Bước tiến trong nông nghiệp
Diên Khánh là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh về trình độ cơ giới hóa trong nông nghiệp, công tác khuyến nông, thâm canh cây lúa; xây dựng cánh đồng mẫu, ổn định và phát triển các hợp tác xã (HTX)... Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Diên Khánh, cơ giới hóa đã đáp ứng 95% các khâu sản xuất, hứa hẹn triển vọng của sản xuất lớn. gắn bó với cây lúa, nông dân Diên Khánh có kinh nghiệm trong thâm canh cây lúa như: dùng giống xác nhận, thường xuyên thay đổi cơ cấu giống, nhận biết tình hình sâu bệnh, dịch hại, áp dụng tiến bộ trong chọn giống, bón phân, phòng trừ dịch hại... Bên cạnh đó, việc điều hành của các HTX nông nghiệp với những dịch vụ cơ bản đã giúp nông dân chủ động trong sản xuất. Công tác khuyến nông cây lúa được huyện quan tâm. HTX nào cũng có ruộng khuyến nông, ruộng nhân giống để chủ động công tác khảo nghiệm, nhân giống nhằm tìm ra bộ giống mới thích ứng với mùa vụ, thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương.
Cơ giới hóa đạt 95% trong các công đoạn sản xuất lúa |
Gần đây, mô hình xây dựng cánh đồng mẫu được huyện quan tâm nhân rộng, thực hiện đồng bộ các quy trình kỹ thuật, mang lại lợi ích cho sản xuất và thu nhập của nông dân. Hiện nay, toàn huyện có hơn 750ha cánh đồng mẫu, năng suất bình quân đạt 76 tạ/ha, cao hơn so với bình quân chung. Mô hình liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) được chú trọng. Địa phương đã liên kết với các trạm, trại giống trong và ngoài tỉnh sản xuất, tiêu thụ lúa giống. Đến nay, mô hình đã thu hút 7 HTX với hơn 400ha, mang lại lợi nhuận cao hơn sản xuất lúa thương phẩm 6 đến 8 triệu đồng...
Ngoài ra, nông nghiệp của huyện còn ghi nhận sự phát triển vượt bậc về hoàn thiện hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng, bảo đảm hệ thống tưới cho nông nghiệp phát triển...
Gắn với xây dựng nông thôn mới
Những năm gần đây, Chương trình xây dựng NTM được triển khai đã tạo ra bước chuyển mạnh mẽ trong nông nghiệp, nông thôn. Huyện ủy, UBND huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng NTM từ công tác lập quy hoạch, xây dựng đề án tới việc thực hiện các tiêu chí của chương trình... Huyện thường xuyên giám sát, kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND xã Diên Lạc cho biết, năm 2012, Đảng ủy đã có Nghị quyết về Chương trình xây dựng NTM, huy động cả hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc. Trong đó, Hội Nông dân xã là đoàn thể chủ công, đã có nhiều việc làm thiết thực như: vận động phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng tổ liên kết chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm, tín chấp vay vốn nông dân, xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân nhằm nâng cao thu nhập của người dân, vận động nông dân tham gia xây dựng NTM. Xã Diên Lạc đã được công nhận là xã NTM từ năm 2014.
Theo ông Nguyễn Tấn Cường - Trưởng phòng Kinh tế huyện Diên Khánh, thời gian qua, huyện đã làm tốt công tác phát triển kinh tế nông nghiệp với xây dựng NTM. Tổng vốn đầu tư cho chương trình đạt hơn 590 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất tập trung cho các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp như: xây dựng các mô hình vật nuôi, cây trồng có hiệu quả, liên kết sản xuất giống, đầu tư cơ giới hóa, xây dựng tổ liên kết sản xuất kinh doanh... Đến nay, huyện có 4 xã được công nhận là xã NTM (Diên Phước, Diên Lạc, Diên Phú và Diên An); 3 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM năm 2015 (Diên Sơn, Diên Thọ, Diên Lâm); 10 xã còn lại đạt từ 7 đến 13 tiêu chí...
Theo ông Cường, để tạo bước đột phá về nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng NTM, thời gian tới, địa phương ổn định và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên cơ sở phát huy lợi thế vùng, tập quán, điều kiện tự nhiên để tạo sản phẩm cạnh tranh; phát triển đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, nâng cao giá trị nông sản gắn với chế biến và tiêu thụ. Cùng với đó, đẩy mạnh đồng bộ cơ giới hóa sản xuất, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng mô hình điểm, phát triển kinh tế trang trại quy mô lớn; khai thác mọi nguồn lực, hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Bên cạnh đó, huyện thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn Chương trình xây dựng NTM, lồng ghép các chương trình, mục tiêu; khuyến khích, ưu đãi doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn; phát huy vai trò chủ thể cộng đồng, người dân; tăng cường đào tạo nghề, hỗ trợ, khuyến khích HTX, tổ hợp tác, tăng cường liên kết thị trường, liên kết 4 nhà... Phấn đấu đến năm 2018, toàn huyện có 80% số xã đạt chuẩn NTM.
Theo: baokhanhhoa.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn