầu tư. Qua đó chúng ta có thể huy động được nguồn lực của cả quốc tế, ngân sách, nhân dân trong và ngoài địa phương.
Hiện nay, việc bảo tồn các giá trị văn hóa gắn chặt với việc phát triển kinh tế để phát huy lợi thế của di sản và các giá trị truyền thống gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập người dân… mặc dù trước mắt còn những khó khăn, nhưng thời gian tới sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực hơn.
Câu chuyện gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương hiện được thực hiện như thế nào tại tỉnh Nam Định, thưa ông?
Ông Nguyễn Sinh Tiến: Trong quá trình thực hiện xây dựng NTM, bức tranh nông thôn Nam Định đến nay chúng tôi đánh giá có nhiều khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Song song với đó là việc giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa của địa phương luôn được quan tâm.
Chúng tôi triển khai cụ thể như sau: Xác định, lựa chon những giá trị truyền thống để định hướng giữ gìn. Nam định là vùng đất cổ nên rất đa đạng về những di tích, giá trị văn hóa. Xây dựng NTM không xóa bỏ cái cũ để xây dựng cái mới. Phải kế thừa, giữ gìn, phát huy thành quả của thế hệ đi trước.
Giữ gìn môi trường, không bê tông hóa nông thôn, tạo cây xanh, ao hồ. Đa dạng hóa các thiết chế văn hóa NTM như tập chung đầu tư xây dựng thư viện, nhà văn hóa, sân thể thao. Tôn tạo những giá trị truyền thống như đền chùa, cây đa, giếng nước.
Thực hiện tốt phong trào xây dựng gia đình, tổ dân phố, làng xóm văn hóa. Hết năm 2018, xấp xỉ 83% gia đình nông thôn đạt gia đình văn hóa, trên 92% thôn xóm văn hóa.
Nâng cao công tác bảo tồn di tích lịch sử, nhân rộng văn hóa nghệ thuật truyền thống, phục hồi lễ hội dân gian. Xây dựng nếp sống văn hóa mới ở nông thôn, vận động người dân giữ gìn truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ hủ tục, giữ gìn nề nếp gia phong gia đình, hương ước làng xóm.
Có ý kiến cho rằng phát triển NTM nhưng vẫn gìn giữ, phát huy những giá trị bản sắc văn hoá còn nhiều thách thức, thậm chí chưa có các giải pháp xử lý triệt để. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Hoàng Trọng Thủy: Rõ ràng xây dựng NTM đạt được nhiều kết quả trong sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng con người, đời sống văn hóa con người còn có những bước ngập ngừng và khấp khểnh. Nhiều yếu tố văn hóa ở nông thôn làm người dân chưa cảm thấy an lòng.
Vì sao còn nhiều thách thức, chưa triệt để? Chúng ta phải chia sẻ với những cán bộ địa phương.
Thứ nhất, ở Việt Nam mâu thuẫn lớn nhất là giá trị mới còn chưa được xác định, giá trị cũ không bị mất đi, cho nên tất cả mọi mặt hoạt động đời sống sản xuất đều có thách thức gay gắt. Thứ hai, người dân thiếu tiếp cận về thông tin, chỉ sử dụng thông tin riêng, chưa tiếp cận cái mới. Thứ ba, những tập quán cũ lạc hậu như một sợi dây trói buộc con người. Đứng trước sự thay đổi lớn người ta dễ mất bình tĩnh, hoặc không cảm thụ được tính thời đại, mà tiếp cận nó một cách hờ hững. Cuối cùng, đó là năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng của cán bộ cơ sở còn yếu.
Văn hóa ở nông thôn phải là văn hóa hợp tác trong sản xuất. Phải làm ra những sản phẩm có giá trị cao, trách nhiệm với xã hội. Đơn cử như thực phẩm an toàn, nông sản sạch cung cấp cho con người. Nhưng rõ ràng văn hóa đó không được coi trọng trong nhận thức con người, mà lại nằm ở quy trình sản xuất, tôi cho đó là báo động.
Tiếp theo đó là ứng xử của con người với môi trường. Hiện nay sử dụng thuốc trừ sâu rất bừa bãi, rồi bê tông hóa, chúng ta bê tông hóa nên môi trường sinh thái bị mất cân bằng.
Thứ ba, đó là ứng xử tình làng nghĩa xóm. Văn hóa này còn giữ lại được ở các thôn làng, tuy nhiên, đội ngũ cán bộ chưa sâu sát trong việc nâng tầm văn hóa ở mỗi gia đình.
Và cuối cùng, chúng ta đang hướng đến văn hóa bằng cách xây dựng cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, việc đưa người dân đến đó để hình thành sức khỏe, niềm vui, nhân lên sự chia sẻ gần như vẫn phụ thuộc vào sự tự nguyện của người dân. Sự dẫn dắt của cán bộ cho những điều đó đi theo hướng lành mạnh, vui tươi, nhân ái hơn vẫn chưa được thực hiện triệt để.
Nông thôn đang ngày một "thay da, đổi thịt", ngoài nhờ các chính sách hợp lý thì phải kể đến công tác tuyên truyền, vận động sự đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân. Các phong trào thi đua đã góp phần không nhỏ vào công tác vận động, tuyên truyền người dân thay đổi nhận thức. Ông đánh giá thế nào về những hoạt động này? Ông có thể chia sẻ một vài câu chuyện cụ thể ở một số nơi làm tốt việc này?
Ông Nguyễn Sinh Tiến: Thành tích như ngày hôm nay có được thì sự vào cuộc của các tổ chức chính trị, xã hội, công tác tuyên truyền rất quan trọng. Thông qua tuyên truyền, người dân hiểu được ý nghĩa của NTM, hiểu được chủ thể là mình, hiểu được thành quả và cùng đồng thuận.
Chương trình NTM của Nam Định khi tổng kết đã đưa ra phương châm: Dân cần, dân biết, dân bàn, dân giám sát và dân thụ hưởng. Khi nhân dân hiểu, họ sẵn sàng góp tiền của, công sức. Trong phong trào NTM vừa rồi, các nguồn lực của Nhà nước chỉ chiếm 26,3%, còn lại là sự đóng góp của nhân dân quê hương.
Ông Hoàng Trọng Thủy: Các tổ chức chính trị, xã hội đã bước vào phong trào này rất hứng khởi. Tôi ví dụ 3 câu chuyện sau đây:
Chương trình “Nông dân dạy nông dân”, chương trình “Thêm cây” ở Hà Tĩnh. Từ những chương trình này, chúng ta thấy kinh tế vườn đồi ở huyện Hương Sơn rất phát triển. Nhiều nông dân giỏi lại dạy những người nông dân khác. Từ những hộ nhỏ lẻ hợp thành nhóm, thành 58 nhóm, tập hợp 1.800 hộ dân, sản xuất trên 300 ha rừng. Trước đây chỉ thu được 30 triệu đồng /ha, giờ đây, thu được trên 100 triệu đồng/ha.
Làng Qoằm ở Bát Xát, Lào Cai: Công tác mặt trận bàn với nông dân về tái cơ cấu nông nghiệp, bàn với hội phụ nữ về môi trường… từ một vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đã ý thức được chuyện vệ sinh môi trường. Đây là một cuộc cách mạng vĩ đại, nếu dùng biện pháp quản lý Nhà nước không giải quyết được, mà chỉ bằng công tác vận động thấm dần để người dân tự nguyện.
Làng Ngàm ở Thanh Hóa có phong trào “Năm không, ba sạch”, nông dân đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo, hội người cao tuổi có phong trào ông bà mẫu mực, cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền… Làng đã vận dụng những điều này trong xây dựng NTM. Thế mạnh của làng Ngàm là vầu và nứa. Năm 2014, khi điều chỉnh lại đất, chính quyền vận động mỗi nhà để lại một phần đất sản xuất, tạo thành một khu rừng chung trồng vầu nứa, các hộ thay phiên nhau chăm sóc. Đến mùa thu hoạch được 1,3 tỷ đồng tiền sản phẩm từ 2 km đường quanh làng. Người dân đóng góp 1 tỷ đồng xây 72 bể nước sạch cung cấp cho các hộ, làm cả nhà vệ sinh ở sân thể thao chung.
Phong trào thi đua rất quan trọng, đánh thức được lòng dân, tạo sức mạnh đoàn kết trong dân, hướng tới giá trị cộng đồng. Đó chính là xây dựng con người mới mang yếu tố văn hóa để con người thành chủ nhân của sự phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM.
Theo ông, việc phát huy tính dân chủ để người dân thực hiện dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng trong xây dựng NTM cần được thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong xây dựng NTM các giai đoạn tiếp theo?
Ông Trần Văn Môn: Dân chủ ở nông thôn nâng lên rõ rệt thông qua chương trình NTM. Vì thông tin được cung cấp đến người dân thực sự, họ được vào cuộc tham gia thực sự, tạo sự tin tưởng, từ đó người dân tự nguyện tham gia tạo sự đoàn kết và giá trị cộng đồng. Sắp tới, chúng ta cần phát huy hơn nữa.
Thứ nhất, rà soát cơ chế chính sách. Trước chúng ta chỉ có Quyết định 498/QĐ-TTg ở giai đoạn trước để thử nghiệm, sau này nâng lên thành chương trình cho NTM. Giai đoạn hai, chúng ta có Nghị định 161, áp dụng cho cả hai chương trình để phát huy hiệu quả đầu tư.
Thứ hai, trong quy định của các văn quy phạm pháp luật, từ Quy chế quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia, Quyết định 41 của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư 01 của Bộ KH&ĐT dẫn lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, giám sát, nghiệm thu bàn giao thế nào đều có vai trò của người dân. Quan trọng nhất là Quyết định 2540 của Thủ tướng Chính phủ về quy trình thủ tục hồ sơ xét công nhân địa phương đạt chuẩn NTM cấp xã, cấp huyện bắt buộc lấy ý kiến người dân, giao hẳn cho một đơn vị độc lập khách quan là MTTQ để lấy ý kiến. Đây là nội dung đã triển khai được. Chúng ta phải chú trọng giám sát để khắc phục những tồn tại hạn chế. Không phải nơi nào cũng tích cực tạo điều kiện cho dân làm. Chúng tôi đánh giá cơ bản là tốt, nhưng vẫn còn một số điểm chưa tốt, cần kiểm tra giám sát chặt chẽ hơn. Đó là định hướng trong thời gian tới.
Nhóm PV/ Chinhphu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn