CPTPP là điều kiện thuận lợi thúc đẩy hợp tác đầu tư nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh nhiều cơ hội hợp tác về thương mại và đầu tư trong nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chế biến nông sản khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực. Cả hai nước đều có nhu cầu hợp tác nhằm tận dụng lợi thế bổ sung trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng để chiếm lĩnh và mở rộng thị phần tại thị trường trong nước cũng như các nước tham gia CPTPP.
Việc đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản thực phẩm đi kèm với nâng cao năng lực chế biến, đưa thương hiệu hàng nông sản của Việt Nam ra thế giới nói chung và Nhật Bản nói riêng là một trong những nhiệm vụ chính của Bộ NN&PTNT đang triển khai nhằm tiếp tục khẳng định vị thế của nông sản Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mở cửa thị trường.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trần Thanh Nam cho biết, Việt Nam và Nhật Bản là 2 nước từ nhiều năm qua đã thiết lập và xây dựng được mối quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp, không ngừng phát triển toàn diện, sâu rộng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa. Trong lĩnh vực nông nghiệp, bộ nông nghiệp hai nước xây dựng được khung hợp tác dài hạn cũng như các biên bản ghi nhớ hợp tác về phổ biến quy chuẩn và chứng nhận liên quan tới chất lượng nông sản, thực phẩm, phát triển chuỗi giá trị gạo Việt Nam. Nhiều dự án trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn đã nhận được nguồn hỗ trợ ODA từ Nhật Bản để triển khai thực hiện.
Cụ thể, về quan hệ hợp tác đầu tư, tính đến cuối năm 2018, với khoảng 1.800 doanh nghiệp đang hoạt động cùng 9,5 tỷ USD vốn đầu tư, Nhật Bản đang dẫn đầu các quốc gia đầu tư vào Việt Nam, trong đó các doanh nghiệp Nhật Bản đang ngày càng quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Về quan hệ thương mại, Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Hoa Kỳ và Trung Quốc) và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 (sau Trung Quốc và Hàn Quốc) của Việt Nam. Năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản đạt 37,9 tỷ USD, chiếm 7,9% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam — Nhật Bản đạt 25,7tÿ USD tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó xuất khẩu đạt 13,3 tỷ USD tăng 9,1%, nhập khẩu đạt 12,4 tỷ USD tăng 0,7%.
“Với lợi thế từ vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, hai nước Việt Nam và Nhật Bản đều có thế mạnh riêng về nông nghiệp cần tăng cường trao đổi, bổ sung cho nhau. Đặc biệt vừa qua, Việt Nam và Nhật Bản là hai nước đã tham gia CPTPP, đây là điều kiện thuận lợi và cũng là cơ hội thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực tiềm năng, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa 2 nước, mà còn tăng cường hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, hợp tác trao đổi kinh nghiệm chuyên gia, hợp tác đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian tới”, Thứ trưởng Nam cho hay.
Cũng theo Thứ trưởng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản” với mục đích nhằm phổ biến đến doanh nghiệp hai nước, các Hiệp hội ngành và các địa phương về các quy định liên quan đến quản lý xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam và Nhật Bản; để nghe những chia sẻ kinh nghiệm cũng như những thắc mắc, câu hỏi của doanh nghiệp hai nước nhằm tìm ra biện pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường xúc tiến thương mại và đầu tư nông nghiệp giữa hai nước. Đồng thời, Diễn đàn tổ chức để doanh nghiệp hai nước giao thương, tìm kiếm các cơ hội thương mại và đầu tư thực tế.
Về phía Nhật Bản, Công sứ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam chia sẻ, nông nghiệp Việt Nam rất quan trọng, chiếm một tỉ lệ lớn trong GDP, ngành nông nghiệp đang tiến hành các chiến lược cho sự phát triển. Trên cơ sở hợp tác từ năm 2014, Nhật Bản đã có những chương trình hợp tác của JICA về hợp tác nông nghiệp với Việt Nam… Tháng 4/2018, Bộ trưởng hai nước cũng đã có đối thoại về chính sách nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam. Tiếp đến, tháng 1/2019 khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, thì hợp tác nông nghiệp giữa hai nước ngày càng phát triển.
BBT tổng hợp/https://www.mard.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn