Khi mới bắt tay thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2011, xã Tam Đa, huyện Yên Phong gặp muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, xã đã có những cách làm hay, sáng tạo nhằm phát huy cao nhất sức dân trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, sau 6 năm thực hiện, bộ mặt nông thôn nơi đây đã khởi sắc nhờ cách làm hiệu quả.
Tại thời điểm mới triển khai xây dựng nông thôn mới, qua rà soát đánh giá Tam Đa đạt 11/19 tiêu chí, còn 8 tiêu chí chưa đạt là: Giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường, y tế. Trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn độc canh cây lúa, nguồn thu ngân sách chủ yếu trông vào sự cân đối điều tiết của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, ngay từ khi triển khai chương trình, xã đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới; rà soát, khảo sát và vận dụng sáng tạo trong việc xây dựng đề án trên địa bàn sao cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa của chương trình. Nhờ đó, nhận thức của cán bộ và nhân dân có sự chuyển biến tích cực, ủng hộ và tham gia rất nhiệt tình. Hàng tháng, Đảng ủy, UBND xã đều có Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo giao cho từng chi bộ, từng thôn, triển khai đến từng hộ gia đình đăng ký thực hiện nông thôn mới, qua đó đánh giá thực tế kết quả, những vướng mắc cần tháo gỡ. Nhờ áp dụng các biện pháp một cách đồng bộ, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi giữa các thôn, xóm ở Tam Đa. Nhân dân không ngại đóng góp tiền của, ngày công để thi công các công trình hạ tầng, đặc biệt là giao thông nông thôn.
Sau hơn 6 năm triển khai, xã đã huy động được tổng nguồn vốn trên 129 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách cấp trên hỗ trợ hơn 124 tỷ đồng, còn lại là ngân sách xã và sự đóng góp của nhân dân. Xã đầu tư kiên cố hóa đường giao thông nông thôn được trên 46,3km, bê tông hóa, giải cấp phối 18,3km đường trục chính nội đồng; thực hiện cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi đầu mối, cứng hóa 8,5km kênh mương; xây dựng nhà lớp học mầm non, nâng cấp các trường tiểu học, trung học cơ sở. Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,4%. Thu nhập đầu người tăng lên trên 40 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh các tiêu chí cần sự hỗ trợ lớn về ngân sách thì tiêu chí thu nhập là một trong những tiêu chí khó, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, những mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động hiệu quả, góp phần đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
Về thôn Đại Lâm, xã Tam Đa hôm nay ai nấy đều ngỡ ngàng bởi đường làng đã được bê tông hóa 100%. Đời sống tinh thần của người dân cũng ngày được nâng cao. Số hộ nghèo chỉ còn 3%, không có hộ đói. Điều đặc biệt là học sinh mầm non không còn phải học nhờ nhà chùa như trước đây mà đã có trường học khang trang, sạch đẹp. Năm 2017, thôn đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, góp phần cùng nhân dân trong xã cán đích nông thôn mới. Có được kết quả đó là nhờ vào tinh thần đoàn kết toàn dân trong thực hiện các cuộc vận động tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đa, huyện Yên Phong cho biết: “Có thể nói, với sự nỗ lực vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, diện mạo nông thôn ở Tam Đa không ngừng khởi sắc. Đời sống của nhân dân ngày một nâng cao. Toàn xã có 85% người dân sử dụng nước sạch, trên 90% gia đình văn hóa, 4/4 thôn, làng văn hóa. Đảng bộ trong sạch vững mạnh, 5/5 đoàn thể trong sạch vững mạnh. Thời gian tới, Tam Đa sẽ tiếp tục phát huy nội lực, duy trì, giữ vững các tiêu chí, không ngừng phát huy thế mạnh nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội địa phương”.
Bức tranh nông thôn ở Tam Đa đầy tươi mới đang dần được định hình trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa. Có thể thấy, nền tảng đó là cả một quá trình lâu dài, từ những trăn trở tìm hướng đi, làm giàu trên đồng đất quê hương, từ những năm tháng lăn lộn gây dựng phong trào làng xã văn hóa để có được một xuất phát điểm cơ sở hạ tầng thuận lợi. Và sâu xa hơn, đó là những cấu trúc cộng đồng mới, tiếp nối từ truyền thống qua thời gian, thử thách, giờ đã trở thành những giá trị văn hóa sống, ứng xử, liên kết cộng đồng trên con đường đi đến một tương lai tươi sáng của Tam Đa.
Khánh Lộc/baobacninh.com.vn