Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại hội nghị triển khai một số giải pháp thúc đẩy chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, tình hình tái đàn lợn tại nhiều tỉnh cũng đang diễn ra thuận lợi. Dự báo, nguồn cung thịt lợn sẽ cải thiện đáng kể để cung cấp cho thị trường trong thời gian tới, nhất là việc đáp ứng nhu cầu cho dịp Tết Nguyên đán.
Đây là thông tin mà các DN lớn trong ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam cũng như lãnh đạo ngành nông nghiệp của các địa phương chăn nuôi lợn trọng điểm đã khẳng định tại hội nghị triển khai một số giải pháp thúc đẩy chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh do Bộ NN-PTNT tổ chức ngày 26/12.
Trước băn khoăn của dư luận thời gian qua về có hay không việc các DN lớn trong ngành chăn nuôi “găm” hàng để đẩy giá lợn thời gian qua, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Cty CP Chăn nuôi CP Việt Nam (CP Việt Nam) thẳng thắn khẳng định: Khi dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) nổ ra đầu năm 2019, thị trường thịt lợn đã một phen chao đảo rớt giá thảm hại.
Nhờ sự vào cuộc hỗ trợ của Bộ NN-PTNT, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền “không quay lưng với thịt lợn”, giá thịt lợn đã dần nhích lên, giúp các DN chăn nuôi lợn lấy lại được thế thăng bằng.
Vì vậy kể từ khi giá lợn tăng cao thời gian qua, CP Việt Nam đã chủ trương đồng hành với người tiêu dùng, cung cấp tối đa có thể nguồn cung thịt lợn. Thậm chí trọng lượng lợn xuất chuồng trung bình đạt 95 – 96 kg/con, non hơn bình thường Cty cũng đã xuất chuồng.
Giá lợn của CP Việt Nam bán ra ngày 26/12 đang ở mức 84.000 đồng/kg, giảm 1.000 đồng/kg so với ngày 25/12, và đây cũng là mức giá thấp nhất so với các Cty khác.
Ông Tuấn khẳng định thời gian tới, CP Việt Nam sẽ họp bàn, nhằm tiếp tục hạ thêm giá bán ở mức thấp nhất có thể so với mặt bằng thị trường. Tháng 12/2019, CP Việt Nam đã cung cấp ra thị trường Việt Nam khoảng 500 nghìn lợn thịt xuất chuồng, tương đương khoảng 16.000 con/ngày, cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2018 và vẫn sẽ duy trì việc tăng nguồn cung một cách ổn định trong thời gian tới.
Đại diện Cty CP Tập đoàn DABACO cũng tiết lộ: Hiện tại, tổng đàn nái của tập đoàn đã nâng lên mức 43 nghìn con nái, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Theo kế hoạch thời gian tới, DABACO sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng đàn nái lên khoảng 45.600 con, theo đó sẽ tăng khá mạnh về tổng đàn lợn thịt so với hiện tại.
Ông Đào Mạnh Lương, Tổng GĐ Cty CP Tập đoàn MAVIN, một “ông lớn” khác trong ngành chăn nuôi lợn cũng tiết lộ tổng đàn nái của Cty thời điểm này đã được nâng lên ở mức 23 nghìn con, và sẽ tiếp tục tăng quy mô đàn nái ngay từ đầu năm 2020. Với tổng đàn nái như hiện tại, MAVIN đang tung ra thị trường khoảng 1.000 lợn thịt/ngày.
Ông Lương cho biết, theo kế hoạch từ trong tháng 12/2019 và tháng 1/2020 (Âm lịch), Cty sẽ tăng lượng lợn xuất chuồng thêm khoảng 20%/ngày so với hiện nay. Đồng thời khẳng định việc MAVIN tăng mạnh lượng lợn thịt xuất chuồng vào dịp Tết Nguyên đán 2020 không phải là tăng quy mô đột xuất, mà là do việc tăng quy mô đàn nái, cụ kỵ ông bà đã đặt ra từ trước.
Theo ông Lương, trong khoảng 2 tuần trở lại đây, khảo sát cho thấy nguồn cung lợn ra thị trường đã đi vào ổn định. Vì vậy rất khó hiểu khi nhiều nơi giá thịt lợn lên tới 200 nghìn đồng/kg như báo chí phản ánh. “Hiện chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Nếu nguồn cung thực sự thiếu hụt quá nhiều, giá thịt lợn sẽ theo đà tăng mạnh. Hiện chúng tôi đang bán ra với giá lợn 84.000 đồng/kg. Với giá này thì thịt lợn ngoài thị trường không thể cao tới mức 200 nghìn đồng/kg được. Có chăng chỉ là do khâu trung gian, thương lái tự đẩy giá lên mà thôi”, ông Lương nhận định.
Cũng theo vị này, cùng với việc các Tập đoàn, Cty lớn tăng mạnh nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới, việc giá thịt lợn trên thị trường tự do duy trì quá cao thời gian qua cũng sẽ khiến “cầu” tụt giảm, do đó giá lợn thời gian tới nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm chứ ít có khả năng tăng cao hơn nữa.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn