Có mặt tại ấp Xẻo Sâu, xã Nguyễn Việt Khái, phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN được nhiều người dân tại đây giới thiệu khá nhiều về mô hình nuôi cá bống mú, bởi nơi đây có điều kiện tự nhiên phù hợp với loài thủy sản này.
Ông La Văn Hòa (ấp Xẻo Sâu, xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân) là một trong những hộ đang nuôi cá bống mú. Ông Hòa cho biết, ban đầu gia đình ông nuôi cá chẽm, nhưng hiệu quả không cao, giá cả bấp bênh. Từ đó, ông đã tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi cá bống mú, kinh nghiệm nuôi cá bống mú.
Cá bống mú là loài cá thích nghi cao, có thể sống được ở nước mặn và lợ, có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Chúc Ly.
Ông Hòa thông tin: “3 năm trước, sau khi tìm hiểu thị trường, tôi nhận thấy cá bống mú có đầu ra tương đối ổn định hơn các loại cá tôm khác, giá bán lại khá cao. Sau quá trình tìm hiểu, tôi về đào ao và tìm nguồn con giống cá bống mú để thả nuôi. Cá bống mú giống mua chủ yếu từ người dân bắt ngoài tự nhiên, với giá từ 10.000-20.000 đồng/con (trọng lượng 50-100gr)”.
Theo ông Hòa, ở vụ nuôi đầu tiên ông trải qua nhiều khó khăn do chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, nhờ đây là loài cá không xa lạ với dân miền biển và khá phù hợp với điều kiện tại địa phương, nên ông nhanh chóng làm quen và dần nuôi thuần thục nuôi trong ao đất.
Các hộ dân ở xã Nguyễn Việt Khái thường nuôi cá bống mú trong ao đất. Ảnh: Chúc Ly.
Được biết, một vụ nuôi cá bống mú xấu xí này thường kéo dài khoảng 12 tháng. Khi cá bống mú đạt trong lượng khoảng 800gr thì người dân bắt đầu thu hoạch tỉa những con lớn để bán.
Nói về kỹ thuật nuôi cá bống mú trong ao đất, ông Hòa cho hay: “Cá bống mú là loài dễ nuôi, ít rủi ro. Tuy nhiên, điều cần chú ý nhất là ở thời gian mới thả con giống. Sau khi mua con giống về phải gièo lại khoảng 2 tháng cho cá khỏe mới thả ra ao đất. Trong thời gian này phải cho cá bống mú ăn con ruốc nhỏ. Độ mặn của nước trong ao nuôi cá bống mú đảm bảo tốt nhất từ khoảng 15-18 phần ngàn, và cá bống mú có thể chịu được độ mặn tối đa từ 20-22 phần ngàn”.
Người dân dùng chài để bắt tỉa những con cá bống mú lớn bán cho thương lái. Ảnh: Chúc Ly.
Thông thường khi cá khoảng 800gr trở lên thì người dân mới bắt đầu thu hoạch. Ảnh: Chúc Ly.
Hiện ông Hòa có 2 ao nuôi cá bống mú, với tổng diện tích khoảng 2.500m2, mỗi vụ nuôi từ 3.000-4.000 con cá mú giống. Ở vụ vừa rồi, ông Hòa nuôi 1.300 con cá mú giống trên ao 1.700m2. Trong quá trình nuôi, thông thường ông Hòa chỉ thả giống ở 1 ao, ao còn lại sẽ được dùng để sang cá khi có sự cố, hoặc san cá nhằm giảm mật độ để cá lớn nhanh.
Sau thời gian nuôi cá bống mú, ông Hòa đã thu hoạch được khoảng 400 con, còn lại trong ao khoảng 700 con cá bống mú. Ông Hòa cho biết, sau khi trừ chi phí, ở cuối vụ ông có thể thu lãi từ 25-30 triệu đồng/ao nuôi.
Theo một số hộ thực hiện mô hình nuôi cá bống mú tại xã Nguyễn Việt Khái, nguồn thức ăn chính của cá bống mú là cá phân-cá tạp (giá từ 5.000-7.000 đồng/kg) có thể mua ở địa phương dễ dàng. Mỗi ngày sẽ tiêu tốn khoảng 25kg thức ăn/1.000 con cá bống mú (cá ở khoảng 6-7 tháng tuổi).
Cá bống mú tuy có vẻ ngoài xấu xí nhưng được các nhà hàng thu mua và chế biến nhiều món ăn, bán với giá cao. Ảnh: Chúc Ly.
Bên cạnh đó, việc chọn con giống chất lượng ban đầu rất quan trọng. Trong quá trình nuôi, nông dân cần định kỳ trộn men tiêu hoá, dinh dưỡng và một số thuốc để ngừa bệnh.
Tuy có vẻ ngoài khá xấu xí nhưng cá bống mú là loài có dinh dưỡng cao. Thân hình của cá bống mú thon dài, tròn ở phần thân trên, hơi dẹt ở phần thân dưới. Phần đầu của cá bống mú rộng, dẹt và mõm hơi ngắn, phần hàm dưới của cá ngắn hơn hàm trên.
Hiện cá bống mú được các hộ bán cho các nhà hàng, quán ăn, với giá khá cao. Thông thường cá đạt trọng lượng khoảng 800-1,2kg sẽ có giá dao động từ 220.000-240.000 đồng/kg. Ảnh: Chúc Ly.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, ông Huỳnh Công Luận, Trưởng ấp Xẻo Sâu, cho biết: Đến thời điểm này trong ấp có gần 20 hộ thực hiện mô hình nuôi cá bống mú. Qua rà soát thực tế ở các hộ nuôi, nhận thấy mô hình nuôi cá bống mú này rất khả quan, có khả năng nhân rộng. Tuy nhiên, người dân mong muốn các ngành chức năng quan tâm hơn, nhất là nguồn con giống.
Cũng theo ông Luận, địa phương luôn khuyến khích bà con nhân rộng mô hình đối với những đối tượng nuôi mang lại hiệu quả như cá bống mú để thay thế một phần diện tích nuôi tôm sú kém hiệu quả. Nhưng cũng khuyến cáo người dân đa dạng hóa vật nuôi để tránh tình trạng trúng mùa, rớt giá.
Cá bống mú có tên gọi khoa học tiếng anh Gobio gobio, thuộc dòng họ cá chép (cá Cyprinidae). Trung bình, một con cá bống mú có thể nặng từ 300gr – 1kg, có những trường hợp cá bống mú biển nặng đến 1,5kg. Cá bống mú là dòng cá có thể sinh sống ở cả môi trường nước mặn và nước lợ, sinh sống ở khu vực tầng đáy, thức ăn của chúng chủ yếu là các loài động vật dưới nước có kích thước nhỏ. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn